Doanh nhân Việt chuẩn bị tinh thần sau 'bão'

13/02/2013 15:32 PM | Nhân vật

Dù tin năm sau sẽ bớt khó khăn hơn nhưng các doanh nhân vẫn khá dè dặt khi đưa ra nhận định. Vn-Index có thể khởi sắc nhưng ngân hàng sẽ còn nhiều nợ xấu và bất động sản mới tạm thời qua "tâm bão".


Thị trường ngân hàng sau một năm sóng gió sẽ bớt khó khăn hơn trong năm 2013 theo cách nhìn của ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

Tuy nhiên, ông Bảo nhấn mạnh ngành ngân hàng vẫn phải làm tốt việc quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu mới hy vọng không tiếp tục sụt giảm lợi nhuận như năm ngoái. Người đứng đầu ngân hàng có quy mô lớn nhất nước thừa nhận, chính nhờ những khắc nghiệt của thị trường như vừa qua mà ngành ngân hàng mới có cơ hội nhìn lại. Những rủi ro xảy ra vừa qua là kết quả của những cách làm chưa bài bản.


Dòng tiền trong nước vẫn sẽ được dẫn dắt bởi các tín hiệu của dòng vốn nước ngoài. Theo ông Đỗ Linh Phương - Tổng giám đốc Chứng khoán Vietinbank - nếu tình hình vĩ mô ổn định, sau tháng 7 dòng tiền đầu tư trực tiếp vào Việt Nam sẽ tăng lên. Năm 2013, khối ngoại thay vì đổ tiền trực tiếp vào các quỹ hoạt động có thể sẽ tăng đầu cơ thông qua ETF.

Ông Phương hy vọng những khó khăn trong 5 năm vừa qua sẽ là tiền đề cho quá trình chuyển giao hệ thống quản lý trong các doanh nghiệp và các nguồn lực kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn. Thị trường chứng khoán được kỳ vọng đóng góp vào sự thay đổi này qua việc cải thiện tính thanh khoản.

Lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh nên khả năng thanh khoản của thị trường tăng cao là hoàn toàn có thể xảy ra. Năm 2012, thị trường đã tăng trưởng 15% và với triển vọng tốt hơn trong năm 2013, theo ông Phương, thị trường có thể biến động 30%.


Ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch Tập đoàn Đại dương (Ocean Group) - cho rằng năm 2013 sẽ vẫn gian nan cho những doanh nghiệp bất động sản và cần thêm nhiều thời gian nữa để thị trường ấm lên. Tuy nhiên, thị trường đã đi qua tâm bão và theo ông Thắm, 2013 là năm để khắc phục những tàn dư và hậu quả nặng nề sau bão.

Cầu về nhà ở trong năm 2013 sẽ phụ thuộc lớn vào vị trí địa lý của mỗi dự án. Nhà tại những nơi mà nguồn cung quá nhiều, đặc biệt là xa trung tâm sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để cầu tăng.

Vì tình hình vẫn còn nhiều khó khăn nên phân khúc căn hộ xa xỉ vẫn chưa tốt theo đánh giá của ông Hà Văn Thắm. Giá chung cư hiện nay đã rẻ và có thể sẽ tốt hơn trong năm 2013 bởi hầu hết các doanh nghiệp buộc phải giảm giá để cắt lỗ nên người dân nếu có nhu cầu thực sự nên mua nhà trong thời gian này.


Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ cho rằng, ngành tôn thép trong năm 2013 vẫn trong giai đoạn tái cơ cấu và chưa thể có nhiều thay đổi lớn lúc này. Thị trường thép muốn phục hồi nhanh nhất phải từ 3 đến 5 năm nữa.

Theo ông Vũ, năm 2013, khó khăn sẽ tiếp tục hiện hữu với các doanh nghiệp do sức mua trong nước chỉ có thể cải thiện đôi chút trong khi hàng tồn kho vẫn còn rất lớn. Xuất khẩu có thể là một cứu cánh cho các doanh nghiệp tốt khi hàng hóa Trung Quốc hiện không nhận được sự tin cậy ở nhiều quốc gia và khu vực Đông Nam Á nên Việt Nam sẽ là thị trường được quan tâm đặc biệt.


Ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát cho rằng, khó khăn của năm 2012 đối với ngành thực phẩm đồ uống sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2013. Nhiều khả năng sang năm 2013 sẽ còn nhiều doanh nghiệp đóng cửa, trong đó không ít là các thương hiệu đồ uống Việt đã có từ lâu.

Chủ tịch Tân Hiệp Phát kiến nghị tăng chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp làm ăn không sòng phẳng, bảo hộ các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các thương hiệu quốc gia trong bối cảnh các tập đoàn nước ngoài đang bắt đầu có chiến lược thôn tính.

Theo ông Trần Quý Thanh, nhu cầu thị trường đồ uống không suy giảm mà có dấu hiệu tăng trưởng. Nhưng các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi đề ra chiến lược kinh doanh, vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh từ nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đồng thời đang xuất hiện thủ đoạn cá lớn nuốt cá bé trong bối cảnh hiện nay.

Theo Lan Vi - Hàn Phi
Vnexpress

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM