Làm giàu từ "hàng lạnh"

06/11/2014 19:05 PM | Nhân vật

Đặt tên công ty là Thiên Bút, một danh thắng ở tỉnh Quảng Ngãi, Trần Thanh Phong trước sau vẫn khẳng định mình là một người con của quê hương Quảng Ngãi.

Hành phương Nam

Sinh ra và lớn lên ở Đức Phong (Mộ Đức, Quảng Ngãi), Trần Thanh Phong cùng vợ gầy dựng thương hiệu khô bò Thanh Ly khá nổi tiếng để có cuộc sống ổn định ở quê nhà. Nhưng đến cuối năm 2003, Thanh Phong quyết định vào TP.HCM sinh sống.

Anh kể: "Chúng tôi vào TP.HCM lập nghiệp thực ra là vì đứa con đầu lòng. Con trai tôi sinh năm 1998, vì sinh thiếu tháng nên hay đau bệnh, bệnh nặng nhất là suyễn. Hồi đó, cứ đến mùa lạnh là lại phải mang con vào TP.HCM để vừa tránh lạnh, vừa chữa bệnh, nên cuối cùng mình quyết định vào TP.HCM ở hẳn vì tương lai của con".

Vợ ở lại, Phong khăn gói vào trước để xem xét tình hình. Trước tiên là kiếm việc làm, sau một thời gian làm đủ thứ việc linh tinh, rồi làm thợ kim hoàn, Phong tình cờ gặp một người bạn giới thiệu cung cấp thực phẩm cho công ty chuyên sản xuất giò chả Long Phụng. Sẵn có kinh nghiệm làm thực phẩm, Phong "tuyển" thịt bò từ Quảng Ngãi đưa vào TP.HCM.

Không ngờ thịt bò Quảng Ngãi được Công ty Long Phụng đánh giá cao về chất lượng, họ lập tức ký hợp đồng với Phong. Sau thịt bò, Phong nhận cung cấp thêm thịt heo cho Long Phụng. Thời điểm này, chợ Phạm Văn Hai tại TP.HCM là chợ đầu mối thịt heo lớn nhất. Thế là, như những ngày ở quê, từ 2 giờ sáng, Phong đã đến chợ "gom" thịt.

Chiếc xe máy của anh mỗi lần chở từ 300 - 400kg thịt heo. "Nhiều khi đang chạy nghe rớt một bịch thịt chừng chục ký, tiếc đứt ruột nhưng không dám dừng xe lại vì chở quá nặng, dừng lại là ngã ngay. Có thời gian vợ vào cùng đi làm, thấy mình vất vả quá, không đành lòng, khuyên về quê sống cho nhẹ nhàng", Phong nhớ lại.

Túc tắc làm ăn như thế cho đến một lần tình cờ Thanh Phong biết công ty bạn hàng nhập về một container thịt trâu Ấn Độ đông lạnh nhưng không bán được. "Khi tôi đến xin thịt trâu về ăn thử thì thấy không khác với "thịt nóng" là mấy", Phong cho biết.

Tuy là lần đầu tiên "chạm" vào hàng đông lạnh, nhưng thấy chất lượng khá tốt, giá cả lại rẻ hơn hàng trong nước khá nhiều nên Phong quyết định đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này. Ngày thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Thiên Bút cũng là ngày 28 tấn thịt đông lạnh đầu tiên được nhập về.

Thế nhưng, hai tháng sau đó, Trần Thanh Phong phải trầy trật lắm mới bán được một ít. "Ngày đó, người dân chưa quen dùng thịt đông lạnh, tôi phải đích thân mang biếu cho từng người ăn thử. Không đưa được hàng vào chợ, hai tháng đầu gần như tuyệt vọng, tới giáp Tết, tôi thử vận may bằng cách đến các nhà hàng tiệc cưới chào hàng, nhưng cũng không mấy hy vọng. Thế rồi, thật may mắn, khoảng một tuần sau, tôi nhận được điện thoại đặt hàng", Thanh Phong kể.

Ít lâu sau, việc kinh doanh của Thiên Bút dần ổn định. Năm 2007 doanh thu đạt 48 tỷ đồng, và chỉ riêng trong tháng 9 năm nay doanh thu đã đạt 38 tỷ đồng.

Cái lợi của thực phẩm đông lạnh

Không dám tự nhận Thiên Bút là công ty nhập khẩu hàng đông lạnh lớn hiện nay, nhưng Trần Thanh Phong luôn tự hào mình là một trong số ít người "khai phá” thị trường thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Theo nghề lâu năm, Phong tâm sự: "Làm nghề này đôi khi cũng thấy tủi, vì người ta hay nói nhập khẩu là làm nghèo đất nước, nhưng thú thật là càng làm, tôi càng nhận thấy cái lợi của hàng đông lạnh".

Theo Phong, người Việt Nam trước giờ có thói quen dùng "hàng nóng", tất nhiên "hàng nóng" sẽ tươi ngon nếu dùng ngay. Nhưng làm sao có thể dùng hết một lúc nguyên cả con trâu hay con bò nếu như không cấp đông cẩn thận, đúng quy cách? "Cách sử dụng "hàng nóng" lẫn "hàng lạnh" của chúng ta hiện nay có quá nhiều bất cập.

Lấy một ví dụ: "Hàng lạnh" khi vận chuyển đến khách hàng thì thành "hàng nóng", rồi từ "hàng nóng" lại được làm thành "hàng lạnh". Nếu cứ nóng, lạnh đột ngột như vậy thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập và phát triển một cách dễ dàng", Phong giải thích.

Hiểu rõ điều này, Công ty Thiên Bút đã đầu tư hệ thống xe lạnh chuyên dụng phục vụ quá trình chuyên chở hàng đến đại lý và khách hàng. Phong khẳng định: "Hàng nhập khẩu chính ngạch luôn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm".

Điểm đặc biệt ở Thiên Bút là trừ kế toán trưởng phải là người có kinh nghiệm, còn thì nhân viên ở các bộ phận đều... chưa biết gì về nghề, sau khi tuyển dụng Công ty sẽ đào tạo. Điểm lạ khác là hầu hết nhân viên ở đây đều là người Quảng Ngãi, và có lẽ đây là cách tương trợ người đồng hương thiết thực của Trần Thanh Phong.

>> 8x tay trắng, làm 'nghề đụng' đến lập công ty kiếm gần trăm triệu mỗi tháng

Theo Đức Tân

Cùng chuyên mục
XEM