'Gã khùng' bỏ làm phó chủ tịch GM đi khởi nghiệp vì muốn làm chủ công ty của chính mình

28/07/2015 14:31 PM | Nhân vật

"Mọi người nghĩ tôi bị dở hơi, nhưng thực sự tôi rất muốn tự xây dựng một công ty của riêng mình".

Ở tuổi 57, Keith Krach nhìn không còn trẻ và là một trong số rất nhiều CEO bỏ học tại thung lũng Silicon.

Tuy nhiên, Krach đang lãnh đạo một trong những công ty khởi nghiệp công nghệ "hot" nhất hiện nay và không ngần ngại từ bỏ sự nghiệp “hoành tráng” mà ông xây dựng trong vòng 3 thập kỷ tại GM – hãng xe hơi hàng đầu thế giới.

Khởi đầu là Phó chủ tịch trẻ tuổi nhất trong lịch sử của GM và là nhà sáng lập của 2 công ty khởi nghiệp cực kỳ thành công, Krach hiện là CEO của Docusign – công ty phần mềm trị giá 3 tỷ USD. Danh sách các nhà đầu tư vào Docusign gồm nhiều tên tuổi lớn như: Klerner Perkins, Accel Partners, Bain Capital, SAP, Microsoft, Salesforce, Intel và Samsung. Docusign đã huy động được 500 triệu USD vốn đầu tư bao gồm 280 triệu USD từ vòng huy động vốn F vào hồi tháng 5.

Phó chủ tịch 26 tuổi của GM

Krach khởi đầu sự nghiệp tại GM khi 19 tuổi – lúc này ông đang là sinh viên năm 2 của trường đại học Purduw. Đây là công việc yêu cầu rất khắt khe và phải làm ca đêm. Vì để lại ấn tượng tốt nên Krach vẫn được cân nhắc cho vị trí kỹ sư toàn thời gian sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, do vẫn thích thú với kinh doanh hơn nên ông đã nhận học bổng tại trường Kinh doanh Harvard của GM với hỗ trợ học phí, sách và một nửa mức lương hàng tháng.

Khi quay trở lại GM, Krach làm việc dưới sự quản lý của Rick Wagoner – người đã trở thành CEO của GM trong 10 năm. Danh tiếng của Krack ở GM ngày càng tăng lên khi ông điều hành liên doanh giữa GM và Fanuc – một công ty robot trị giá hàng tỷ USD. Chính bệ đỡ này đã nhanh chóng giúp chàng trai 26 tuổi Krach trở thành Phó chủ tịch trẻ tuổi nhất của GM.

“Mọi người nghĩ tôi bị dở hơi”

Cần phải thừa nhận rằng, Krack có sự nghiệp lừng lẫy ở GM. Đội ngũ của ông đã đánh bại những đối thủ lớn như GE và IBM trong mảng mà ông kiêm nhiệm. Krack có tương lai đầy hứa hẹn tại công ty. Thậm chí ông thẳng thắn chia sẻ: “Tôi có cơ hội trở thành CEO tương lai của GM”.

Tuy nhiên, thâm tâm Krack vẫn cảm thấy nhiệt huyết kinh doanh. Ông đã làm việc cùng rất nhiều công ty có trụ sở tại thung lũng Silicon, cảm thấy rất thú vị và mong muốn được khởi nghiệp. Vì vậy, khi GM tuyên bố sẽ thăng chức cho ông, Krach đã từ chối và đơn giản nói rằng: “Tôi muốn xây dựng công ty của riêng mình”. Trong ngày sinh nhật thứ 30, Krach đã chính thức nghỉ việc tại GM và chuyển đến thung lũng Silicon. “Mọi người nghĩ tôi bị dở hơi”.

1 năm đau khổ nhất cuộc đời

Tuy nhiên, thung lũng Silicon không như những gì ông tưởng tượng. Krack sớm bất đồng quan điểm với CEO của công ty khởi nghiệp mà ông gia nhập và nghỉ việc chỉ sau 1 năm. Cùng lúc này, con trai đầu lòng của Krack ra đời, khó khăn chồng chất. “Khuôn mặt tôi đầy chán nản. Đây là năm đau khổ nhất trong cuộc đời tôi”.

Tuy nhiên, khoảng thời gian ở thung lung Silicon đã giúp ông kết nối được với nhiều nhân tài và cuối cùng ông có thể tìm ra một nhóm những người sẵn sàng khởi nghiệp cùng mình.

Họ cùng nhau thành lập Rasna Corporation – công ty phát triển phần mềm kỹ thuật công nghệ và được bán vào năm 1995 với giá 500 triệu USD.

“Lúc đó tôi khoảng 30 tuổi, đã có nhiều tiền hơn so với những gì nghĩ mình có thể kiếm được. Nhưng tôi phải làm gì tiếp theo đây?”, ông nói.

Từ 0 tới 4,3 tỷ USD

Sau đó, Krach nhận được lời mời từ Benchmark Capital trở thành doanh nhân nội bộ đầu tiên của công ty (vị trí dành cho những ai ấp ủ khởi nghiệp khi làm trong một quỹ đầu tư mạo hiểm). Thời gian này, Krach vẫn giữ liên lạc với những người cũ ở Rasna và 6 trong số những người tốt nhất trong nhóm này đã tập hợp lại và cùng thành lập công ty khởi nghiệp mới có tên gọi là Ariba.

Mãi đến năm 1996, internet mới bắt đầu xuất hiện. Mục tiêu của Ariba là tạo ra dịch vụ trực tuyến có thể đẩy nhanh toàn bộ quá trình mua bán trong kinh doanh, tạo ra những thứ như chuỗi cung ứng, hóa đơn… và khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Ariba đã kêu gọi đầu tư được 6 triệu USD chỉ trong vòng 2 ngày. Một vài năm sau đó (tức là năm 1999), Ariba IPO và trở thành một trong những công ty phần mềm internet đầu tiên IPO.

Ariba có rất nhiều nhân viên tài năng. CTO (Giám đốc nhân tài) của họ là Craig Federighi hiện là Phó chủ tịch khối kỹ sư phần mềm của Apple; 2 lãnh đạo tiên phong của Saleforce hiện là ông chủ của Insidesales.com cũng từng tham gia Ariba.

Đến năm 2001, Krach rời Ariba – một thời gian ngắn sau khi xảy ra sự sụp đổ của bong bóng dotcom. Ariba đã được bán với giá 4,3 tỷ USD cho SAP vào năm 2012.

Nghỉ hưu sớm rồi lại khởi nghiệp

8 năm tiếp theo sau khi rời Ariba, Krach dành hầu hết thời gian của ông cho con cái, tận hưởng cuộc sống. Trong suốt thời gian này, ông đã cho phép con trai mình nghỉ học một năm để du lịch vòng quanh thế giới, từ Kilimoanjaro đến rừng rậm Amazon hay các sa mạc châu Phi.

Một ngày, Krach nhận được cuộc điện thoại từ Pete Solvik – người sau này là CIO (Giám đốc truyền thông) của Cisco. Ông đưa ra lời đề nghị giới thiệu một công ty cho Krach và nói rằng “nó giống như Ariba”.

Sokvik đang muốn nhắc đến Docusign – một công ty phần mềm được thành lập năm 2003 cho phép người dùng gửi chữ kỹ và quản lý tài liệu trực tuyến. Krach ngay lập tức thích thú và sớm gia nhập hội đồng quản trị của công ty này.

Cụ thể lúc đó, Hội đồng quản trị của Docusign đang tìm kiếm một CEO mới để dẫn dắt công ty và Krach đã được nhắm đến. Tuy nhiên, Krach hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn của vị trí này.

Krach nhớ lại ông đưa ra quyết định sau cuộc trò chuyện cùng vợ. “Tôi nhớ đã về nhà và nói chuyện cùng vợ mình. Những người này muốn anh làm CEO cho một công ty nhưng anh biết em không muốn anh nhận nhiệm vụ này”.

Vợ Krach trả lời: “Em không biết đây có phải là một ý tưởng hay hay không? Tuy nhiên, tất cả những gì em biết hiện nay là khi anh tham gia hội đồng quản trị Docusign, anh đã rất vui. Em từng thấy hình ảnh người chồng, người cha tuyệt vời của anh nhưng chưa bao giờ chứng kiến hình ảnh CEO Keith vui vẻ đến vậy”.

Vì vậy trong năm 2012, Krach đã chấp nhận lời mời và trở thành CEO của Docusign.

Krach nói rằng quyết định của ông khi quay lại vị trí CEO là minh chứng cho thấy cơ hội tiềm năng vô cùng lớn của Docusign. Ông cho rằng, công nghệ này cho phép người dùng ký giấy tờ điện tử trong một môi trường vô cùng bảo mật chỉ trong vài phút và không cần dùng đến giấy – đây là một thay đổi lớn.

Docusign nhanh chóng mở rộng hoạt động ra khắp thế giới, đạt 50 triệu người dùng tại 188 quốc gia. Hơn 100.000 công ty sử dụng nó để duyệt và chuyển tài liệu cũng như quản lý tiến trình công việc. Hiện công ty này được định giá khoảng 3 tỷ USD.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM