GS.TS Vương Đình Huệ: Đam mê, dũng cảm chưa chắc mang đến thành công

09/06/2015 15:08 PM | Nhân vật

Để khởi nghiệp thành công không chỉ phải có khát vọng, đam mê, dũng cảm mà còn phải luôn sáng tạo và đổi mới.

Kinh nghiệm khởi nghiệp tại các quốc gia phát triển là những bài học quý giá để chúng ta học hỏi.

Ví dụ như đất nước Israel, tuy nhỏ bé, đất đai cằn cỗi, vốn duy nhất họ có là con người. Năng lượng sống của người Israel là tinh thần làm việc sáng tạo, hướng đến sự sáng tạo, luôn sẵn sàng mạo hiểm và tự làm mới bản thân.

Đây chính là tinh thần khởi nghiệp của một Quốc gia khởi nghiệp: Cứ 1.844 người Israel thì có một doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm.

Còn tại Mỹ, sự ra đời của Thung lũng Silicon và sự tài trợ của các Quỹ đầu tư mạo hiểm là những yếu tố rất quan trọng cho phong trào thương mại hóa công nghệ, Chính sách kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc đang tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế bằng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như Quỹ Yozma (Thiên thần).

Với tinh thần thúc đẩy "khát vọng kinh doanh Việt" cũng như nâng cao hiệu quả các chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam, hôm nay ngày 9/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng Ban – Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Người ta nói rằng 'vạn sự khởi đầu nan', bước vào kinh doanh lại càng khó khăn hơn. Không ai muốn thất bại cả, thực tế có rất ít người thành công, trong số đó lại càng ít người thành công lớn.

Để khởi nghiệp thành công không chỉ phải có khát vọng, đam mê, dũng cảm mà còn phải luôn sáng tạo và đổi mới. Khởi nghiệp thành công sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế".

Ý chí, khát vọng người Việt Nam không thiếu, thông minh sáng tạo chúng ta cũng chẳng kém ai, điển hình như Nguyễn Hà Đông với chò chơi Flappy Bird đã thổi bùng tinh thần lập nghiệp bằng chính sự sáng tạo của tuổi trẻ.

Sự lựa chọn lập nghiệp của Nguyễn Hà Đông và rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công của Việt Nam như Tập đoàn FPT, Cà phê Trung Nguyên,... chắc chắn sẽ tạo sự lan tỏa cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trên con đường khởi nghiệp.

Chúng ta thấy xuất hiện những khái niệm như là doanh nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp. Dựa trên tinh thần đó, chúng ta sẽ thấy xuất hiện thêm một khái niệm nữa đó là Quốc gia khởi nghiệp, Trưởng Ban – Ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Việt Nam có khoảng 4,6 triệu hộ kinh doanh, trong nông nghiệp chúng ta có trên 10 triệu hộ nông dân, quy mô như vậy còn rất nhỏ. Vì thế bên cạnh việc chú trọng, tập trung chương trình khởi nghiệp ở tập đoàn, tổng công ty lớn, những phát minh sáng chế mới thì chúng ta cũng cần hết sức quan tâm cho chương trình khởi nghiệp của hộ gia đình, của kinh tế gia đình, các công dân đang trong giai đoạn trưởng thành.

"Các quốc gia phát triển coi việc đầu tư, hỗ trợ của nhà nước cho những chương trình khởi nghiệp là đầu tư rủi ro, đầu tư mạo hiểm để nhằm đạt được mục tiêu là đổi mới và sáng tạo. Hiện nay đã có một chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, chúng tôi cũng muốn có một chương trình Quốc gia dành cho khởi nghiệp, bao gồm các vấn đề chính sách, giáo dục đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho những người bắt đầu bước chân vào thương trường", GS.TS Vương Đình Huệ nói.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM