Hành trình phục hưng của Berkshire Hathaway

06/06/2015 13:30 PM | Nhân vật

Hoàn toàn do tình cờ mà Berkshire Hathaway trở thành doanh nghiệp đầu tàu và là chiếc túi nhiều gang của Warren Buffett.

Nội dung nổi bật:

- Giống như câu chuyện cổ tích, “nụ hôn” quản lý của Warren Buffett đã giải thoát Berkshire từ hình hài chú ếch thành hoàng tử.

- Bằng cách không tái đầu tư vào ngành dệt may và vốn liếng được phân bổ ở những nơi có thể mang lại lợi nhuận cao nhất, Berkshire bắt đầu chuyển mình từ một tập đoàn may mặc thành một công ty chứng khoán.


Thời kỳ ảm đạm

Berkshire Hathaway ban đầu là một công ty dệt, chuyên sản xuất vải lót áo comlê ở NewBedford, bang Massachusetts. Công ty làm ăn có lãi trong suốt thời kỳ chiến tranh do lượng cầu lớn và các nhà cung ứng trên thị trường còn chưa nhiều. Bekshire khi đó là một tập đoàn lớn, với quy mô được trải rộng khắp miền Nam nước Mỹ, cùng với nhiều nhà máy và công nhân.

Nhưng khi thị trường may mặc vào đầu thập niên 60 bắt đầu bị cạnh tranh gay gắt bởi những đối thủ khác với chi phí rẻ hơn, cổ phiếu của những công ty như Berkshire bắt đầu trượt dốc.

Một phần đến từ doanh thu giảm và phố Wall có cái nhìn u ám về ngành may mặc nên cổ phiếu của Berkshire rẻ vô cùng, được bán ra với giá 7,6 đô la. Nhưng theo giá trị sổ sách của công ty thì giá trị cổ phiếu chỉ tính riêng theo vốn lưu động thôi cũng đã là 16,5 đô la, gấp 2 lần giá trị thực tế trên thị trường.

Là một người theo đuổi trường phái đầu tư giá trị, Buffett đương nhiên thấy thích loại cổ phiếu này và đã mua dần vào. Năm 1963, Buffett mua được một lượng lớn cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn nhất công ty.

Tuy nhiên, trước đó ông không hề có ý nghĩ sẽ trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát công ty. Ông làm điều đó bình thường như với bất kỳ cổ phiều nào khác và nghĩ rằng sẽ giữ nó trong một vài năm. Hoàn toàn do tình cờ mà Berkshire trở thành doanh nghiệp đầu tàu của Buffett.

Chỉ một năm sau khi Buffett đầu tư, Berkshire bắt đầu cho thấy tại sao Phố Wall lại đưa ra cái giá rẻ cho nó. Nhiều nhà máy đến năm 1963 phải bị đóng cửa do thua lỗ và thị phần của Berkshire dần bị thắt lại do sản phẩm của họ bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Báo cáo tài chính kết thúc sau một năm Buffett đầu tư thể hiện tương lai mịt mù, lỗ 2,2 triệu đô la trong năm tài chính 1963.

Cú nhảy ngược từ bờ vực

Cuộc chiến dành ngôi vương của Buffett với ban quản trị hiện tại kéo dài gần 2 năm ròng. Và vào tháng 5/1965 Buffett chính thức nắm quyền kiểm soát Berkshire. Trong suốt hai năm dưới sự quản lý của Buffett, thị trường may mặc đã phát triển rất mạnh. Berkshire bắt đầu có lợi nhuận, tuy nhiên ông không tái đầu tư vào ngành dệt may.

Cách quản lý của Buffett tại Berkshire khi đó là luôn giữ lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu, cắt giảm chi phí sản xuất và chuyển mọi thứ ra tiền mặt càng nhanh càng tốt. Thời điểm này, Buffett bắt đầu phác thảo một Berkshire hoàn toàn khác so với quá khứ. Không phải chuyên ngành dệt may mà là một công ty với vốn liếng được phân bổ ở những nơi có thể mang lại lợi nhuận cao nhất.

Vì thế, công ty đầu tiên mà Berkshire thâu tóm là một công ty bảo hiểm vào năm 1967. Sử dùng dòng lợi nhuận từ dệt may, Buffett đại diện cho Berkshire thâu tóm công ty bảo hiểm National Indemnity, trụ sở tại Omaha.

Một khi Buffett đã thâu tóm được một công ty bảo hiểm, Berkshire sẽ sở hữu một dòng vốn đủ để ông có thể vẫy vùng trên thị trường. Những năm sau đó, Berkshire còn thâu tóm cả Sun Newspaper of Omaha, một tập đoàn chuyên xuất bản các tờ báo tại Omaha và sau đó là một tập đoàn lớn hơn nữa có tên Illinoise National Bank & Trust tại Rockford.

Nhưng khi Buffett đem vốn của Berkshire đổ vào ngành bảo hiểm, ngân hàng vào xuất bản, ông buộc phải rút bớt vốn từ ngành may mặc.

Chiến lược của Buffett bắt đầu phát huy hiệu quả khi ông đã phục hưng Berkshire bằng chính những đồng vốn ban đầu từ ngành dệt. Năm 1970, lợi nhuận mà Berkshire thu được từ ngành may mặc là 45.000 đô la. Trong khi đó, công ty kiếm được 2,1 triệu đô là từ ngành bảo hiểm và 2,6 triệu đô là từ ngành ngân hàng. Đặc biệt, cả bảo hiểm và ngân hàng đều được đầu tư một lượng vốn tương đương với con số bỏ vào ngành dệt.

Thời kỳ thị trường sụp đổ 1973-1974 là bệ phóng thành công cho Berkshire bởi Buffett bắt đầu biến công ty thành một công ty chứng khoán đại chúng chuyên bỏ vốn vào các công ty khác. Cổ phiếu của những công ty chất lượng được bán rẻ như cho nhưng không ai buồn mà lấy. Tâm lý đám đông là rào cản quá lớn để dũng cảm mua cổ phiếu lúc này.

Cần phải nhắc lại rằng đây là thời điểm lý tưởng để trở thành anh hùng. Thế nhưng tất cả đều lắc đầu với cả những cổ phiếu tốt nhất của thị trường. Niềm lạc quan đã bị thay thế bằng nỗi sợ hãi bao trùm.

Nhà đầu tư nào với lối tư duy đôc lập và logic sẽ là người vượt qua rào cản đó và giành chiến thắng. Buffett đã bơi ngược dòng, tận dụng sự uể oải của thị trường để mua hàng đống cổ phiếu chất lượng cao với giá rẻ cho Berkshire Hathaway.

Đây là thời kỳ mà danh mục đầu tư của Berkshire dường như quá dài và rộng. Thời điểm này cũng đánh dấu cho sự khởi đầu một thời kỳ thịnh vượng ở phía trước của Berkshire Hathaway và Warren Buffett.

Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM