Kim Jong-un không muốn chiến tranh?

11/04/2013 15:13 PM | Nhân vật

Thực ra thì lời cảnh báo của Triều Tiên chỉ được đưa ra với mục đích dọa dẫm mà thôi.

Ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã thông báo cho các Đại sứ quán nước ngoài và đại diện các tổ chức quốc tế rằng, họ không thể đảm bảo sự an toàn của các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế trong trường hợp xung đột bùng phát trên bán đảo Triều Tiên. Cơ quan này khuyến cáo các quốc gia nên xem xét rút đại sứ quán ra khỏi Triều Tiên.

Nhiều người coi lời cảnh báo này là dấu hiệu cho thấy chiến tranh sẽ sớm nổ ra. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lại đưa ra những lập luận trái ngược. 

Theo thông tin đăng tải trên tờ Interfax, Alexander Zhebin - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc tại Viện Khoa học Nga – cho rằng nếu như Bình Nhưỡng sẵn sàng cho xung đột vũ trang, họ sẽ không yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế rút đi.  

Zhebin nhận định Triều Tiên sẽ sử dụng những cơ quan này như một tấm lá chắn bảo vệ. Nga, Trung Quốc và các nước khác sẽ e dè và không muốn tấn công vào Bình Nhưỡng – nơi có các đại sứ quán của nước họ. 

Do đó, thực ra thì lời cảnh báo của Triều Tiên chỉ được đưa ra với mục đích dọa dẫm mà thôi. 

Trả lời phỏng vấn của tờ New York Times, Kim Yong-hyun - giáo sư người Hàn Quốc nghiên cứu về Triều Tiên – nhận định động thái này nằm trong chiến dịch đánh vào tâm lý được Triều Tiên tính toán kỹ lưỡng với mục đích nhằm gia tăng sắc thái khủng hoảng và thu hút sự chú ý của dư luận. 

Điều quan trọng ở đây là người dân Triều Tiên đang phải sống trong cảnh nghèo đói và có thể những động thái phô trương của lãnh đạo Triều Tiên chỉ nằm trong nỗ lực kêu gọi nhân dân đoàn kết trước lệnh cấm vận của Liên hợp quốc. Cũng có thể động thái này được thực hiện với mục đích buộc cộng đồng quốc tế phải viện trợ nhiều hơn cho Triều Tiên. 

Theo Thiên Bình

CafeF/TTVN
 Tên lửa Triều Tiên chạm đến đâu?

Trong khi những tuyên bố chiến tranh của Bình Nhưỡng tiếp tục được đưa ra thì các nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho rằng, động thái tiếp theo của Triều Tiên có thể bao gồm một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Vậy mối đe dọa từ kho tên lửa của Triều Tiên thực sự là thế nào?

Nếu Triều Tiên thử nghiệm tên lửa trong tuần này, thì đó là loại gì? Hầu hết đồn đoán đều tập trung vào một loại tên lửa gọi là Musudan. Nó được chế tạo dựa trên loại R27 của Liên Xô ra đời từ những năm 1960 và phóng từ tàu ngầm. Các phiên bản khác nhau đã được Triều Tiên phô diễn trong cuộc diễu binh quân sự ở Bình Nhưỡng tháng 10/2010 và sẽ được triển khai từ một xe tải cỡ lớn.

Musudan sẽ là một bước tiến quan trọng so với loại tên lửa đạn đạo No-dong của Triều Tiên với tầm bắn 1.300km. Nhiên liệu của No-dong là dầu lửa trong khi Musudan sử dụng loại nhiên liệu mạnh hơn gọi là dimethylhydrazine không đối xứng.

Nếu Triều Tiên đã hoàn tất công nghệ để sử dụng loại nhiên liệu này, thì tên lửa Musudan có thể có tầm bắn từ 2.500 - 4.000km, nghĩa là đặt khu vực Guam của Mỹ trong tầm ngắm. Nếu Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa ở bờ biển phía đông, thì một tên lửa có tầm bắn như vậy sẽ vượt qua Nhật Bản và đi vào Thái Bình Dương.

Khả năng Triều Tiên

Một số báo cáo cho rằng, Musudan còn gọi là tên lửa No-dong B đã được thử nghiệm từ Iran trong năm 2006, nhưng hầu hết các chuyên gia an ninh khẳng định đó chỉ là suy đoán. Dường như Bình Nhưỡng không muốn sử dụng loại tên lửa chưa được thử nghiệm cho một cuộc tấn công phủ đầu. "Nó có thể nổ tung trên bệ phóng”, David Wright thuộc Hiệp hội các nhà khoa học ở Cambridge, Massachusetts cho biết. Vì thế, một cuộc thử nghiệm sẽ là bước đi rõ ràng tiếp theo.

Triều Tiên còn tên lửa khác? Tháng 4/2012, sáu tên lửa mới gọi là KN-08 xuất hiện trong cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng. Thoạt nhìn chúng giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tầm bắn lên tới 10.000km, nghĩa là sẽ chạm tới rất nhiều thành phố của Mỹ.

Tuy nhiên, hai kỹ sư tên lửa Markus Schiller và Robert Schmucker thuộc hãng Công nghệ Schmucker ở Munich, Đức đã phân tích kỹ những hình ảnh trong cuộc diễu binh và kết luận rằng, sự biến đổi tinh vi giữa các tên lửa dẫn tới khả năng chúng chỉ là những mô hình. Hay nói một cách khác, KN-08 là cuộc trình diễn mô hình với dụng ý làm cho các nhà phân tích nước ngoài nhầm lẫn.

Triều Tiên có thể chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa? Cho dù điều gì xảy ra, thì sự thành công của Bình Nhưỡng khi phóng vệ tinh Kwangmyungsang-3 bằng tên lửa đẩy Unha-3 từ trung tâm vũ trụ Sohae tháng 12/2012 là dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên có thể đi xa hơn trong việc chế tạo một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) so với các suy đoán trước đây.

Hàn Quốc đã thu thập vỏ và các mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên. Sau khi nghiên cứu, các chuyên gia Hàn Quốc kết luận Unha-3 có thể là một ICBM với vỏ bọc dân sự. Theo kết quả phân tích, Triều Tiên đã sử dụng công nghệ tên lửa Scud và Nodong để phát triển loại tên lửa Unha-3. 

Một số chuyên gia an ninh tin rằng, Triều Tiên có thể đặt vũ khí hạt nhân trên tên lửa No-dong. Từ kết quả các vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009 của Bình Nhưỡng cho thấy, thay vì một dự án chế tạo bom cỡ lớn, họ có thể bắt đầu xây dựng một thiết bị nhỏ hơn đủ để đặt trên một tên lửa.

Đối phó từ Mỹ và liên minh

Quan chức Mỹ tự tin rằng họ có thể đối phó với Triều Tiên. Trọng tâm phòng thủ đó là hệ thống đánh chặn Aegis, triển khai trên các tàu của cả Mỹ và Nhật, sẽ nhanh chóng phá huỷ tên lửa đối phương ngay khi chúng vẫn còn bay trên khí quyển.

Theo cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ, trong các cuộc thử nghiệm Aegis đã loại bỏ được mục tiêu tên lửa đặt ra. Chúng từng được sử dụng vào tháng 2/2008 để phá huỷ vệ tinh hỏng của Mỹ.

Thoạt nghe thì có vẻ an tâm. Nhưng liệu các cuộc thử nghiệm có minh chứng được rằng hệ thống sẽ làm việc trong điều kiện xảy ra cuộc tấn công thực sự?  

“Các cuộc thử nghiệm thì thành công", George Lewis của Viện Nghiên cứu hoà bình và xung đột tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York cho biết. Bắn hạ mục tiêu tự đặt ra trong tầm kiểm soát hoàn toàn khác hẳn việc ứng phó với một cuộc tấn công bất ngờ, ông giải thích. Theo nhà phân tích Ted Postol của Viện Công nghệ Massachusetts, “hiện còn rất nhiều ẩn số”.

Theo Thái An
Vietnamnet / newscientist

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM