Làm việc bằng trách nhiệm và lương tâm

21/10/2014 07:31 AM | Nhân vật

Nghệ nhân lân – sư – rồng Lương Tấn Hằng là người đã đưa hàng trăm đứa trẻ lang thang trên phố, xăm trổ đầy người, nghiện hút ma túy, bị mọi người kỳ thị, xa lánh về chăm sóc, dạy học chữ và dạy múa lân.

Gian phòng nhỏ phía sau Nhà thiếu nhi Quận 11 TP.HCM là ngôi nhà ấm áp nơi anh cưu mang, dạy dỗ nhiều đứa trẻ bụi đời, nghiện ngập, giúp chúng thoát khỏi quá khứ bị kỳ thị, trở thành một thành viên của đoàn lân – sư – rồng Hằng Anh Đường.

Cách đây gần 30 năm, người dân nghi ngờ anh Tấn Hằng là “đại ca” của một băng nhóm giang hồ quận 5. Đến nay, mọi người đã công nhận nhóm lân – sư – rồng Hằng Anh Đường là một đoàn nghệ thuật dân gian truyền thống thật sự và anh Tấn Hằng là một người thầy được nể trọng.

Người thầy Lương Tấn Hằng đã được nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian trẻ tuổi nhất (42 tuổi) vì có công lưu giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống múa lân – sư – rồng. Nói về danh hiệu này, anh có phần ngại ngùng:

Được xã hội và Nhà nước công nhận là điều đáng quý, tôi cũng vui mừng và trân trọng. Nhưng mỗi lần nhận một danh hiệu cao quý nào đó, tôi lại càng thấy trách nhiệm của mình và của các học trò càng nặng nề hơn.

Nếu học trò của tôi không đạt được những thành tích tốt sau đó, liệu tôi có xứng đáng với thành tích đã có? Vì vậy, tôi thường e ngại khi được trao một danh hiệu nào đó, làm cho nhiều người hiểu lầm là tôi không xem trọng các danh hiệu, bằng khen.

* Nghe nói anh được đề cử danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vào đợt xét duyệt sắp tới?

- Đúng là tôi có được đề cử nhưng có lẽ không được phong tặng. Vì tôi đã từ chối phần “báo cáo thành tích” trong buổi xét duyệt. Tôi vốn là người không thích nói về những điều mình đã làm được. Ai bảo tôi chia sẻ về nghệ thuật lân – sư – rồng, tôi có thể nói được ngay, còn yêu cầu báo cáo thành tích thì tôi đành từ chối.

Nếu không đạt được danh hiệu nghệ nhân ưu tú lần này, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được sự tín nhiệm của những người đề cử. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi vẫn là nuôi dưỡng và hướng thiện cho những đứa trẻ lầm đường lạc lối.

* Không chỉ cưu mang hàng chục đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ trong đoàn lân Hằng Anh Đường, anh còn dạy chúng học chữ, học nghề. Đây quả là một nhiệm vụ không đơn giản, nhất là đối với những học trò đã quen với nếp sống tự do của đường phố. Có bao giờ anh cảm thấy mệt mỏi với chúng?

- Tôi đã làm việc này gần ba mươi năm, vui cũng nhiều mà mệt mỏi cũng không ít. Nhưng khi nhìn thấy những đứa trẻ phải lang thang trên đường, tự bươn chải kiếm sống, tôi lại thấy chính mình ngày trước.

Chưa đến 10 tuổi, tôi và cô em gái đã phải đi khắp các ngõ ngách Sài Gòn để bán vé số, bán bánh mưu sinh. Tôi đã nếm trải cảm giác đói lạnh vào những đêm đông hay cảm giác bất an khi một mình trên đường khuya vắng người.

Tôi không muốn các em ra đời quá sớm bị trượt dài trên những con đường tối tăm không lối thoát. Chứng kiến từng học trò thay đổi theo hướng tích cực, ngoan và trưởng thành hơn từng ngày, tôi lại có thêm động lực để thu nhận thêm những em khác.

* Anh đã thay đổi học trò của mình như thế nào?

- Tôi phải hiểu học trò mình mới mong thu phục được chúng. Mỗi em có một nét tính cách khác nhau nên tùy vào từng trường hợp để tôi ứng phó cho thích hợp. Tuy nhiên, tôi cũng khó tránh khỏi một vài lần cảm thấy bất lực khi gặp những đứa trẻ “chưa ngoan”.

Chúng dường như không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ đường phố. Một số học trò tự ý bỏ lớp học vì cảm thấy gò bó, tôi phải tìm chúng đưa trở về. Có em trộm cắp cả các vật dụng của Hằng Anh Đường để đem bán, tôi phải tự đi tìm để xin chuộc lại.

Tôi thường xuyên phải đi bảo lãnh học trò của mình ở công an phường vì các em phạm tội trộm cắp, cướp giật, sử dụng ma túy, “đập đá”. Tuần trước, có em tham gia đập đá nhiều lần, các thành viên trong đoàn khuyên tôi không nên cho em trở lại, nhưng tôi không đành lòng để em vướng vào ma túy.

Em đã bị gia đình từ chối, vợ con bỏ rơi, Hằng Anh Đường không cưu mang em thì em sẽ đi đâu về đâu? Người xưa có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.

Tôi luôn tin rằng bên trong những đứa trẻ xăm trổ đầy người, nhìn đời bằng ánh mắt hằn học, vẫn chứa đựng những ước mơ hướng thiện và những suy nghĩ tốt đẹp chưa có cơ hội bộc lộ.

Chỉ có lòng vị tha mới có thể đưa chúng trở lại con đường chính nghĩa. Một vài vết xăm hoặc vết thẹo trên cơ thể chúng không thể xóa đi được nhưng quá khứ nhiều đau khổ, mất mát có thể rũ bỏ.

* Thu nhận những đứa trẻ bị kỳ thị phục vụ cho đoàn lân của mình, anh không sợ uy tín của mình bị ảnh hưởng sao?

- Uy tín của một người không bị ảnh hưởng nếu làm việc bằng trách nhiệm và lương tâm của mình. Còn nhớ năm 15 tuổi, tôi tập hợp một lớp dạy chữ cho trẻ đường phố nhưng không được công nhận. Tôi bị công an lập biên bản không ít lần trước khi lớp học phải giải tán. Tôi thương các em nhỏ hiếu học nên vẫn thành lập một “lớp học chui”.

Đến năm 2001, nhờ Nhà nước có chính sách khuyến học mới và sự cảm thông của những cấp quản lý trong quận, khu vực nên tôi mới có thể công khai mở trở lại lớp học chữ cho các em lang thang. Rồi may mắn hơn, tôi được Nhà thiếu nhi Q.11 cắt cho một “miếng đất cắm dùi” để mình và các em có nơi gửi gắm niềm tin.

Thời gian đầu khai sinh đoàn lân Hằng Anh Đường với gần 10 em cơ nhỡ không nơi nương tựa, cha mẹ, gia đình ly tán, có đứa sống lay lắt, trộm cắp, giựt dọc, có đứa nghiện hút…, người ta gọi đoàn lân của tôi là “đám giang hồ”. Hầu hết các em trong đoàn lân đều có võ và sẵn “máu giang hồ” nên dễ dàng xảy ra xung đột, ẩu đả, để giành lãnh địa và “hợp đồng”.

* Đoàn lân của “dân giang hồ” ngày nào đã trở thành một đoàn lân uy tín, trở thành một trong năm đoàn lân lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Còn anh thì được mọi người yêu mến và tôn trọng…

- Hàng ngàn lớp học trò đã nên người, rũ bỏ quá khứ để có một cuộc sống tốt đẹp. Nhiều học trò của tôi đã ra mở lò võ – múa lân ở trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Thật vui vì niềm hy vọng của tôi đã có kết quả lạc quan. Nhưng điều tôi luôn trăn trở là hiện tôi vẫn chưa tìm ra được người truyền nghề tâm huyết, một người yêu lân – sư – rồng gần giống như tôi chứ không chỉ học nghề để kiếm cơm.

Tôi cũng tích cực mở các lớp lân – sư – rồng đại trà để tìm kiếm tài năng, nuôi dưỡng đam mê cho các em. Nhưng trong hàng trăm người tham gia, tôi vẫn chưa tìm được người tôi cần tìm. Có lẽ người trẻ tuổi đang bị áp lực bởi mối lo cơm áo gạo tiền nên không còn niềm đam mê đến sống chết với nghệ thuật.

Thật may, có những em nhỏ vẫn còn chút đam mê với nghệ thuật lân – sư – rồng. Mới đây, trên trang Facebook, tôi tình cờ gặp một em nhỏ chia sẻ rằng dù mẹ không ủng hộ, nhưng dù có chết, em vẫn muốn chết trên cột Mai hoa thung (cây cột sắt dài từ 1,2 – 3m, chuyên dùng trong múa lân). Tôi rất cảm kích và sẵn sàng giúp em phát triển đam mê của mình.

* Mục tiêu trước đây của anh là nghệ thuật lân – sư – rồng được công nhận, đoàn Hằng Anh Đường đã được biết đến ở nhiều buổi biểu diễn trong và ngoài nước. Anh có hài lòng với thành quả hiện tại?

- Nếu hài lòng với một mục tiêu từ cách đây 30 năm, tôi nghĩ mình không thể phát triển được. Hết mục tiêu này, tôi phải đặt ra một mục tiêu khác cao hơn để vươn tới, không thể hài lòng với những gì mình đã đạt được.

Khi đoàn lân đã có thu nhập ổn định, tôi thành lập Công ty biểu diễn Lân – Sư – Rồng Hằng Anh Đường để đưa Hằng Anh Đường trở thành một công ty biểu diễn lân, sư, rồng chuyên nghiệp. Tôi tự mình mua sách và băng ghi hình về nghiên cứu và dày công học hỏi thêm các tuyệt kỹ của nghề múa lân, sư, rồng rồi dạy lại cho học trò…

Hiện nay, chúng tôi còn tiếp tục làm những đầu lân, sư, rồng thủ công để xuất ra nước ngoài đều đặn. Giá những đầu lân này khoảng từ 5 đến 15 triệu đồng/chiếc. Tôi còn nhận thêm dịch vụ quay phim, tổ chức biểu diễn để đoàn lân kiếm thêm thu nhập, vì nhu cầu tiền lương cho các em rất lớn.

* Đã được cưu mang, nuôi các thành viên ăn học nên người, các thành viên nhỏ còn được trả lương nữa à?

- Tất nhiên là có. Các em đang làm việc cho tôi nên tôi phải trả lương cho các em. Hơn nữa, các em đã lớn nên cần có tiền cho những hoạt động cá nhân. Cuộc sống thiếu thốn tiền bạc rất dễ làm các em sa ngã vào con đường trộm cắp, giết người.

Cách đây không lâu, một đoàn lân của học trò tôi “vượt biên” sang Malaysia vì tin rằng ở đó họ có thể có cuộc sống sung túc hơn ở Việt Nam. Quả thật, cả đoàn được trả khoảng 1 triệu đồng/ngày, nhưng phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 12 giờ khuya mỗi ngày.

Đó là một hiện tượng chảy máu chất xám và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghệ thuật nước nhà. Tôi vội vàng khuyên các em về nước phục vụ và phát triển mình.

Rồi tôi lo cho các em một cuộc sống đầy đủ, trả lương cho đoàn lân 500 ngàn đồng/ngày để các em đồng ý ở lại Việt Nam. Tôi cũng cố gắng kiếm nhiều hợp đồng để các em có cơ hội biểu diễn, kiếm tiền, nhất là những buổi biểu diễn ở nước ngoài.

* Hầu hết các thành viên trong đoàn đều thiếu gia đình, không giấy tờ tùy thân, hẳn anh gặp không ít khó khăn khi muốn đưa chúng ra nước ngoài biểu diễn?

- Đúng là không dễ, tôi phải bảo lãnh cho chúng với danh nghĩa cha nuôi. Thật may tôi là người đàn ông độc thân nên mới có thể bảo lãnh cho các em. Đó cũng là một phần lý do tôi phải đắn đo rất nhiều khi nghĩ đến chuyện lập gia đình.

Nhắc đến những lần biểu diễn ở nước ngoài, tôi lại nhớ về chuyến trình diễn trong lễ hội truyền thống múa lân Nhật Bản diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2010. Đó là một chuyến đi đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả: vừa vui mừng, vừa xúc động lại vừa tự hào.

Còn nhớ, vào ngày mùng 1 Tết Canh Dần, tôi múa lân phục vụ tại Khách sạn New World cho nhiều du khách nước ngoài xem. Ngay sau phần biểu diễn, có người đàn ông gọi điện hỏi chương trình diễn hôm sau để được tiếp tục xem.

Tôi bất ngờ khi biết người đó lại là một đại sứ của Bộ Văn hóa Nhật Bản. Khi ông ấy gửi lời mời đoàn sang Nhật trình diễn, tôi nhận lời ngay.

Người Nhật rất chu đáo, họ tài trợ từ chi phí chuyến đi đến việc xin passport, visa cho 20 người trong đoàn chúng tôi. Đây là dịp để học trò của tôi mở mang tầm mắt, tiếp xúc với một xã hội văn minh.

Các em đã có những màn biểu diễn rất tốt, nhận được sự khen ngợi nhiệt liệt của người xem. Sau buổi biểu diễn, Thái tử Nhật Bản gặp trực tiếp đoàn để khen ngợi và động viên.

Tôi cho đó là một niềm tự hào ít người có được. Trước đó, chúng tôi cũng đã có những màn biểu diễn ấn tượng ở Trung Quốc, khiến khán giả bản địa bất ngờ.

* Nhiều người nghĩ múa lân – sư – rồng là một bộ môn nghệ thuật của Trung Hoa, không phải nghệ thuật truyền thống của Việt Nam…

- Đúng là múa lân là một môn nghệ thuật có từ lâu đời, gắn liền với phong tục, tập quán và các ngày lễ hội lớn của người Trung Hoa. Nhưng môn nghệ thuật này đã du nhập vào Sài Gòn từ rất lâu, được sáng tạo và phát triển để trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc riêng của người Việt Nam, không giống với Trung Hoa hay bất kỳ một nước nào trên thế giới.

Múa lân có bốn bước cơ bản nhằm thể hiện mưu cầu hạnh phúc, trường thọ và sung túc. Trong múa lân, để đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, vận động viên phải khổ luyện mới có kỹ xảo phối hợp ăn ý, nhằm thể hiện nổi bật thần thái hùng dũng của lân khi tả xung hữu đột, lúc uyển chuyển nhẹ nhàng.

Mỗi tiết mục múa lân có nét độc đáo, riêng múa lân Mai hoa thung (múa trên giàn cột sắt cao), thu hút sự thích thú của khách thưởng lãm nhiều nhất bởi sự chắt lọc các tinh hoa ngoại sinh kết hợp nghệ thuật võ cổ truyền, múa dân gian đi kèm các bài quyền, pháp, thể công… Chính vì vậy mà người ta nghĩ đến nghề múa lân như một nghề Sơn Đông mãi võ.

* Và từ ba mươi năm nay, anh quyết tâm thay đổi suy nghĩ của mọi người về nghệ thuật lân – sư – rồng?

- Đúng vậy. Đó là một bộ môn nghệ thuật thật sự, đòi hỏi người diễn viên thật khéo léo và tỉ mỉ trong từng động tác. Người diễn viên phải hòa mình vào con lân để truyền đạt tới người xem những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, phải liên tưởng con lân như một con thú đang rình mồi hoặc đang nằm nghỉ…

Múa lân ngoài chú trọng kỹ thuật ra, bộ pháp (bước đi, điệu bộ) cũng rất quan trọng. Một con lân được xem là sống động hay không, có hồn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bộ pháp của người múa.

Người múa lân có bước chân vững chắc, tạo cho người xem cảm giác con lân cứng cáp, vững vàng trong từng bước đi. Ngoài ra còn phối hợp thêm với nhiều kiểu đi đứng khác nhau, tạo nên những bước đi uyển chuyển, đầy sinh động, tạo cho người xem cảm nhận được con lân chuyển động một cách có điệu bộ, có bài bản và không kém phần tự nhiên.

Ngoài ra, tôi muốn chia sẻ về lòng tự hào dân tộc của mình. Tuy là một người gốc Hoa lớn lên trên đất Việt nhưng tôi luôn cảm thấy mình hoàn toàn là người Việt Nam.

Khi nghe người Trung Quốc hỏi: “Việt Nam cũng biết múa lân rồng à?”, tôi cảm thấy tự ái trỗi dậy. Từ đó, tôi quyết tâm làm sao để nghệ thuật lân – sư – rồng Việt Nam phải ngang bằng quốc tế, để chúng ta không bị thua kém so với thế giới.

Không đơn điệu là trò chơi dân gian nữa, múa lân sư rồng ngày nay đã quốc tế hóa thành sân chơi thể thao với sự cầm trịch của Hiệp hội Lân – Sư – Rồng thế giới. Nhờ những thành tích đáng kể của nước ta trên trường quốc tế, nhiều vận động viên các quốc gia như Mỹ, Đức, Úc… đã tìm đến nước ta hoặc mời thầy xuất ngoại dạy học.

Đây chính là tín hiệu tích cực đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, dài lâu của một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống. Tôi đang cố gắng xây dựng một hệ thống luật múa lân – sư – rồng của Việt Nam, phù hợp với luật quốc tế để các vận động viên trong nước thuận lợi đi thi đấu ở các cuộc thi quốc tế.

Với một luật lệ hoàn chỉnh được công nhận, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện tổ chức nhiều cuộc thi về nghệ thuật lân – sư – rồng để các nước trên thế giới đến tham gia. Đây là cơ sở quan trọng để giới thiệu và khẳng định nghệ thuật Việt Nam với bạn bè thế giới.

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện. Chúc anh thành công với những mục tiêu sắp tới.

>> TS Võ Trí Thành: 'Phụ nữ Việt Nam không có điểm yếu vì quá nhiều điểm mạnh'

Theo XUÂN LỘC- Tranh: HOÀNG TƯỜNG

Cùng chuyên mục
XEM