“Kỹ sư Hai Lúa” là “cha đẻ” nhiều loại máy nông nghiệp

20/07/2015 09:55 AM | Nhân vật

Đó là anh Võ Văn Phước (SN 1966) - thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Bình, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Là một nông dân thuần chất, chưa từng học nghề cơ khí nhưng rút kinh nghiệm từ thực tế, tìm tòi, học hỏi, anh Phước đã sáng chế, cải tiến kỹ thuật thành công nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Anh Phước tâm sự: “Vào khoảng cuối năm 1987, đầu năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương, tôi bắt tay vào tăng gia sản xuất, cải tạo đồng ruộng… để phát triển kinh tế gia đình.

Quá trình canh tác lúa quá cơ cực nên tôi luôn có suy nghĩ phải làm sao đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động chân tay và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đầu tiên, tôi thiết kế thành công lò sấy lúa, vừa sấy lúa nhà vừa phục vụ sấy lúa cho nhiều nông dân địa phương. Sau đó, tôi còn cải tiến kỹ thuật và sáng chế thành công một số loại máy móc khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Anh Phước và anh Hoàng.

Anh Phước và anh Hoàng.

Thật vậy, hơn 2 năm trước, anh Phước đã miệt mài tìm tòi, học hỏi và tự sáng chế ra một chiếc máy đào đất chuyên dụng để nạo vét mương rãnh, đường nước nội đồng phục vụ trong việc bơm tưới, tiêu nước cho lúa và hoa màu.

Với kích thước đào đất chiều ngang 2,5 tấc, chiều sâu 2,5 tấc, bình quân mỗi giờ máy sẽ đào mới được một đoạn đường nước dài 1.000m, còn nạo vét lại đường nước cũ thì máy sẽ đào tới 1.300m; tiêu tốn nhiên liệu khoảng 10 lít dầu, giá thuê đào, vét mỗi mét từ 1.000 - 1.500 đồng…

Anh Phước vui vẻ bày tỏ: “Cái máy này giàn khoan nó gắn vào chiếc máy cày, làm rất là nhanh luôn. So với cách đào đất truyền thống tương đương khoảng 50 người đào. Giá thành rẻ, có phân nửa hà. Hiệu quả cao, đất phóng ra xa, người ta khai nước không bị nghẹn, với đường nó sâu, bóng, nước chảy thông dữ lắm.

Khi điều khiển đó, cái đường nước mới có tài xế lái để mình nhắm mục tiêu, còn đường mương cũ, bị nó tới 5 bánh lận, bỏ bánh đầu xuống nó ben hỏng 2 bánh sau không cần người lái luôn; có thể chạy mình bỏ xuống, đi bộ lai rai theo nó để thăm dò đường mương coi sâu, cạn”.

Phấn khởi trước hiệu quả đạt được từ chiếc máy đào đất do mình sáng chế, đầu năm 2015 anh Phước tiếp tục cải tiến thành công và đưa vào sử dụng chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Chiếc máy này có dung tích tới 240 lít, phun rất nhanh so với phun bằng tay truyền thống và hạn chế cây lúa bị đổ ngã do bị dẫm đạp, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm giá thuê nhân công xịt rất nhiều…

Anh Phước cho biết: “Xịt máy cầm tay mình quơ không đều bằng cái máy này. Cái này nó bắn xuống, mình đi hoài tới. Còn cái kia mình quơ qua, quơ lại, lúc quơ lẹ, lúc quơ chậm đó. Thứ hai nữa là thuốc pha chất lượng lấy nước trong chứ đâu có lấy nước đục, lấy toàn là nước trong không. Mình xịt một giờ khoảng 3 phuy, mỗi phuy 240 lít, tính ra là 36 bình. Xịt tay ai xịt giỏi một giờ chỉ xịt có 5 bình hà, không có được nhiều. Nó tiện lợi dữ lắm”.

 lChiếc máy phun thuốc của anh Phước, hiệu suất làm việc gấp 6 -7 lần so với thuê nhân công phun thuốc.

lChiếc máy phun thuốc của anh Phước, hiệu suất làm việc gấp 6 -7 lần so với thuê nhân công phun thuốc.

Anh Nguyễn Văn Tân ở ấp K8, xã Phú Đức canh tác 3,8ha lúa đã rất hài lòng khi thuê anh Phước sử dụng chiếc máy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa trên mảnh ruộng của mình.

Anh Tân cho biết: “Từ ngày có máy phun thuốc của anh Võ Văn Phước, bà con rất phấn khởi, bởi máy này phun thuốc rất là đều và hiệu quả. Tính ra giá thành cũng rẻ so với mình mướn phun bằng thủ công, bằng tay. Bằng tay thì phun nó vừa tốn tiền, giá thành cao, chi phí cũng cao…”.

Để có được 02 chiếc máy hoạt động hiệu quả, thiết thực trên, anh Phước đã trải qua nhiều tháng ngày miệt mài kẻ vẽ, thiết kế, sáng chế trên giấy. Sau đó, anh đem bản thiết kế của mình đến xưởng cơ khí của anh Nguyễn Văn Hoàng gần nhà để thực hiện ý tưởng của mình và được anh Hoàng đồng ý hợp tác thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: “Hiện nay, cái máy đó rất hoàn chỉnh, làm độ bền rất cao luôn. Đây là mô hình trải nghiệm để mần nhà; nếu sau này bà con nông dân có nhu cầu mướn tôi gia công hoặc lãnh nguyên con tôi sẽ làm cho bà con để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống của nó rất gọn và nhẹ, sử dụng rất đơn giản”.

Anh Võ Văn Phước đề nghị: “Máy này chạy hiệu quả rất cao, kể cả máy xịt và máy khoan đường nước. Nó vừa rẻ, chất lượng hơn mình mướn đào bằng tay. Đề nghị cấp huyện, tỉnh công nhận vậy đó, mình đã làm thành công máy xịt và máy khoan đường nước. Đề nghị hỗ trợ vốn để mình làm thêm, kết hợp với chỗ cơ khí của anh Nguyễn Văn Hoàng sản xuất ra nữa để đáp ứng yêu cầu của bà con ở địa phương”.

Hiện nay, anh Võ Văn Phước đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến từ chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật này để có thêm các công năng nữa là gieo sạ lúa giống theo hàng và sạ phân…

Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên anh Phước gặp không ít khó khăn trong việc sản xuất thêm các loại máy trên và cải tiến thêm công năng của máy. Anh mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn để anh có thể thực hiện tâm huyết của mình.

Theo Trần trọng Trung

Cùng chuyên mục
XEM