Hồ Quý Ly và những cải cách lớn về kinh tế

07/12/2012 14:13 PM | Nhân vật

Hồ Quý Ly được đánh giá là một nhà cải cách kinh tế lớn. Những cải cách của ông có tính chất toàn diện, có những chính sách đi trước thời đại.

Phát hành tiền giấy

Sử chép "mùa hạ tháng Tư năm Bính Tý (1396), bắt đầu phát tiền giấy Thông bảo hội sao. In xong, ra lệnh cho người đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi 2 quan tiền giấy. Thể thức: Tờ 1 quan vẽ rồng, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 10 đồng vẽ rồng. Kẻ nào làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu. Cấm tiệt tiền đồng, không được dùng lén lút, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ, kẻ nào vi phạm bị tội như trên".

Sự xuất hiện của tiền giấy lần đầu tiên ở nước ta là một sự thay đổi lớn, đáp ứng yêu cầu trao đổi thuận tiện trên thị trường, thuận tiện cho thương nhân đi buôn bán xa, vừa dễ vận chuyển, giảm nhẹ việc gửi tiền ở các trấn lộ. Mặt khác đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước và nhu cầu dùng đồng để chế tạo vũ khí chuẩn bị chống giặc ngoại xâm.

Sửa đổi quy chế quan lại

Việc sửa đổi quy chế hành chính được Hồ Quý Ly đặt vào tháng Tư năm Đinh Sửu (1397), ba tháng sau khi quyết định xây thành An Tôn. Nội dung sửa đổi gồm:

Đổi tên một số lộ: Thanh Hoá - Thanh đô; Quốc Oai - Quảng Oai; Đà Giang - Thiên Xương; Nghệ An - Lâm An; Trường Yên - Thiên Quan; Lạng Giang - Lạng Sơn; Diễn Châu - Vọng Giang; Tân Bình - Tây Bình.

Quy định chức quan trấn nhậm bên ngoài: Lộ đặt chức an phủ sứ và an phủ phó sứ; Phủ đặt chức trấn phủ sứ và trấn phó phủ sứ; châu đặt chức Thông phán và thiêm phán; huyện đặt chức lệnh uý và chủ bạ để cai trị. Lộ thống nhiếp phủ, phủ thống nhiếp châu; châu thống nhiếp huyện, lại đặt các phủ đô đốc, đô hộ, đô thống, tổng quản và ty thái thú để trông coi. Đặt các chức giáo thụ và giám thư khố ở các châu, trấn.

Bãi chức các đại tiêu tư xã, đại toát, còn quản giáp vẫn theo quy chế cũ. Việc bãi bỏ xã quan nhằm giảm bớt đội ngũ quan chức ở xã (đại tư xã hàn từ ngũ phẩm trở lên, tiên tư xã hàm từ lục phẩm trở xuống) chắc chắn không phải là ít và đang là gánh nặng cho dân phải cung phụng vào lúc khó khăn buổi cuối thời Trần.

Chính sách hạn điền

Chính sách này được ban hành vào năm Đinh sửu (1397), được nhắc lại, bổ sung vào năm sau: "Lại ra lệnh cho dân phải nêu rõ họ tên cắm ở trên ruộng. Quan lộ, phủ, châu, huyện cùng khám xét, đo đạc, lập thành sổ sách, 5 năm mới xong. Ruộng nào không có giấy khai báo cam kết thì lấy làm quan điền".

Chính sách hạn điền của Hồ Quý Ly nhằm nhiều mục tiêu: Trước hết là đánh vào tiềm lực kinh tế theo đó là nhân lực của tầng lớp quý tộc đang là đối thủ của ông. Tiếp đến là hạn chế sở hữu lớn về ruộng đất của tầng lớp địa chủ quan tước. Số đất dôi ra được chuyển vào quan điền do nhà nước sử dụng và quản lý.

Rõ ràng qua các chính sách lớn được ban hành và thực thi sau khi Nghệ Tông mất cho đến năm 1400 cho thấy rõ Hồ Quý Ly không dừng bước: Đó là loại trừ vương hầu quý tộc hèn kém, bất lực, củng cố xây dựng một nhà nước quân chủ mạnh và tích cực chuẩn bị đối phó với nguy cơ xâm lược đang tới gần.

Từ năm 1400 với cương vị đứng đầu bộ máy nhà nước quân chủ, Hồ Quý Ly có toàn quyền hành động để thực thi những chủ trương chính sách mà ông đã và sẽ ban hành.

Hồ Quý Ly được đánh giá là một nhà cải cách kinh tế lớn. Những cải cách của ông có tính chất toàn diện, có những chính sách đi trước thời đại. Nhưng tiếc rằng, vì tội giết vua và các hơn 300 quan lại nhà Trần nên ông bị lòng dân oán hận, không ủng hộ. Khi giặc Minh sang xâm lược, do không tập hợp được toàn dân đánh giặc, cha con ông đã bị bắt đem về Trung Quốc.
 
Theo Dương Tuấn
Kiến thức

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM