Gia tộc Nehru - Gandhi trước thất bại lịch sử

05/05/2014 16:23 PM | Nhân vật

Nội dung nổi bật:

- Cuộc marathon bầu cử Ấn Độ bắt đầu ngày 12-4 và kết quả sẽ được công bố năm tuần sau đó vào ngày 17-5. Ứng viên Đảng Quốc đại Rahul Gandhi, 44 tuổi, là “hoàng tử” của gia tộc Nehru - Gandhi đã thống trị chính trường Ấn Độ suốt sáu thập kỷ qua. 

- Lý do: Rahul Gandhi thậm chí còn không biết nên để râu hay cạo nhẵn mặt, quá mờ nhạt và kỹ năng chính trị yếu kém khiến ông chưa đóng vai trò chính trị đáng kể nào.

- Từng là gia tộc với ba thủ tướng của Ấn Độ, nhưng các thăm dò cho thấy gia tộc Nehru - Gandhi và Đảng Quốc đại sẽ thất bại nặng nề trước đảng Hindu Bharatiya trong cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ.


Khảo sát mới nhất của kênh truyền hình NDTV cho thấy Đảng Hindu Bharatiya Janata (BJP) sẽ giành ít nhất 226 ghế hạ viện. Hầu như chắc chắn liên minh do BJP dẫn đầu sẽ có đủ 272 ghế để chiếm thế đa số trong hạ viện và thành lập chính phủ mới. Trong khi đó, nhiều khả năng Đảng Quốc đại sẽ chỉ được vỏn vẹn 92 ghế, con số thấp kỷ lục.

Như vậy, việc ứng viên Narendra Modi của BJP trở thành thủ tướng mới của Ấn Độ chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo Times of India, mới đây các nhà cái lớn đều ngưng nhận cược ứng cử viên Đảng Quốc đại Rahul Gandhi trở thành thủ tướng. Cuộc marathon bầu cử Ấn Độ bắt đầu ngày 12-4 và kết quả sẽ được công bố năm tuần sau đó vào ngày 17-5.

“Hoàng tử” thiếu sức hút

"Đây là dấu chấm hết của triều đại Nehru - Gandhi bởi ứng viên của họ quá thiếu quyết đoán"

Ứng viên Đảng Quốc đại Rahul Gandhi, 44 tuổi, là “hoàng tử” của gia tộc Nehru - Gandhi đã thống trị chính trường Ấn Độ suốt sáu thập kỷ qua. Cha ông là Rajiv Gandhi và bà nội Indira Gandhi đều từng giữ chức thủ tướng Ấn Độ và đều bị ám sát. Mẹ ông là bà Sonia Gandhi, hiện giữ chức chủ tịch Đảng Quốc đại. Nhưng các quan chức trong Đảng Quốc đại đánh giá dù có xuất thân lừng lẫy, Rahul Gandhi không đủ tầm để trở thành chính trị gia giàu ảnh hưởng như các bậc tiền bối.

Theo New York Times, mới đây khi ông Rahul Gandhi đi thăm một địa điểm bầu cử ở bang Uttar Pradesh, một thành viên Đảng Quốc đại đề nghị ông nêu tên năm thành viên Quốc đại làm việc tại địa phương. Ông Rahul Gandhi thú nhận là không biết. “Được đào tạo từ nhỏ nhưng ông ấy không thừa hưởng được những kỹ năng chính trị từ cha ông” - ông Shakeel Ahmad, một lãnh đạo Đảng Quốc đại ở Uttar Pradesh, đánh giá.

Nhà phân tích chính trị nổi tiếng Inder Malhotra nặng lời hơn: “Đây là dấu chấm hết của triều đại Nehru - Gandhi bởi ứng viên của họ quá thiếu quyết đoán. Rahul Gandhi thậm chí còn không biết nên để râu hay cạo nhẵn mặt”. Ông Sanjaya Baru, cựu cố vấn của Thủ tướng Manmohan Singh, đánh giá ông Rahul Gandhi được kỳ vọng thay thế ông Singh từ lâu, nhưng sự mờ nhạt và kỹ năng chính trị yếu kém khiến ông chưa đóng vai trò chính trị đáng kể nào.

“Trong suốt bốn năm qua, ông ấy chẳng hề xuất hiện” - ông Baru cho biết. Trên thực tế, dù là nghị sĩ quốc hội nhưng hiếm khi ông Rahul Gandhi phát biểu trước công chúng và lại mang tiếng là một công tử thích chơi bời. Có những dấu hiệu cho thấy bản thân ông Rahul Gandhi không có tham vọng lãnh đạo đất nước. Ông Rasheed Kidwai, người viết hồi ký cho bà Sonia Gandhi, cho rằng: “Rahul không muốn lên làm thủ tướng sớm. Đối với ông ấy, bài học của cha mình là quá lớn”.

Các quan chức Quốc đại chỉ trích trong giai đoạn tranh cử, ông Rahul Gandhi luôn tỏ ra thụ động và không tìm cách tấn công đối thủ Narendra Modi, người có nhiều điều tiếng. Nhiều người cho rằng em gái của ông là Priyanka Gandhi tỏ ra mạnh mẽ và giàu sức hút trong vai trò quản lý chiến dịch tranh cử của anh trai.

Thủ tướng tương lai gây tranh cãi

Tất nhiên việc Đảng Quốc đại đứng trước thất bại nặng nề không chỉ do sự yếu kém của ông Rahul Gandhi. Cử tri Ấn Độ muốn sự thay đổi bởi nền kinh tế suy yếu và Đảng Quốc đại mất uy tín sau hàng loạt vụ tham nhũng quy mô lên tới hàng chục tỉ USD dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh.

Giới quan sát nhận định Đảng Quốc đại đã có thể có cơ hội nếu thực hiện tốt chiến lược chỉ trích đối thủ Narendra Modi là lựa chọn nguy hiểm và không thể chấp nhận được trong giai đoạn tranh cử.

Ông Modi, 64 tuổi, thủ hiến bang Gujarat, là một trong những chính trị gia gây tranh cãi nhất tại Ấn Độ. Ông là thành viên phong trào dân tộc cực đoan Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh, bị cáo buộc là theo chủ nghĩa phát xít.

Trong vai trò thủ hiến bang Gujarat, ông Modi bị chỉ trích là phớt lờ, thậm chí kích động làn sóng bạo lực chống lại người Hồi giáo ở Gujarat tháng 2-2002. Ước tính 2.000 người đã thiệt mạng khi phong trào chống Hồi giáo trỗi dậy ở Gujarat trong năm đó, và hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

Tòa án tối cao Ấn Độ từng mô tả ông Modi là “bạo chúa Nero thời hiện đại” (hoàng đế La Mã, kẻ đốt cháy thành Rome). Nhiều người lo ngại nếu Modi lên làm thủ tướng, người Hồi giáo (chiếm 13% dân số Ấn Độ) sẽ bị phân biệt đối xử.

AFP dẫn lời nhà phân tích chính trị Amulya Ganguli khẳng định người Hồi giáo Ấn Độ sẽ rất lo ngại nếu ông Modi lên làm thủ tướng. Tuy nhiên trong giai đoạn tranh cử, ông Rahul Gandhi rất ít khi chỉ trích những vết nhơ quá khứ của ông Modi.

Mãi đến gần đây ông Rahul Gandhi và bà Sonia Gandhi mới thay đổi chiến thuật và tấn công trực tiếp đối thủ, nhưng khi đó các vòng bỏ phiếu của cuộc bầu cử đã diễn ra. Hàng loạt sai lầm của ông Rahul Gandhi và Đảng Quốc đại có thể sẽ đánh dấu chấm hết nhiều năm cầm quyền của đảng này và gia tộc Nehru - Gandhi.

Theo Hiếu Trung

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM