Khi thiên tài thất bại

19/06/2015 08:30 AM | Nhân vật

Để thành công trên thị trường chứng khoán, thì cái mác “thiên tài” vẫn không đủ.

Nội dung nổi bật:

- Thiên tài vật lý Isaac Newton cũng đã từng đầu tư và cuối cùng là bị đo ván bởi thị trường chứng khoán. Chẳng trách được bởi đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của ông.

- Vậy còn những trường hợp tương tự, các thiên tài thất bại ngay cả trong nghề tay phải của mình có xảy ra?

- Trường hợp phá sản của quỹ đầu tư Long-Term và bài học rút ra từ đó đã bổ sung một mảnh ghép còn thiếu để thành công trên thị trường chứng khoán.


Bài học từ sự phá sản của quỹ đầu tư khổng lồ Long-Term được dẫn dắt bởi những thiên tài và hai trong số đó từng đoạt giải Nobel đã gióng hồi chuông cảnh báo về công việc nguy hiểm là dự đoán thị trường chứng khoán. Qua đó, thất bại này còn nhấn mạnh tầm quan trọng của “chìa khóa thành công” trong lĩnh vực đầu tư: khuôn mẫu trí tuệ.

Nhà đầu tư Warren Buffett từng viết: “Việc đầu tư thành công trong cuộc đời không đòi hỏi một chỉ số IQ cao chót vót, tầm hiểu biết kinh doanh sâu sắc khác thường hay thông tin nội bộ. Những gì cần có là một khuôn khổ trí tuệ sáng suốt để đưa ra quyết định và khả năng khiến cho cảm xúc không phá hủy nền tảng đó. Bạn phải tự đưa ra kỷ luật cho cảm xúc.”

Để trở thành một nhà đầu tư thông minh, chỉ số IQ cao hay có được nền giáo dục tốt hơn đều không đủ. Dẫn chứng là sự thất bại của công ty quỹ đầu tư Long-Term Capital Management L.P vào năm 1998.

Nhìn vào hồ sơ và thành tích của các nhà quản lý quỹ Long-Term, chúng ta sẽ tự hỏi ngoài tầm hiểu biết kinh doanh khác thường và chỉ số IQ cao thì chỉ số nào đóng vai trò quan trọng để chiến thắng thị trường chứng khoán.

Và câu trả lời đã được đưa ra bởi nhà hiền triết xứ Omaha, bạn phải hình thành được kỷ luật về cảm xúc. Bài học từ sự thất bại của các thiên tài tại quỹ LTP càng củng cố rằng để trở thành nhà đầu tư thông minh thì phẩm chất của tính cách quan trọng hơn là bộ não.

Đế chế Long-Term Capital Management L.P sụp đổ

Qũy đầu tư Long-Term được điều hành bởi một tiểu đoàn các nhà toán học, các nhà khoa học máy tính và hai nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel đã mất hàng tỷ đô la vốn trong một thời gian ngắn vì một vụ cược khổng lồ rằng thị trường trái phiếu sẽ trở lại “bình thường”. Nhưng mọi tính toán của các thiên tài tại đây đều trật bánh răng và Long-Term đã vay nhiều tiền để rồi mất nhiều đến nỗi sự phá sản của công ty đã ảnh hưởng lớn lên hệ thống tài chính quốc tế.

Công ty được thành lập năm 1994 bởi John Meriwether, nguyên tổng giám đốc của Tập đoàn buôn bán chứng khoán Salomon Brothers. Vốn ban đầu của công ty là 1,25 tỷ đô la, được huy động chủ yếu nhờ uy tín và sự hỗ trợ của hai đối tác quan trọng là các nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel: Robert Merton và Myron Scholes.

Ban đầu, công ty đã hoạt động rất tốt, kiếm được lợi nhuận cao từ việc để vốn vào trái phiếu được bảo đảm. Hệ thống đầu tư này được Long-Term tuân thủ rất chặt chẽ và mức lợi nhuận 50% trên vốn trong năm đầu hoạt động là minh chứng rằng lĩnh vực trái phiếu nằm trong phạm vi năng lực của họ.

Công ty tiếp tục phát triển cho đến năm 1997, dù đã thanh toán cổ tức cho các nhà đầu tư, lượng tiền mặt dồi dào đã thúc đẩy các nhà quản lý tại đây bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Bên cạnh đó, lãi suất từ trái phiếu bắt đầu giảm, trong khi những nơi khác tại Phố Wall hồ hởi vì đang thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Điều này càng làm các nhà quản lý tại Long-Term nóng lòng và vội vã trong việc tìm kiếm nguồn lợi nhuận mới.

Là những người có bằng tiến sĩ về kinh tế học hay tài chính, được hỗ trợ bởi những thiên tài từng đoạt giải Nobel, Long-Term bắt đầu xây dựng những mô hình vi tính hóa về lĩnh vực trái phiếu và khai thác những khía cạnh thiếu hiệu quả của thị trường này.

Nhưng thành công chớp nhoáng trước đó, những khoản lợi nhuận lớn đã gây hại cho công ty. Long-Term bắt đầu chủ quan và quyết định nhảy vào những lĩnh vực khác không nằm trong phạm vi sở trường của mình.

Long-Term mở rộng lĩnh vực kinh doanh bằng cách buôn bán tiền tệ trên các thị trường như Nga, Brazil và còn mở rộng cả việc buôn bán các hợp đồng tùy chọn, đầu cơ. Thậm chỉ, công ty còn “bán non” cổ phiếu của Berkshire Hathaway, và Warren Buffett đã khiến họ mất khoản 150 triêu đô la.

Qúa tự tin vào năng lực của mình và phớt lờ mọi cảnh báo, Long-Term, với độ chính xác trong toán học cùng niềm tin không thể mắc sai lầm, các nhà quản lý đã dự đoán trong tương lai thị trường sẽ bùng nổ. Long-Term đã cá cược rất nhiều số vốn của quỹ.

Cuối cùng, trái bóng Long-Term đã nổ tung vào tháng 8/1998, khi Nga không trả được nợ và các thị trường trở nên hỗn loạn. Sau khi tăng từ 1,25 tỷ đô la lên 5 tỷ đô la trong vòng bốn năm, thì vào tháng 10/1998, Long-Term đã phá sản.

Sai lầm đầu tiên của Long-Term là đã vượt ra khỏi phạm vi năng lực của mình. Nhưng điều đó cũng hẳn là sai nếu công ty quyết định mở rộng phạm vi năng lực bằng cách học hỏi, kiểm soát cảm xúc và thử nghiệm hệ thống trước khi nhảy cả hai chân vào.

Sự thất bại của Long-Term được quản lý bởi những “thiên tài” kinh tế không hẳn do thiếu năng lực hay thiếu may mắn. Những nhà quản lý tại công ty đã rất thành công trong vai năm đầu với phạm vi đầu tư ở mảng trái phiếu. Nhưng cái các “thiên tài” này còn thiếu, như Buffett từng nhấn mạnh, là một khuôn khổ trí tuệ chuẩn mực để không bị cảm xúc phá hủy.

Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM