Điều gì nằm sau cơn "suy sụp" kéo dài của giá dầu thế giới?

03/02/2015 10:22 AM | Nhân vật

Nếu như “cuộc chiến” đang diễn ra giữa dầu đá phiến và dầu truyền thống thì cuộc chiến sẽ dai dẳng. Nó chỉ kết thúc khi nào người ta dung hòa hơn là một bên mất một bên còn.

Nội dung nổi bật:

- Dầu mỏ, hay còn được gọi là "vàng đen," là huyết mạch của mọi nền kinh tế.
- Nguồn tài nguyên quý giá này đã châm ngòi cho các cuộc xung đột liên miên tại khu vực Trung Đông, đồng thời cũng được sử dụng làm vũ khí kinh tế để gây sức ép về chính trị giữa các bên để phục vụ lợi ích riêng.
- Mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích là một trong những nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới có lúc đã rơi xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng ngay trong những tuần giao dịch đầu tiên của Năm mới 2015.


Vậy điều gì nằm sau cơn "suy sụp" kéo dài của giá dầu thế giới, dự cảm nào về những diễn biến tiếp theo trên thị trường dầu mỏ?

Phóng viên TTXVN đã thực hiện cuộc phỏng vấn tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao.

- Thưa tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, gần đây người ta nhắc rất nhiều đến dầu đá phiến mà Mỹ đang là nước sản xuất hàng đầu thế giới, vậy dầu đá phiến và dầu mỏ truyền thống giống nhau và khác nhau ở những điểm nào?

TS Đỗ Sơn Hải: Khi giá dầu hạ người ta nói rất nhiều đến dầu đá phiến, thậm chí nhiều nơi còn nhắc đến dầu cát của Canada. Trên thực tế, dầu đá phiến được phát hiện từ đầu thế kỷ 20. Dầu đá phiến và dầu thô bình thường hay còn gọi là dầu truyền thống thực chất chỉ khác nhau ở nguồn khai thác, còn cả hai đều hướng tới câu chuyện nhiên liệu.

Dầu truyền thống là dạng nhiên liệu hóa thạch dễ khai thác, còn dầu đá phiến khó khai thác hơn và phải qua nhiều khâu chưng cất, vì thế, giá dầu đá phiến tăng lên rất cao.

Sản lượng dầu đá phiến trên thế giới từng đạt mức cao kỷ lục 46 triệu tấn năm 2008, song hoạt động khai thác sau đó vẫn phải dừng lại vì vấn đề chi phí.

- Vậy thực sự cuộc cách mạng dầu đá phiến đã diễn ra từ khi nào?

TS Đỗ Sơn Hải: Trước kia, giá dầu đá phiến sau khi đã khai thác và bán ra thị trường có giá khoảng 70-80 USD/thùng. Thế nhưng, kể từ khi công nghệ phá vỡ thủy lực ra đời và bắt đầu được sử dụng từ năm 2003 mà cha đẻ của công nghệ này là ông George P. Mitchell - người sáng tạo ra công nghệ kết hợp giữa khoan sâu và khoan ngang, thì giá thành của dầu đá phiến đã hạ xuống dưới 70 USD/thùng và “cuộc chiến” có lẽ bắt đầu từ đây.

“Cuộc chiến” này được châm ngòi sau quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho phép xuất khẩu ồ ạt dầu đá phiến. Trong tình huống này, các nhà sản xuất dầu truyền thống, trong đó, đứng đầu là Saudi Arab lâm vào cảnh mất dần thị phần.

Các thành viên thuộc Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thấy rằng họ phải làm một điều gì đó để ngăn chặn sự “lấn sân” của dầu đá phiến và họ đã thực hiện.

- Dầu đá phiến có phải là yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng dư thừa nguồn cung dầu hiện nay hay không?

TS Đỗ Sơn Hải: Tôi nghĩ là có vì sản lượng dầu khai thác hiện nay đã vượt quá nhu cầu sử dụng của thế giới khoảng 2 triệu thùng/ngày. Nếu sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể đạt khoảng 9,3-9,5 triệu thùng/ngày vào năm 2015, so với tổng sản lượng 90 triệu thùng/ngày trên toàn thế giới là khá nhỏ bé.

Chính vì vậy, nếu chỉ vì sự xuất hiện và gia tăng đột ngột về sản lượng của dầu đá phiến mà giá dầu rơi thảm hại như hiện nay thì nguyên nhân này xem ra đơn giản quá.

Có một nguyên nhân tiếp theo nữa là sự tìm tòi của các nhà khoa học và chính sách năng lượng của các nước muốn tìm ra các nguồn nhiên liệu sạch thay thế dầu hóa thạch từ sức nước, sức gió. Còn sâu trong bức màn của khủng hoảng dầu lửa là vấn đề chính trị.

- Sự cương quyết không giảm sản lượng của Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ không ngừng gia tăng như hai gọng kìm siết chặt nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Hành động này thực chất có thể hiểu ra sao, thưa ông?

TS Đỗ Sơn Hải: Như một số chuyên gia về quan hệ quốc tế đánh giá, lý do giá dầu xuống vì có sự phối hợp hoặc mặc cả giữa Saudi Arab và Mỹ nhằm thít chặt nước Nga thoạt nghe thì cũng có vẻ hợp lý.

Tuy nhiên, nếu cho rằng Mỹ và Saudi Arab đang tìm cách gây khó cho Nga thì một câu hỏi được đặt ra là liệu kinh tế Nga suy sụp thì liệu trước hết là châu Âu và sau đó là kinh tế thế giới có ổn định không.

- Ông dự đoán thế nào về cuộc chiến giá dầu trong thời gian tới?

TS Đỗ Sơn Hải: Nếu như “cuộc chiến” đang diễn ra giữa dầu đá phiến và dầu truyền thống thì cuộc chiến sẽ dai dẳng. Nó chỉ kết thúc khi nào người ta dung hòa hơn là một bên mất một bên còn.

Dầu đá phiến đóng góp cho nhu cầu thế giới không nhiều, nhưng trong cuộc chiến này họ được sự hậu thuẫn của số đông, vì nhờ có dầu đá phiến, có sản phẩm cạnh tranh thì giá dầu mới hạ xuống.

Còn nếu sau cuộc chiến này là lý do chính trị, mà Nga là đối tượng để hai bên nhắm vào, thì có lẽ người ta phải đi đến một thỏa hiệp chứ khó có thể Nga khuất phục hay bị khuất phục.

Trong tình huống có sự thỏa hiệp thì giá dầu sẽ tăng lên một chút, nhưng đổi lại Nga phải có sự nhượng bộ nhất định.

- Ông đánh giá thế nào về tác động của giá dầu rẻ đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, như Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ?

TS Đỗ Sơn Hải: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đánh giá rất tích cực về việc giá dầu hạ. Tuy nhiên, trong dự báo 2015, các chuyên gia kinh tế không lạc quan rằng tình hình kinh tế sẽ khá lên trong năm 2015. Thậm chí đối với khu vực châu Á vốn có tốc độ tăng trưởng cao, dự báo năm 2015 cũng bị đánh thấp đi, mặc dù về mặt nguyên tắc thì giá dầu hạ sẽ kích thích các nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu mỏ.

Theo đánh giá mới nhất của Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, chỉ có các nền kinh tế tiên tiến được hưởng lợi mà thôi, chứ không phải các nước đang phát triển.

Theo nhiều nhận xét, các nền kinh tế dường như chưa nắm bắt được cơ hội từ giá dầu rẻ. Nhìn vào những nền kinh tế khổng lồ ở khu vực châu Á là Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản – những nước có nhu cầu rất cao về nhiên liệu.

Tuy nhiên, không có nghĩa là nhiên liệu rẻ thì họ sẽ mua thêm nhiên liệu, bởi vì một trong những nguyên nhân khiến giá dầu hạ là tốc độ tăng trưởng thấp, tức là nhu cầu tiêu dùng giảm. Song, tôi tin tưởng rằng các nước nhập khẩu dầu mỏ trước mắt sẽ được hưởng lợi từ giá dầu rẻ.

- Đối với Nga, nền kinh tế này liệu có thể trụ được trong sự tuột dốc không phanh của giá dầu và hướng đi nào tiếp theo cho họ nếu không thể trông chờ vào nguồn thu khổng lồ từ dầu khí như trước?

TS Đỗ Sơn Hải: Ví dụ điển hình hơn phải kể đến là Venezuela, một quốc gia mà 90% ngân sách phụ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa. Giá dầu hạ đang đẩy nền kinh tế này trước bờ vực phá sản. Còn đối với Nga, câu chuyện giá dầu đang và sẽ khiến cho họ lâm vào tình thế vô cùng khó khăn, nhưng không dẫn tới sụp đổ.

Trong tình thế này, điều mà tôi lo ngại hơn cả là Nga, Venezuela, Algeria có thể lâm vào khủng hoảng chính trị nếu coi dầu mỏ là vấn đề sống còn của cả quốc gia.

- Đâu là những yếu tố sẽ tiếp tục tác động đến giá dầu trong thời gian tới và dự đoán của ông về giá dầu trong năm nay?

TS Đỗ Sơn Hải: Nếu đúng nguyên nhân giá dầu hạ là vì ý đồ chính trị thì giá dầu có thể vực dậy rất nhanh. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ quy luật cung-cầu hoặc lớn hơn là sự khiếm khuyết của mô hình điều hành của kinh tế thế giới hiện nay, giá dầu rất khó trở lại bình thường trong một sớm một chiều.

- Xuất khẩu dầu thô mang lại cho Việt Nam một nguồn ngoại tệ lớn, vậy dựa vào những kinh nghiệm trên thế giới, Việt Nam cần có điều chỉnh chính sách như thế nào cho phù hợp trong bối cảnh giá dầu rẻ?

TS Đỗ Sơn Hải: Ngân sách của Việt Nam dựa vào xuất khẩu dầu thô khá nhiều. Trong bối cảnh giá dầu hạ, tôi thấy một số chuyên gia có đề xuất mua dự trữ dầu mỏ. Tuy nhiên, phương án này không có tính khả thi vì mua dự trữ không đáng kể.

Giá dầu hạ cần phải được xem là cơ hội để nhìn nhận lại toàn bộ nền kinh tế. Nếu Việt Nam muốn hướng nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô, chúng ta nhìn thấy sẽ có lúc dầu giảm không phanh như hiện nay.

Rất may tình huống này đến rất sớm và chúng ta có thể khắc phục được ngay bằng cách cân đối lại nền kinh tế. Đừng nên quá phụ thuộc vào nguồn dầu xuất khẩu vì trên thực tế lượng dầu xuất khẩu của chúng ta không nhiều.

Mặc dù dầu mỏ đóng góp nhiều cho ngân sách, song đó là bởi vì các lĩnh vực kinh tế khác chưa kịp lớn lên. Chúng ta cần phải thay thế dần sự đóng góp của dầu mỏ bằng cách tăng đầu tư cho các ngành kinh tế khác.

- Xin cảm ơn ông!

>> Sẽ mất tới 5 năm để giá dầu phục hồi

Theo Trang Nhung

Cùng chuyên mục
XEM