Jack Welch: Châm ngôn thường, kết quả phi thường

28/06/2015 11:31 AM | Nhân vật

Chẳng bao giờ tìm được một châm ngôn nào đúng đắn và sâu sắc hơn để phát triển tài năng như câu nói xưa như trái đất này: “Học, học nữa, học mãi.”

Nội dung nổi bật:

- Jack Welch là cựu CEO của General Electric và là một trong số ít nhà lãnh đạo được kính trọng nhất tại M ỹ.

- Ông là hình mẫu của một nhà lãnh đạo khiêm tốn và lôi cuốn. Sự đơn giản trong tính cách còn được ông thể hiện trong một chiến lược mà ông áp dụng vào GE. Một châm ngôn xưa như trái đất: “Học, học nữa. học mãi.”

- Đó là một châm ngôn thường nhưng đã tạo ra kết quả phi thường.


Sự phục hồi và phát triển vượt bậc của General Electric (GE) vào đầu thập niên 90 có sự đóng góp rất lớn từ người được mệnh danh là nhà lãnh đạo thế kỷ Jack Welch. Chính Welch đã đánh thức gã khổng lồ GE và từ đó công ty bắt đầu tiến băng băng đến sự thành công về quy mô lẫn lợi nhuận.

Jack Welch là cựu CEO của GE và là một trong số ít nhà lãnh đạo được kính trọng nhất tại Mỹ. Mặc dù các phương tiện truyền thông chú ý nhiều hơn đến các tập đoàn công nghệ và lãnh đạo của họ như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs nhưng Welch sẽ rất cảm kích nếu truyền thông bỏ quên ông.

Mặc dù đã khôi phục GE và biến nó thành một công ty thành công nhất nước Mỹ, ông vẫn luôn giữ cho mình một hình ảnh lãnh đạo khiêm tốn và lôi cuốn. Sự đơn giản trong tính cách còn được ông thể hiện trong một chiến lược mà ông áp dụng vào GE. Một châm ngôn xưa như trái đất: “Học, học nữa. học mãi.” Chính châm ngôn này đã nuôi dưỡng và kiến tạo tương lai cho công ty GE. Đó là một câu nói thường nhưng đã tạo ra kết quả phi thường.

Học, học nữa, học mãi

Đó chính là một bí quyết quản lý hết sức quan trọng để phát hiện ra đâu là ý tưởng hay nhất và ứng dụng nó. Đây cũng là việc hấp dẫn nhất đối với Welch hiện nay.

Phải không ngừng học hỏi và không bao giờ được suy nghĩ rằng bạn biết mọi thứ cũng như là người duy nhất luôn luôn đúng. Là một nhà quản lý có tầm nhìn xa, Welch không ủng hộ bản tính ngạo mạn, một đặc điểm vẫn còn tồn tại trong tính cách của giới thương nhân Mỹ.

Wech cho rằng có thể học được nhiều thứ từ nhiều người xung quanh, từ các công ty của GE hay thậm chí là từ các đối thủ cạnh tranh. Bất kỳ ý tưởng hay nào cũng đáng để theo đuổi, cho dù nó là của ai hay từ đâu: trong nội bộ GE, của Wal-Mart, Motorola hay Apple. Miễn là ý tưởng tốt, Welch sẵn sàng sao chép mà không quan tâm nhiều đến điểm xuất phát của nó.

Khi còn lãnh đạo GE, điều mà Welch nỗ lực theo đuổi nhất là “văn hóa học.” Ông rất thích ý tưởng này và không ngừng nói về nó. Theo ông, việc thiết lập một văn hóa học tại GE là cách tốt nhất để loại bỏ dần những đặc điểm còn yếu kém của công ty.

Để theo đuổi công việc sáng tạo và xây dựng ý tưởng văn hóa học, Welch đã xây dựng một phương pháp đặc biệt. Nếu nhà quản lý và nhân viên của GE không tìm ra ý tưởng mới thì thật không đáng để giữ lại.

Vì thế để đối mặt về thử thách khó khăn này, nhân viên biết rằng mình không thể đứng im một chỗ. Chính việc này đã kích thích họ phải “ham học hỏi” để có thể phát triển hơn nữa và không được tự mãn với những gì đã có. Điều này giúp Welch giảm biên chế những người làm việc không hiệu quả và còn phát hiện thêm nhân tài giúp ích cho công ty.

Đức tính khiêm tốn luôn là một viên ngọc quý của phẩm chất. Bằng cách học, học nữa, học mãi, thì qua năm tháng nó sẽ tạo ra bước đột phá.

Sự cứng rắn và có đôi chút tàn nhẫn của phương pháp này đã khiến không ít người bị mất việc tại GE. Công ty đã giảm biên chế 25% từ khi sắc lệnh của Neutron Jack (biệt danh Welch bị gán từ nhân viên) bắt đầu áp dụng.

Theo kết quả điều tra nhân sự tại GE, hầu hết nhân viên đầu muốn có thêm người chứ không muốn bớt vì họ nghĩ lực lượng hùng hậu sẽ làm việc hiệu quả hơn. Quan niệm cũ khuyến khích số lượng. Nhưng hệ thống mới đặt chất lượng là hàng đầu. Nếu bạn không thích, bạn được phép ra đi.

Việc Welch xây dựng một văn hóa học tại GE đã tạo một không khí bất an bao trùm lên nhân viên công ty nhưng lại cho ra một kết quả phi thường. Bởi vì nhân viên bắt đầu biết họ là ai và công việc của họ tại công ty. Sự tập trung bắt đầu được thiết lập và duy trì tại GE.

Chính phương pháp này đã giúp GE trở thành một công ty tầm cỡ thế giới và trong nhiều thập kỷ qua, các nhà quản lý của công ty khác bắt đầu coi trọng và xem xét chiến thuật con người của GE.

Đã có rất nhiều nhân viên của GE trở thành lãnh đạo cấp cao của nhiều trong số 500 công ty giàu có nhất tại Mỹ.Qua đó, ông tự hào vì đã nuôi dưỡng và phát hiện thêm những nhân tài không chỉ giúp ích cho công ty mà còn cho gia đình, xã hội và cả thế giới nữa.

Dưới thời của Welch, công ty đã phát triển 6 lần về quy mô và đứng đầu trong danh sách những công ty làm ăn có lãi nhất nước Mỹ.

Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM