Dung Tấn Trung: Từ tỷ phú tại Mỹ thành ông bán thẻ cào Việt Nam

03/04/2015 15:30 PM | Nhân vật

Sau khi IPO công ty tỷ USD thành công tại Mỹ, “Giấc mơ Mỹ” gốc Việt Dung Tấn Trung trở về Việt Nam với mong muốn xây dựng hệ thống thanh toán điện tử quy mô châu Á. Nhưng, vị tỷ phú tại Mỹ đã thành một ông đi bán thẻ cào để nuôi giấc mơ xây dựng hệ thống ví điện tử hoành tráng.

Nội dung nổi bật:

- Ông Dung Tấn Trung - sáng lập viên công ty OnDisplay (Boston, Mỹ) - sau khi IPO công ty thành công với giá 1,8 tỷ USD đã về nước với mục tiêu ban đầu của ông là xây dựng hệ thống thanh toán điện tử, với hy vọng là bắt đầu ở Việt Nam, sau khi thành công sẽ nhân rộng ở châu Á.

- Thất bại trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, ông đã thành "đại lý bán thẻ cào" (theo cách nói vui của ông) để nuôi giấc mơ xây dựng hệ thống ví điện tử hoành tráng...

- Dung Tấn Trung đang tìm thị trường ngách với chương trình iCare - chương trình phúc lợi cho người lao động - dự kiến sẽ bước ra 6 - 7 nước trong năm nay. Còn tại Việt Nam, "mảng FDI đã bị chúng tôi gần như "khóa"" - ông Trung cho biết.


Việt Nam hấp dẫn nhà sáng lập của OnDisplay - một trong 10 công ty IPO thành công nhất năm 1999 với giá gần 1,8 tỷ USD – trong một lần về Việt Nam phỏng vấn sinh viên cho học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) – nơi ông tham gia HĐQT.

“Về Việt Nam lần đó, tôi thấy nước mình sau hai mươi mấy năm thay đổi rất nhiều. Tôi cảm nhận được sức nóng của thị trường nên quyết định về nước” – ông Trung kể lại.

Tỷ phú bán thẻ cào

Về nước, mục tiêu ban đầu của ông là xây dựng hệ thống thanh toán điện tử, với hy vọng là bắt đầu ở Việt Nam, sau khi thành công sẽ nhân rộng ở châu Á.

Năm 2007, ông thành lập công ty Mobivi và đưa ra sản phẩm đầu tiên mà bây giờ gọi là ví điện tử. Nhưng, khi đưa sản phẩm ra thị trường thì:

Nhà bán hàng hỏi:

- Bao nhiêu tỷ lệ % khách hàng của tôi sẽ xài sản phẩm thanh toán này?

- Dịch vụ này mới, ban đầu có thể không có ai nhưng dần dần sẽ là 10%, 20%, thậm chí tới 50% khách hàng của anh sẽ dùng phương tiện này.

- Vậy thôi, để khi nào có 10 - 20% khách hàng của tôi đến đây thanh toán bằng phương tiện này thì lúc ấy tôi mới làm.

Người tiêu dùng hỏi:

- Em xài ở đâu?

- Có 3 điểm ở Hà Nội chấp nhận phương thức thanh toán này.

- Ủa, vậy là em vừa phải mang tiền mặt, vừa phải mang cái thẻ này. Tiền phải chia làm 2 hướng: 1 để trong tài khoản thanh toán chỗ anh để dùng cho 3 điểm, mua hàng ở chỗ khác lại phải dùng tiền mặt?

- ...

“Đó là câu chuyện con gà, quả trứng – người bán hàng muốn khách hàng sử dụng trước còn khách hàng muốn có địa điểm chấp nhận thanh toán trước - mà lúc ấy, tôi không có câu trả lời, không biết giải quyết làm sao” – ông Trung kể.

“OK. Mình phải tạm tìm cái gì để cho nó (dự án hệ thống thanh toán điện tử - PV) sống được đã. Tôi quyết định đưa hệ thống thanh toán này ứng dụng vào các đại lý, nhưng chỉ đưa vào việc bán thẻ cào vì đại lý bán thẻ cào rất nhiều. Ông Trung từ một người muốn xây dựng hệ thống ví điện tử rất hoành tráng thành một ông đi bán thẻ cào”.

Trong thời gian “sống tạm”, ông loay hoay tự hỏi: Vậy thị trường cần gì?

Tìm cuộc chơi 6 ăn - 4 thua

Để cạnh tranh được trong thị trường mà cuộc đấu giữa các sản phẩm, dịch vụ ngày càng khốc liệt, ông Trung cho rằng, thay vì tạo thế 5 ăn - 5 thua, mình cần tạo thế 6 ăn - 4 thua.

Tại thị trường Mỹ, hình thức thanh toán thường là 3 loại: Thẻ tín dụng (cơ quan nào đó ứng tiền cho người dùng chi tiêu), Thẻ debit (ghi nợ, thanh toán trong hạn mức số tiền mình có trong thẻ) và Thẻ thuê bao.

Theo cảm nhận cá nhân, ông Trung nhìn ra rằng: Cái mà thị trường Việt Nam đang cần là hình thức thanh toán như thẻ tín dụng. Vấn đề là làm sao giải quyết được bài toán tín dụng, để thay vì người ta móc tiền trong túi bỏ vào ví điện tử thì đưa tiền họ xài trước, và họ sẽ trả sau?

Vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản ở Mỹ lại trở nên nan giải khi ở Việt Nam, hạ tầng căn cơ nhất cho hệ thống thanh toán dạng này lại thiếu: Chỉ số tín dụng cá nhân. Không thể phát hành đại trà cho mọi người tiêu xài thoải mái mà không biết được họ có khả năng chi trả hay không.

Ảnh: Forbes Việt Nam.

Ảnh: Forbes Việt Nam.

Năm 2013, Mobivi tung ra giải pháp iCare – tạm gọi là chương trình phúc lợi cho người lao động. Ông đàm phán với các doanh nghiệp mà phần lớn là những công ty sản xuất để thuyết phục họ tham gia chương trình này. Qua chương trình này, người lao động của công ty được đặc quyền lớn là có thể mua hàng và trả góp trong vòng 6 tháng với lãi suất 0%.

“Với mức lương công nhân khoảng 4 triệu đồng, việc mua một cái tủ lạnh bình dân khoảng 5 – 6 triệu đồng rất khó. Việc chỉ trả 1/6 giá trị để sở hữu 1 cái tủ lạnh và thanh toán dần 1/6 vào 5 tháng tiếp theo sẽ tạo điều kiện mua sắm được các sản phẩm thiết yếu trong gia đình”, ông Trung dẫn giải.

Nói là vậy, nhưng câu chuyện không đơn giản. Mobivi mất hơn một năm rưỡi để thuyết phục ban lãnh đạo của Nike ở Việt Nam. Hiện ở Việt Nam, Nike có khoảng 300 ngàn công nhân, qua hệ thống đối tác trên 30 nhà máy. Ông Trung thành công vì đánh trúng vào định hướng “sustainable manufature” (sản xuất bền vững) của doanh nghiệp trong thời điểm quốc tế kêu ca nhiều về quyền lợi của người lao động.

Sau thành công với Nike, các ông lớn FDI (công ty có vốn đầu tư nước ngoài) khác như adidas, Puma đều đồng tình tham gia chương trình iCare.

“Hiện gần như chúng tôi đã “khóa” mảng FDI đó rồi. Một khi đã “khóa” rồi thì rất khó cho 1 ông nào đó thuyết phục adidas, Puma tham gia một chương trình tương tự. Đó là thế tạo ra cuộc chơi 6-4 của Mobivi” – ông Dung Tấn Trung giải thích.

“Bài toán của Mobivi hiện giờ là làm sao trong thời gian ngắn nhất nắm bắt được thị trường nhiều nhất”.

Dự kiến, quy mô dự án iCare năm 2015 - năm đầu tiên iCare ra nước ngoài - là bước ra 6 - 7 nước gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và có thể ở Ấn Độ và Bangladesh.

Ông Trung cho biết, dự kiến mỗi năm iCare sẽ bước ra 5 - 10 nước, với mục tiêu tiếp cận hơn 14 triệu gia đình trên toàn quốc vào năm 2019, có thể giúp hơn 175 triệu người ở Châu Á vào hàng trăm triệu lao động trên toàn thế giới.

Bài viết được tác giả ghi lại từ câu chuyện của ông Dung Tấn Trung – sáng lập viên OnDisplay, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Việt Phú (Mobivi) – chia sẻ tại Tọa đàm LifeB Up Talk 1: Xây dựng doanh nghiệp đẳng cấp quốc tế diễn ra chiều 2/4.

>> Trường Hải vs. Hòa Phát: Cuộc đua vị trí số 1 ngành công nghiệp

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM