FBI phanh phui bê bối ngoại tình của Giám đốc CIA thế nào?

10/11/2012 23:21 PM | Nhân vật

Bê bối ngoại tình dẫn đến vụ từ chức gây sửng sốt của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), David H. Petraeus.


Bê bối ngoại tình dẫn đến vụ từ chức gây sửng sốt của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), David H. Petraeus đáng chú ý lại bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) phanh phui, khi cơ quan này đang điều tra một vụ hoàn toàn không liên quan.

Giới chức chính phủ Mỹ vừa cho biết, bê bối ngoại tình của Giám đốc CIA bị phát hiện trong quá trình FBI kiểm tra một máy tính của ông vì nghi nó bị xâm nhập theo sau cuộc điều tra “các vấn đề tội phạm tiềm năng” của họ. Cuộc điều tra hoàn toàn không nhắm vào ông Petraeus nhưng trong quá trình đó, họ tình cờ khám phá ra các bí mật liên quan đến mối quan hệ ngoài luồng của ông.

Sau đó, các thành viên cấp cao trong Quốc hội Mỹ được thông báo về việc ông Petraeus từ chức 6 giờ trước khi sự kiện này được công bố rộng rãi trước công chúng.

Một quan chức Quốc hội cho biết, sau khi bí mật ngoại tình bị lộ, cựu Giám đốc CIA đã được khuyến khích “để đương đầu với vấn đề này” đồng thời từ chức. Và ông Petraeus đã buộc phải đồng ý.

“Chúng tôi được báo cáo rằng, trên thực tế, FBI đang điều tra một vụ khác nhưng đã phát hiện ra bí mật ngoại tình của Giám đốc CIA. Do đó, cảm giác của tôi là FBI chỉ tình cờ phát hiện ra vụ bê bối”, một quan chức Quốc hội cho biết.

Trong khi đó, một quan chức Quốc hội khác bình luận, FBI đã không hề thông báo trước với Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện về cuộc điều tra của họ trong khi đáng lý ra theo luật, họ phải làm điều đó. Ít nhất họ phải thông báo với Chủ tịch và các quan chức cấp cao trong Ủy ban về các sự kiện quan trọng trong lĩnh vực tình báo.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của California, Chủ tịch đảng Dân chủ của Uỷ ban Tình báo Thượng viện, đang dự định yêu cầu giải trình về nguyên nhân Ủy ban không được báo cáo trước về vụ việc này.

Bên cạnh đó, New York Times dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho hay, họ cũng không hề hay biết gì về cuộc điều tra cho tới khi ông Petraeus đệ đơn từ chức.

“Sau cuộc hôn nhân kéo dài 37 năm, tôi đã thể hiện nhân phẩm đáng khinh bỉ khi dính líu vào chuyện ngoại tình. Hành vi như vậy là không thể chấp nhận được đối với một người đàn ông trên địa vị là một người chồng hay người đứng đầu của cơ quan chúng ta. Tổng thống đã chấp nhận đơn từ chức của tôi”, ông Petraeus giải bày đồng thời tỏ ra tiếc nuối khi sớm phải rời nhiệm sở sau 14 tháng nhậm chức.

Tên người phụ nữ có quan hệ ngoài luồng với ông Petraeus cũng như các thông tin liên quan đến cuộc điều tra mà FBI đang tiến hành đã không được giới chức Nhà Trắng tiết lộ.

Tuy nhiên, cuộc điều tra bí mật của FBI  liên quan đến người đứng đầu cục tình báo làm dấy lên những câu hỏi liên quan đến nhiệm kỳ của ông Petraeus lẫn quyết định bổ nhiệm ông vào vị trí này của Tổng thống Obama vào năm ngoái.

Giám đốc CIA gần như đã “đơn thương độc mã” cố tìm cách truyền bá và phát triển sâu rộng triết lý của ông về chống nổi loạn, đặt mục tiêu chính vào công tác bảo vệ công dân hơn là tìm cách tiêu diệt kẻ thù vào tư duy và học thuyết quân sự Mỹ. Ông Petraeus được nhận xét là người biết cách “thao túng” Washington và truyền thông giúp ông thăng tiến đồng thời giành được những thông tin ông muốn có bất chấp một số đồng nghiệp trong giới quân đội không ưa ông vì họ cho rằng, Petraeus là người hám danh vọng.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại “thần tượng” vị tướng từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ và chỉ huy tối cao của Liên quân Mỹ và NATO ở Iraq và Afghanistan.

“Petraeus là người lắm kẻ ưa nhưng cũng nhiều người ghét. Nhiều sĩ quan thần tượng ông xem ông là mô hình của một vị tướng hiện đại. Nhưng cũng có nhiều người không ưa ông”, ông Stephen Biddle, một chuyên gia quân sự ở Đại học George Washington và đôi khi tham mưu cho Giám đốc CIA.

Tuy nhiên, tại CIA, ông Petraeus không giành được sự tín nhiệm và hâm mộ như thời ông phục vụ trong quân đội. Gần đây, ông Petraeus cũng phải đối mặt với nhiều áp lực và chỉ trích về vai trò và cách xử lý của CIA trước và sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi dẫn đến cái chết của Đại sứ Chris Stevens. Nhiều người yêu cầu cựu Giám đốc CIA phải giải trình về vụ hỗn loạn trong đêm ngày 11/9 và theo kế hoạch, ông sẽ dự phiên điều trần tại Quốc hội trong tuần tới.

Bất ngờ và thất vọng

Khi vụ bê bối bắt đầu lộ ra, Tổng thống Obama đang trên đường trở về Washington từ Chicago, nơi ông đón nhận kết quả bầu cử tổng thống.

Chưa hưởng trọn niềm vui sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012, ông chủ Nhà Trắng phải nghe tin Giám đốc CIA của mình dính bê bối ngoại tình.

Ngay trước cuộc họp với các nhân viên Nhà Trắng sáng ngày 8/11, ông Obama nói: “Tôi bị bất ngờ và tôi đã thất vọng. Các bạn sẽ không bao giờ muốn nghe về chuyện này ngay khi vừa đắc cử”, một quan chức chính phủ cao cấp dẫn lời ông chủ Nhà Trắng cho biết.

Tổng thống Obama đã không chấp nhận đơn từ chức của ông Petraeus ngay lập tức vào buổi chiều hôm đó trong cuộc gặp giữa họ.

“Tôi sẽ nghĩ về chuyện này đêm nay”, một quan chức chính phủ cấp cao dẫn lời ông Obama.

Dù hoàn toàn không muốn mất cựu Giám đốc CIA nhưng cuối cùng, Tổng thống Mỹ đành phải hạ quyết tâm để ông Petraeus ra đi. Do đó, Tổng thống gọi điện cho Giám đốc CIA vào ngay ngày hôm sau 9/11 và cho biết, mình đồng ý với “quyết định của Petraeus rằng, ông không còn đủ tư cách để lãnh đạo CIA”.

Vụ bê bối ngoại tình của Petraeus cũng gây choáng váng đối với nhiều sĩ quan quân đội đã từng làm việc dưới trướng ông ở chiến trường cũng như toàn bộ nhân viên an ninh quốc gia nơi ông công tác.

“Đây là một cú sốc lớn đánh vào lòng chúng ta, những người quen biết với ông ấy”, Đại tá Michael J. Meese người đã biết ông Petraeus một thập kỷ và từng là một trong những phụ tá hàng đầu cho cựu Giám đốc CIA tại  Bosnia, Iraq và Afghanistan chia sẻ.

“Vụ bê bối và quyết định từ chức của ông Petraeus dẫn đến kết quả, chúng ta mất đi một trong những người đầy tớ trung thành được ngưỡng mộ nhất ở đất nước chúng ta”, ông James R. Clapper, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia chia sẻ.

Cùng với việc thừa nhận vụ ngoại tình, ông Petraeus, 60 tuổi đã dính líu vào vấn đề nhạy cảm nhất của giới tình báo khi các mối quan hệ ngoài luồng luôn bị quan ngại có thể khiến họ bị tống tiền để buộc phải tiết lộ các thông tin mật.

Ông Petraeus và vợ mình, bà Holly Petraeu đã kết hôn được 37 năm. Cặp đôi ngặp nhau khi cựu Giám đốc CIA còn là thiếu sinh quân tại Học viện Quân sự West Point. Bà Holly Petraeus là con gái của Giám đốc Học viện và thời đó đang là, sinh viên Đại học Dickinson, Pennsylvania.

Hiện bà Petraeus làm việc cho Văn phòng Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng. Cặp đôi có hai con trong đó, cậu con trai của họ đang chỉ huy một trung đội bộ binh ở Afghanistan.

Bà Paula Broadwell, người phụ nữ khiến sự nghiệp của Giám đốc CIA Petraeu 
tan thành mây khói.

Trong khi đó, theo tờ New York Times, người phụ nữ có quan hệ bất chính với Giám đốc CIA và phá vỡ hạnh phúc gia đình Petraeus tên là Paula Broadwell. Bà Paula là tác giả cuốn hồi ký của ông Petraeus mang tên: “All In: The Education of General David Petraeus” vừa được xuất bản năm ngoái.

Bà Broadwell cũng tốt ngiệp từ Học viện quân sự West Point, nơi ông Petraeus từng theo học và từng phục vụ trong quân đội suốt 15 năm. Ngoài ra, bà còn có bằng Đại học Harvard. Không chỉ được ca ngợi là người thông minh và giỏi giang, người phụ nữ bí mật của cựu Giám đốc CIA còn nổi tiếng xinh đẹp và quyến rũ. Bà từng có một khoảng thời gian dài lưu lại Afghanistan để phỏng vấn ông Petraeus, lấy tư liệu cho cuốn sách của mình. Bà Broadwell rất ngưỡng mộ cựu Giám đốc CIA và từng nhấn mạnh, ông Petraeus là cố vấn thông thái của mình. 

Theo PHƯƠNG ĐĂNG
Zing/Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM