Giáo sư Ngô Bảo Châu nói gì trên Facebook về Thủ tướng Lý Hiển Long?

07/05/2015 09:45 AM | Nhân vật

Giáo sư Ngô Bảo Châu "nể" vị nguyên thủ quốc gia Singapore bận bịu điều hành Chính phủ mà vẫn dành thời gian lập trình giải toán

Bài chia sẻ mã nguồn C++ lời giải game ô chữ Sudoku của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (sau bài phát biểu về chủ đề xây dựng Quốc gia thông minh ) đã tạo nên sự phấn khích đặc biệt trong cộng đồng mạng, trên khắp thế giới và cả ở Việt Nam. Việc một nguyên thủ quốc gia tự tay "coding" khiến nhiều người ngỡ ngàng, kể cả trong giới công nghệ, lập trình hay cộng đồng startup. Người đứng đầu một quốc gia như Singapore bận trăm công nghìn việc quan trọng thì việc động não lập trình giải một bài toán có thể xem như là một thú vui "xa xỉ".

Thủ tướng Lý Hiển Long cùng bố mẹ ông trong lễ Tốt nghiệp tại Đại học Cambridge (1974)

Tuy nhiên, đối với những ai đã tìm hiểu rõ quá trình học tập của Thủ tướng Lý Hiển Long thì bài lập trình giải Sudoku đó không có gì quá bất ngờ bởi ông có hiểu biết sâu về Toán học lẫn Khoa học máy tính. Thủ tướng Lý Hiển Long từng học Đại học Cambridge (Anh), tốt nghiệp hạng ưu Toán học năm 1974 đồng thời nhận một chứng chỉ Khoa học máy tính (hạng danh dự). Năm 1980, ông lấy học vị Thạc sĩ môn Quản trị công (MPA) tại trường Hành chính Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu với chia sẻ thú vị về Thủ tướng Lý Hiển Long trên trang facebook cá nhân

Trên trang facebook cá nhân, Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu đã chia sẻ mẩu chuyện thú vị và cả cảm nghĩ của ông về Thủ tướng Lý Hiển Long. Giáo sư cho rằng nếu đương kim Thủ tướng Singapore không phải vì hoàn cảnh gia đình, gánh vác việc quốc gia đại sự trên vai, thì hẳn giờ này ông có lẽ đã chuyên tâm trong môi trường học thuật ở Đại học Camgridge hay ở một trường ĐH danh tiếng nào khác: "Cách đây vài năm, tôi viếng thăm GS. Coates ở đại học Cambridge.

Trò chuyện với ông về những học sinh cũ mới, dây cà ra dây muống từ Andrew Wiles đến Lê Hùng Việt Bảo thông qua Lý Hiển Long. Nghe ông nói Lý Hiển Long học toán không hề kém hai anh kia, nhưng vì hoàn cảnh gia đình mà phải hồi hương, làm cho các GS Cambridge tiếc mãi. Bây giờ tuy vẫn còn bận với trăm việc bà rằn của chính phủ Singapore, Lý Hiển Long vẫn dành thời gian vào những việc thực sự bổ ích như viết code C++ và giải toán đố Sudoku, hoặc viết code C++ tự động giải toán đố Sudoku."

Thủ tướng Lý Hiển Long rất quan tâm đến toán học cũng như giáo dục

GS.TS. Andrew Wiles (người Anh) nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp Cambridge và sau đó sang giảng dạy và nghiên cứu toán học tại trường Đại học Tổng hợp Princeton (Hoa Kỳ). GS. Andrew John Wiles được biết đến như người đầu tiên chứng minh được định lý lớn Fermat vào năm 1993 sau gần 8 năm ròng nghiên cứu. Bài toán Fermat (Phéc-ma) đã thách thức trí tuệ của không biết bao nhiêu bộ óc siêu việt thế giới suốt gần bốn thế kỉ. Người thứ hai, Lê Hùng Việt Bảo từng được gọi là cậu bé vàng của Toán học Việt Nam. Ba năm liền Lê Hùng Việt Bảo đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc nhất ngành Toán toàn Đại học Cambridge danh tiếng của Vương quốc Anh. Điểm qua hai cái tên mà GS. Ngô Bảo Châu nhắc đến để thấy tài năng toán học của Thủ tướng Lý Hiển Long ở tầm cỡ ngang với những chuyên gia toán học hàng đầu.

GS.Bollobas: Lẽ ra Lý Hiển Long đã có thể là nhà toán học hàng đầu thế giới

Không chỉ riêng ông Lý Hiển Long mà hầu như cả gia đình đều gắn bó mật thiết với toán học. Hai trong số 3 người con của ông đã tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trường nằm trong Top 10 ĐH đứng đầu thế giới trong lĩnh vực Toán học.

Thủ tướng Lý Hiển Long khơi dậy niềm yêu thích Toán học trong ngày Pi vô cùng đặc biệt (14/3/15) trên facebook.

GS. Bela Bollobas, thày dạy toán của Thủ tướng Lý Hiển Long tại ĐH Cambridge trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 từng nhận định người học trò xuất chúng của ông lẽ ra đã là nhà nghiên cứu toán học hàng đầu thế giới. Ông đã từng trao đổi ý kiến với cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong việc khuyến khích con trai theo đuổi nghiệp toán nhưng không thành. Đáp lại, Lý Quang Diệu cho rằng nếu Lý Hiển Long chỉ chuyên tâm vào toán, không sớm thì muộn sẽ rời xa Singapore để đến với các "ngôi đền" học thuật danh tiếng như Princeton, Harvard hay Cambridge, mà điều này không hẳn đã có lợi nhất cho Singapore.

Thủ tướng biết lập trình khiến cư dân mạng phấn khích

Tuy chưa được diện kiến Thủ tướng Lý Hiển Long, GS. Ngô Bảo Châu cũng đã có cơ hội gặp trực tiếp Tổng thống Singapore Tony Tan, người từng có thời gian dạy ở khoa toán tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS). "Cách đây mấy tháng, tôi có dịp yết kiến tổng thống Tony Tan cũng của quốc đảo. Chỉ trò chuyện xã giao vài phút, nhưng ông kịp chia sẻ sự nuối tiếc thời gian ông còn dạy ở khoa toán của NUS. Sau đó cũng vì hoàn cảnh gia đình, xã hội xô đẩy mà sau đó ông buộc phải trở thành chủ tịch ngân hàng, bộ trưởng rồi tổng thống", GS.Ngô Bảo Châu chia sẻ. Như vậy, Singapore đã "hi sinh" 2 nhà toán học để có bộ máy lãnh đạo như ngày hôm nay.

Thủ tướng Lý Hiển Long (ngồi, phải) đánh cờ cùng người cha, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu (Ảnh: singapolitics.sg)

Tâm sự của Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận được sự đồng cảm của đông đảo cư dân mạng nói chung và những người yêu thích toán học nói riêng. Một số thành viên bình luận vui rằng có khi nào Giáo sư Ngô Bảo Châu gác lại việc nghiên cứu toán học để góp sức mình xây dựng, phát triển đất nước như con đường mà Thủ tướng Lý Hiển Long đã chọn. Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Bảo Châu dường như cũng đã có câu trả lời cho riêng mình khi ông bộc bạch: "Trên cuộc đời này không có gì thích hơn làm toán và dạy toán". Đối với GS.Ngô Bảo Châu, toán học là niềm đam mê không dễ từ bỏ.

>> Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cả đắng cay cũng nằm trong hạnh phúc

Theo Thanh Phong

Cùng chuyên mục
XEM