Giết bin Laden - Thành công hay thất bại lớn nhất của Obama?

18/09/2012 14:41 PM | Nhân vật

Nhiều người tin rằng, tiêu diệt bin Laden là thành công vang dội nhất của Tổng thống Obama. Thực tế, đây cũng là thất bại lớn nhất của ông?


Để lấy lòng cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama và đội vận động tranh cử nỗ lực xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán trong vấn đề an ninh quốc gia. Và ông dường như đã thành công. Sau sự thành công của sứ mệnh tiêu diệt Osama bin Laden, trùm khủng bố khét tiếng nhất thế giới, cũng là kẻ thù số 1 của nước Mỹ, không ít người tung hô Tổng thống Obama là “người hùng” của nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong một bài bình luận đăng trên tạp chí Forbes, nhà báo kiêm học giả nổi tiếng Richard Miniter cho rằng, việc Obama vội vã lên truyền hình khoe chiến tích tiêu diệt bin Laden là một sự sai lầm. Vì lẽ đó mà ông lỡ mất cơ hội xóa sổ hoàn toàn mạng lưới khủng bố khét tiếng al-Qaeda. Có lẽ niềm vui chiến thắng khiến ông Obama mất đi sự sáng suốt để nhận ra thực tế, khi bin Laden này bị giết thì một bin Laden khác sẽ được dựng lên và tiếp tục gây ra nhiều mối đe dọa, thậm chí còn nguy hiểm hơn cho Mỹ.

Ông Obama đã quá vội vàng trong việc công bố cái chết của bin Laden.

Sau khi tiêu diệt bin Laden, Đặc nhiệm Hải quân SEAL thu được nhiều tài liệu mật cũng như các thiết bị cứng và mềm quan trọng tại hang ổ của hắn ở thành phố Abbottabad, Pakistan. Những tài liệu và các thiết bị trên chứa đựng một kho thông tin bao gồm nơi ở của giới chỉ huy cao cấp của al-Qaeda, các quỹ bí mật, các cơ sở chân rết thuộc mạng lưới khủng bố, những mưu đồ cũng như các gián điệp mà chúng cài cắm trên khắp thế giới.

Rõ ràng, nếu Tổng thống Obama kiên nhẫn hơn để giữ bí mật về cái chết của bin Laden thêm một vài tuần, với yếu tố bất ngờ và các mục tiêu được xác định rõ ràng từ các dữ liệu thu thập được, Mỹ đã có thể tóm gọn toàn bộ đầu não của al-Qaeda. Điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho mạng lưới khủng bố khét tiếng toàn cầu.

Nói cách khác, nếu Tổng thống Obama có thể chờ đợi thêm vài tuần, ông sẽ có thể lên truyền hình để thông báo không chỉ cái chết của bin Laden mà còn sự diệt vong của al-Qaeda. Đây mới có thể gọi chiến thắng thực sự của Obama.

Chưa hết, sai lầm bao giờ cũng tạo ra hậu quả. Sự vội vàng của Tổng thống Obama không những mang lại cơ hội sống cho các thành viên của al-Qaeda mà còn cho họ cơ hội để sắp đặt, ổn định lại tổ chức, tiếp tục chống Mỹ mạnh mẽ hơn. Và động thái mới nhất, gây chấn động nhất của chúng, theo nhiều chuyên gia phân tích, chính là vụ tấn công vào sứ quán Mỹ ở Libya mới đây, gây ra cái chết cho nhà ngoại giao Christopher Stevens và các công dân Mỹ khác.

Theo các chuyên gia này, điểm đáng ngờ chính là vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, diễn ra vào đúng ngày 11/9, trùng với thời điểm kỷ niệm 11 năm ngày al-Qaeda tấn công khủng bố hai trung tâm chính trị - tài chính của Mỹ, Washington và New York, giết chết gần 3.000 người Mỹ.

Đài CBS News đưa tin, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tập trung điều tra xem liệu vụ tấn công sứ quán Mỹ ở Libya có phải là để đánh dấu kỷ niệm sự kiện 11/9/2001 hay không.

Trong khi đó, CS Monitor mới đây bình luận, vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi xảy ra chỉ ít giờ sau khi lãnh đạo al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri kêu gọi những người ủng hộ “giết hết những kẻ thập tự chinh” để trả thù cho một lãnh đạo al-Qaeda người Libya mới thiệt mạng do máy bay không người lái của Mỹ.

Chưa hết, giới phân tích cũng như nhiều quan chức Mỹ còn quan ngại al-Qaeda hoặc các nhóm vũ trang ủng hộ mạng lưới khủng bố này đang kích động đồng thời lợi dụng các cuộc biểu tình phản đối Mỹ trong cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới bắt nguồn từ một bộ phim bị xem là phỉ báng đạo Hồi để làm bình phong cho các cuộc tấn công trả thù người Mỹ.

Ngày 15/9, nhánh al-Qaeda ở bán đảo Arab kích động các tín đồ Hồi giáo ở Yemen loại trừ các nhà ngoại giao Mỹ tại các nước Arab. Đồng thời, bọn khủng bố khẳng định, vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Libya nhằm trả thù cho cái chết của Abu Yahya al-Libi, phó tướng của al-Qaeda.

Hình tượng “Người hùng nước Mỹ” sụp đổ?

Giết bin Laden có thể là điều không thể tránh khỏi nhưng rõ ràng đây cũng là lựa chọn ưa thích của chính quyền Obama. Đơn giản, một cái xác sẽ dễ xử lý hơn nhiều so với một kẻ khủng bố còn sống khi không cần bị giam giữ ở nhà tù Guantanimo hay không cần các cuộc xét xử công khai.

Để bin Laden chết, dường như chính quyền Obama cũng tin rằng, họ sẽ tránh được nhiều rắc rối hơn từ các phần tử al-Qaeda hoặc các mạng lưới khủng bố ủng hộ họ. Hơn nữa, cái chết của bin Laden còn giúp Tổng thống Obama xây dựng hình tượng “người hùng nước Mỹ” một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.

Trong các phát biểu công khai trước dư luận, Tổng thống Obama liên tục nhấn mạnh, ông là người đưa ra quyết định cuối cùng” để tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng nhất thế giới cũng là kẻ thù số 1 của nước Mỹ. Đây là một minh chứng hùng hồn chứng tỏ tổng thống là một nhà lãnh đạo kiên quyết trong vấn đề an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, mới đây, cuốn sách có tựa đề “Ngày không dễ dàng” của một cựu Đặc nhiệm Hải quân SEAL nổi đình đám trước cả khi phát hành khi tiết lộ một câu chuyện khác, bao gồm nhiều điểm mâu thuẫn so với những công bố chính thức của chính quyền Obama về vụ tiêu diệt bin Laden.

Chẳng hạn, trong “Ngày không dễ dàng”, tác giả cuốn sách cho biết, bin Laden bị bắn trúng đầu khi thò đầu ra ngoài quan sát tình hình trong tình trạng không phòng vệ. Trong khi trước đó, Tổng thống Obama tuyên bố, bin Laden bị giết khi cố tìm cách lấy vũ khí.

Từ đó, nhiều chuyên gia phân tích bình luận, cuốn sách đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ về tính xác thực và mục đích của những lời tường thuật của Tổng thống Obama liên quan đến vụ tiêu diệt bin Laden, ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng “người hùng nước Mỹ” mà ông cố công xây dựng.

Trong khi đó, giới nghị sĩ và những người ủng hộ phe Cộng hòa cáo buộc, các trợ lý của ông Obama lợi dụng sứ mệnh tiêu diệt bin Laden để ghi điểm chính trị cho đương kim tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, vẫn chưa hết, một cuốn sách mới khác có tựa đề “Lãnh đạo từ phía sau” của chính học giả Richard Miniter còn dẫn ra các tài liệu từ một nguồn tin giấu tên thuộc Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt Liên hợp (JSOC ), người "nằm lòng" các hoạt động và kế hoạch của SEAL tiết lộ, Tổng thống Obama thực tế đã tha chết cho Obama tới ba lần. Theo đó, Tổng thống Mỹ hủy sứ mệnh “tiêu diệt” bin Laden lần thứ nhất vào tháng 1/2011, lần thứ 2 vào tháng 2/2011 và lần thứ 3 vào tháng 3/2011 sau khi bị cố vấn thân cận Valerie Jarrett thuyết phục.

Tiết lộ này rõ ràng ít nhiều làm lung lay hình tượng nhà lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Obama.

Cuối cùng, ông Richard Miniter bình luận, nếu ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney có thể khai thác tốt mặt thất bại của Tổng thống Obama trong sứ mệnh tiêu diệt bin Laden, ông sẽ có nhiều khả năng hơn để đánh bại đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo PHƯƠNG ĐĂNG
Zing/Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM