Lee Jae Yong ghi dấu ấn ở Samsung

28/11/2014 07:53 AM | Nhân vật

Lee Jae Yong - người thừa kế Samsung đã có quyết định quan trọng đầu tiên lên tập đoàn sau khi cha mình - Chủ tịch Samsung nhập viện.

Ông đã đề xuất các giao dịch trị giá 8 tỷ USD bao gồm một vụ mua lại 2 tỷ USD cổ phiếu của chính công ty này.

Lee năm nay 46 tuổi, hiện giữ chức Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung. Từ sau khi Chủ tịch Lee Kun Hee bị một cơn đau tim vào tháng Năm, tập đoàn này dự định sẽ bán số cổ phần trong lĩnh vực hóa chất và các doanh nghiệp quốc phòng, chuẩn bị một số vụ sáp nhập và IPO.

Ngay khi cha hồi phục, Lee Jae Yong vẫn cố gắng tìm hướng đi cho hơn 70 công ty mà gia đình ông kiểm soát trong bối cảnh sụt giảm lợi nhuận do cạnh tranh khốc liệt tại thị trường điện thoại thông minh và sự kiểm soát của chính phủ với các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc (hay còn gọi là chaebol).

Với lợi nhuận đến từ các sản phẩm như TV, vũ khí, đóng tàu và bảo hiểm, Samsung đang thu hẹp trọng tâm của mình để chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang thế hệ thứ ba.

"Samsung đang được chuyển giao cho một thế hệ mới và đây là một phần trong chiến lược của tập đoàn giúp đánh bóng hình ảnh và tăng tần suất xuất hiện của Lee Jae Yong", Park Ju Gun - Chủ tịch Công ty đánh giá doanh nghiệp CEOSCORE nói, "Lee Jae Yong đã thực hiện các cuộc gọi chốt giao dịch trong khi cha mình là Lee Kun Hee vắng mặt".

Giá trị của Samsung Electronics đã tăng 0,9% ở thị trường chứng khoán Seoul vào hôm 26/11, trước khi Lee Jae Yong công bố mua lại cổ phiếu. Giá cổ phiếu toàn cầu của hãng cũng tăng trong các phiên giao dịch ở châu Âu.

Việc mua lại cổ phần và IPO diễn ra trong bối cảnh ba người con của ông Lee Kun Hee phải đối mặt với các loại thuế trị giá hơn 5 tỷ USD nếu họ thừa hưởng 12,1 tỷ USD tài sản của ông. Gia đình ông tuy đang nắm quyền kiểm soát Samsung nhưng chỉ nắm khoảng 2% cổ phần của tập đoàn.

Tập đoàn Samsung sẽ bổ nhiệm quản lý hàng năm vào tháng tới, và Lee Jae Joong có thể được trao chức chủ tịch của Samsung Electronics, công ty đóng góp 70% tổng doanh thu của tập đoàn.

Samsung Electronics, hãng sản xuất TV và chip nhớ lớn nhất thế giới, sẽ mua lại 1,65 triệu cổ phiếu phổ thông và 250.000 cổ phiếu ưu đãi của chính mình.

Samsung Electronics, Samsung C&T Corp và bốn đơn vị khác sẽ bán cổ phần tại công ty Samsung Techwin và Tổng công ty Hóa chất Samsung cho tập đoàn Hanwha Group – nhà sản xuất thuốc nổ có lịch sử 60 năm, để thu về 1,7 tỷ USD.

Sara Lee, nhà phân tích của Morgan Stanley tại Seoul viết trong một báo cáo: "Đây là một phần của việc hợp nhất kinh doanh, luân chuyển trong Tập đoàn Samsung trước cuộc cơ cấu toàn cầu".

Tập đoàn Cheil Industries Inc. cũng sẽ bắt đầu bán cổ phần trị giá 1,52 nghìn tỷ won trong Samsung SDS Co vào tháng sau. Tập đoàn cũng đề xuất vụ sáp nhập trị giá 2,5 nghìn tỷ won của Samsung Heavy Industries Co. với Samsung Engineering Co. , dù rằng đã bị hủy bỏ vào tuần trước sau khi cổ đông đòi quyền mua lại cổ phiếu.

"Rõ ràng ý định của Lee Jae Yong là ông sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đang làm ăn tốt và bỏ các công ty yếu kém", Kim Ji San - nhà phân tích tại công ty chứng khoán Kiwoom ở Seoul cho biết, "Đây là bằng chứng cho thấy các quyết định quản lý của Tập đoàn Samsung đang tập trung vào tay Phó chủ tịch".

Bộ phận điện tử đang cố gắng phục hồi khi doanh thu quý rồi thấp kỷ lục tính từ năm 2011. Samsung là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất đang cạnh tranh với Apple iPhone 6 ở phân khúc cao cấp và cũng là đối thủ của các nhà sản xuất smartphone giá rẻ từ Trung Quốc như Xiaomi Corp và Lenovo Group Ltd.

Sức ép cạnh tranh lớn đã làm ảnh hưởng các doanh nghiệp khác của Samsung, hạn chế doanh thu của màn hình và chip xử lý. Samsung cũng chuẩn bị ra mắt điện thoại với màn hình linh hoạt trong năm tới.

Giá cổ phiếu của Samsung Electronics cũng đã giảm 12% trong năm nay sau khi giảm 9,9% trong năm ngoái.

>> Ai sẽ là người phải ra đi khi Samsung tính chuyện cải tổ nhân sự cấp cao?

Theo Phúc An

Cùng chuyên mục
XEM