Một năm của các bộ trưởng: Ông Đinh La Thăng, “cứ vậy làm thôi”!

08/01/2015 10:20 AM | Nhân vật

Công việc sự vụ nhiều đến mức thậm chí đã phát sinh một cuộc tranh luận rằng, ông Thăng nên là một “bộ trưởng hành động” hay là một “bộ trưởng chính sách”?

Ngày cuối năm, bên lề hội nghị toàn quốc về an toàn giao thông, người viết tìm gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đề nghị ông trả lời vài câu hỏi.

Hỏi về tổng quan ngành trong năm 2014, ông chối, hỏi về kế hoạch 2015, ông cũng chối.

Nhưng rồi, khi đứng lại thật lâu, trong câu chuyện kiểu “trà dư tửu hậu”, ông nói: “Anh chả biết nói gì, lâu nay, anh cứ vậy làm thôi!”

“Cứ vậy làm thôi”

Tháng 11/2014, bên lề hội nghị kiểm điểm tiến độ dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A và quốc lộ 14, Bộ trưởng Thăng hỏi ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): “Tình hình sao rồi?”.

Ông Tú đáp: “Có anh Thăng chỉ đạo rồi, thì việc phải chạy”.

Một số người thuộc cả ngành giao thông lẫn ngân hàng có mặt hôm đó, đều công nhận đấy không phải là một câu trả lời có tính “ngoại giao”.

Nhiệm kỳ bộ trưởng của ông Đinh La Thăng đã bước qua năm thứ 4 được ít tháng. Thoạt tiên, giữa không khí trầm lắng của ngành giao thông và quán tính kiệm lời của nhiều bộ trưởng trước đó cũng như cùng thời, những hoạt động trong giai đoạn đầu của ông Thăng ít nhiều gây sốc.

Sau hơn ba năm, từ cú sốc với quyết định thay thế chỉ huy trưởng công trình sân bay Đà Nẵng, công luận dường như không còn sốc với các động thái điều hành tương tự nữa.

Sau hơn ba năm, ngành giao thông dường như đã quen dần với một không gian quản trị mới trên tinh thần “cứ vậy làm thôi”.

Năm 2013, giữa lúc căn bệnh chậm tiến độ của ngành giao thông vẫn còn trầm kha, các nhà đầu tư đã hết sức ngại ngần trước “bữa tiệc BOT” mới được bày ra trong dự án quốc lộ 1A. Trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công, ngân sách chắc chắn không thể nào đảm đương số vốn được xác định tại thời điểm đầu năm 2013 là khoảng 120 ngàn tỷ đồng.

Thế nhưng, khi ngồi lại để cùng nhau “kiểm điểm” tiến độ dự án này, Bộ trưởng Thăng, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú có lý do để hài lòng.

Cho đến nay, đã có 23 dự án thành phần được triển khai theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 56.855 tỷ đồng. Trong số này, BIDV đã chấp thuận tài trợ cho 12 dự án, trong đó đã ký kết hợp đồng tín dụng cho 11 dự án, với tổng số tiền cam kết cho vay là khoảng 17.362 tỷ đồng.

Mục tiêu mà Bộ Giao thông Vận tải đặt ra là phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào 31/12/2015, sớm một năm so với nghị quyết của Đảng và Quốc hội, tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án thành phần đã xong sớm trước thời hạn như đoạn Bến Thủy - Hà Tĩnh và nhiều dự án khác có thể xong sớm 1-2 quý trong năm 2015 này.

Quan trọng hơn, như thừa nhận của ông Trần Bắc Hà, nếu như trước đây các nhà đầu tư nghi ngại, thì giờ đây đang “tranh nhau làm”. Với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải và cá nhân ông Thăng, bài toán tiến độ đã được giải và nhờ đó, bài toán kinh doanh cho nhà đầu tư đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều.

Quốc lộ 1A chỉ là một ví dụ. Với tinh thần “cứ vậy làm thôi”, 2014 có lẽ là năm bận rộn nhất của Bộ trưởng Thăng. Sau những chộn rộn buổi đầu, ngành giao thông dường như đã hiểu rằng sẽ không còn chỗ cho sự trì trệ nữa.

Những động thái cải cách quyết liệt có thể nhìn thấy ở mọi cấp trong năm 2014, từ đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy… Cho dù, đó cũng là năm những yếu kém của ngành này lộ rõ qua từng sự vụ.

Những điểm nóng, từ nghi án ODA, tai nạn trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, những sự cố hàng không, sập cầu treo Chu Va, lật xe khách ở Sapa, nứt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai… cho dù được giải thích hay biện minh ra sao, cũng không giấu được một thực tế buồn của ngành.

Trong khi thừa nhận những nỗ lực cá nhân của Bộ trưởng Thăng, những người am tường về bộ máy hành chính nhận xét rằng, dường như chính nền tảng trì trệ ấy cũng đã tạo thêm cơ hội “thăng hoa” cho Bộ trưởng.

Nền tảng ấy cần một chính khách quyết liệt, nhưng chính nền tảng ấy cũng góp phần tạo ra một chính khách quyết liệt.

Báo cáo cuối năm của Bộ Giao thông Vận tải cho hay trong năm 2014, Ban cán sự Đảng của Bộ đã ban hành 37 nghị quyết, còn Bộ đã ban hành 20 chỉ thị, 119 công điện, gần 5.000 quyết định và hơn 16.000 văn bản chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết công việc.

Đồng thời, các lãnh đạo Bộ đã tổ chức hơn 2.500 cuộc họp, chuyến công tác, trong đó có gần 300 cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương, đã ban hành hơn 1.300 thông báo kết luận.

Rất nhiều văn bản trong số này có chữ ký của Bộ trưởng Thăng, rất nhiều cuộc họp trong số này do Bộ trưởng trực tiếp điều hành.

Công việc sự vụ nhiều đến mức thậm chí đã phát sinh một cuộc tranh luận rằng, ông Thăng nên là một “bộ trưởng hành động” hay là một “bộ trưởng chính sách”?

Cho đến nay, cuộc tranh luận này vẫn chưa có hồi kết: người muốn ông là “bộ trưởng hành động” nói rằng họ muốn ông đầu nón cối, chân đi ủng lội thẳng ra công trường; người muốn ông là “bộ trưởng chính sách” thì muốn ông ngồi hoạch định đường lối, chính sách cho ngành để phát triển dài hạn thay vì đầu nón cối, chân đi ủng.

Bộ trưởng Thăng thì chưa bao giờ nói thẳng về vấn đề này, nhưng có lẽ lựa chọn của ông là khá rõ.

Ở số nhà 80 Trần Hưng Đạo - trụ sở Bộ Giao thông Vận tải tại Hà Nội, có một chuyên viên kể với VnEconomy rằng ông Thăng có thể điều hành 6 cuộc họp trong một ngày.

Xuất hiện trên một tờ báo ngành mới đây, ông Thăng nói, “trước một tình huống cụ thể, nếu ngồi phân tích, cân đo một vấn đề gì đó có thể phải cần thời gian, nếu mà ngại chịu trách nhiệm thì còn mất nhiều thời gian gấp bội”.

Chính vì vậy, “sự chậm trễ đưa ra quyết định không chỉ làm mất cảm hứng, mà còn mất cơ hội tốt nhất để thực hiện một chủ trương nào đó”.

“Những việc trước sau cũng phải làm, đáng làm, cần làm, làm mà không sợ sai, thì làm sớm ngày nào tốt cho người dân ngày đó. Tốt cho nhiều người dân, tức là tốt cho đất nước. Đó là cơ sở để tôi hành động”, ông nói.

“Đi thi điểm cao”

Cuối năm 2014, tại Quốc hội, trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đạt 362 phiếu tín nhiệm cao, trong khi chỉ có 28 phiếu tín nhiệm thấp.

Kết quả này đưa ông lên vị trí dẫn đầu trong đội hình bộ trưởng, còn nếu xếp trong toàn bộ danh sách lấy phiếu, ông Thăng đứng thứ tư.

Kết quả này nói lên nhiều điều, nếu so sánh với năm 2013, khi ông đạt 186 phiếu tín nhiệm cao và 99 phiếu tín nhiệm thấp. Bên lề Quốc hội, ông nhận được nhiều cái bắt tay, có người ví von ông là thí sinh “đi thi điểm cao”.

“Mát mặt” nhất với ông Thăng có lẽ là khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong phần nhận xét sau phiên chất vấn tại Quốc hội, được truyền hình trực tiếp, đã nói về ông rằng, “mới làm bộ trưởng 3 năm vài tháng, nhưng rõ ràng thông qua công việc, thông qua trả lời chất vấn có thể thấy cái chuyển biến theo hướng tiến bộ để đảm nhận trọng trách này rất rõ; trong trả lời chất vấn thì Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề, làm rõ vấn đề và đưa ra được các giải pháp”.

“Tôi rất mừng là Bộ trưởng có những cam kết rất quyết đoán ngay tại phiên chất vấn này, với tinh thần là đã nói là làm, nói đi đôi với làm, hứa thì phải thực hiện, không chỉ hứa với đại biểu Quốc hội mà hứa với đồng bào cử tri cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhận xét này chắc chắn là sự khích lệ đáng kể cho người đứng đầu một lĩnh vực quan trọng, đã và đang bước sang năm mới với mốc kỷ niệm 70 năm truyền thống.

Nhiều tuần qua, các lãnh đạo và chuyên viên Bộ Giao thông Vận tải đã họp hành, thảo luận để đi đến thống nhất phương châm hành động mới của ngành là: “Phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Thăng lý giải trên báo Giao thông rằng phương châm hành động này là “lấy mục tiêu sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm động lực cao nhất, đồng thời lãnh đạo Bộ cũng tự đưa ra cam kết và mong muốn có sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội về những việc mà ngành giao thông vận tải sẽ làm”.

“Tôi muốn bất cứ cán bộ, công nhân viên chức nào của ngành cũng có thể dễ dàng ghi nhớ điều đó, để tự xác định trách nhiệm của mình ngay từ đầu năm... Tôi không muốn và không cho phép bất cứ ai thuộc phạm vi quản lý của mình được chủ quan, tự mãn”, ông nhấn mạnh.

Sau hơn ba năm Bộ trưởng nhậm chức, các cán bộ cấp dưới giờ đây hẳn đều tin, điều đó ông Thăng không nói cho vui.

Sinh năm 1960, cho dù ngồi ghế Bộ trưởng nhiệm kỳ đầu, ông Đinh La Thăng lại đã có gần hai khóa Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trước đó, ông từng là lãnh đạo cao nhất tại một doanh nghiệp “khủng” là Petro Vietnam, rồi từng là Phó bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế trong hai năm và tham gia hai khóa Quốc hội.

Với nhiều người, đây thực sự là hành trang đáng nể trên bước đường phía trước của một trong những chính khách thú vị nhất hiện nay.

Năm ngoái, trong bài viết về ông Đinh La Thăng trong loạt “Một năm của các bộ trưởng” trên VnEconomy, người viết từng ví rằng khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Thăng vẫn giữ mái tóc “nửa cua” đầy cá tính đã theo ông từ ngày còn làm sếp ở Tổng công ty Sông Đà, nhưng mái tóc ấy đã được rẽ ngôi “ba - bảy” thích hợp hơn nhiều với hình ảnh một chính khách.

Khi bài viết này được đăng tải, điều dễ thấy là mái tóc Bộ trưởng đã trở nên “chính khách” hơn rất nhiều, mái tóc “nửa cua” đầy cá tính năm nào, có lẽ chỉ những người gắn bó hay theo dõi ông nhiều năm mới có thể nhớ!

>> Một năm của các bộ trưởng: Thống đốc Bình “đi trên băng mỏng”

Theo Hoàng Anh Minh

Cùng chuyên mục
XEM