Đây là cách đánh giá rủi ro kỳ lạ của Warren Buffett

11/03/2016 13:41 PM | Nhân vật

“Rủi ro là khi bạn không biết mình đang làm gì” – Warren Buffett.

Trong đầu tư, rủi ro là điều mà không nhà đầu tư nào muốn gặp phải. Khác với rủi ro phi hệ thống, rủi ro hệ thống là rủi ro đặc thù của thị trường và không gắn một cổ phiếu hoặc ngành nghề cụ thể nào. Dạng rủi ro này vừa không thể dự đoán được, vừa không thể tránh được.

Hệ số rủi ro beta là thước đo phổ biến đo lường mức độ biến động hay còn gọi là thước đo rủi ro hệ thống của một chứng khoán hay một danh mục đầu tư trong tương quan với toàn bộ thị trường. Beta nhỏ hơn 1 cho thấy cổ phiếu ít biến động hơn thị trường trong khi beta lớn hơn 1 cho thấy cổ phiếu biến động nhiều hơn thị trường.

Tuy nhiên, đúng như khái niệm, hệ số beta dùng giá thị trường để đo lường rủi ro thay vì các yếu tố cơ bản của công ty phát hành cổ phiếu và do đó có lúc không chính xác, đặc biệt trong trường phái đầu tư giá trị mà Warren Buffett theo đuổi.

Như Ben Graham, thầy của Warren Buffett đã nói: “Trong ngắn hạn thị trường được quyết định bởi cảm xúc của người tham gia, nhưng trong dài hạn giá cổ phiếu sẽ bắt kịp giá trị thực của công ty”. Giá thị trường thường không phản ánh được hoạt động kinh doanh cơ bản của một công ty, vì thế giá thị trường sẽ không phải là thước đo chính xác cho rủi ro của cổ phiếu.

Thứ hai, các lý thuyết đầu tư nói rằng cổ phiếu có giá giảm mạnh sẽ có độ rủi ro cao hơn cổ phiếu có giá giảm ít hơn. Nhưng nếu các yếu tố cơ bản của một công ty có giá 100 USD một cổ phiếu là không đổi, thì độ rủi ro của công ty có lớn hơn nếu giá cổ phiếu giảm xuống 50 USD hay không? Rõ ràng là không. Trên thực tế, cổ phiếu này lại đang có biên an toàn cao hơn và nên được xem là ít rủi ro hơn.

Warren Buffett và hệ số beta

Trong bài báo về các nhà đầu tư huyền thoại Graham và Doddsville, Buffett đã viết như sau:

“Theo quan điểm thông thường, rủi ro và lợi nhuận có quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Nếu ai đó nói với tôi: “Tôi có một khẩu súng lục và trong này có một viên đạn. Tại sao anh không thử xoay nó và bắn một phát nhỉ? Nếu anh sống sót, tôi sẽ cho anh 1 triệu USD”. Tôi sẽ từ chối và nói 1 triệu USD là không đủ. Rồi thì người đó sẽ nâng tiền thưởng lên 5 triệu USD để bảo tôi bóp cò hai lần. Tức là rủi ro càng lớn thì lợi nhuận càng lớn.

Tuy nhiên, điều ngược lại mới đúng cho phương pháp đầu tư giá trị. Việc mua tờ 1 USD với giá 40 cent nghe thì có vẻ rủi ro hơn việc mua tờ 1 USD với giá 60 cent nhưng lợi nhuận kỳ vọng sẽ lớn hơn nếu mua với 40 USD. Tiềm năng lợi nhuận của cổ phiếu càng lớn thì rủi ro càng thấp.

Một ví dụ khác minh họa cho cách đánh giá rủi ro trong đầu tư của Buffett là trường hợp Washington Post Company. Công ty này được bán với giá 80 triệu USD trên thị trường vào năm 1973. Công ty sở hữu báo Washington Post, Newsweek và một số đài truyền hình nữa mà theo tính toán của Buffett phải có giá lên đến 400 triệu USD. Nên mức giá 80 triệu USD của thị trường rõ ràng là một món hời.

Nếu giá cổ phiếu của công ty lại giảm xuống 40 triệu USD thay vì 80 triệu USD, hệ số beta của nó sẽ lớn hơn. Và với những ai nghĩ hệ số beta đo lường rủi ro thì mức giá rẻ hơn sẽ làm cổ phiếu có vẻ rủi ro hơn. Nhưng theo phương pháp đầu tư giá trị của Buffett, mua công ty với mức giá 40 triệu USD sẽ có rủi ro ít hơn rất nhiều so với mức giá 80 triệu USD.

Quan điểm của Warren Buffett về rủi ro là gì?

Warren Buffett nói “Đừng lo về rủi ro như cách chúng được dạy ở các trường kinh doanh. Rủi ro chỉ là tín hiệu mua/không mua đối với nhà đầu tư. Nếu có rủi ro, tôi sẽ không mua.”

Vì thế theo Buffett, rủi ro không có nghĩa là biến động giá. Rủi ro chỉ đơn giản là khả năng mất khoản đầu tư ban đầu. Nếu khoản đầu tư nào có khả năng mất tiền, Buffett sẽ không đầu tư vào đó.

Vậy thì rủi ro đến từ đâu? Chắc chắn là không phải giá cổ phiếu. Câu trả lời của Warren Buffett là: “Rủi ro là khi bạn không biết mình đang làm gì”.

Theo Long Nam

Cùng chuyên mục
XEM