Đàm Hà Phú: Thương trường có nhiều câu chuyện đẹp

17/11/2014 17:26 PM | Nhân vật

Đàm Hà Phú là người sáng lập, đồng thời là Tổng giám đốc của công ty Không Gian đẹp – một doanh nghiệp chuyên thiết kế, xây dựng nhà cửa dân dụng, các công trình…

Nhắc đến cái tên Đàm Hà Phú, nhiều người biết đến với vai trò tác giả Chuyện nhỏ Sài Gòn – cuốn tạp văn gây được nhiều sự chú ý của độc giả - đặc biệt là những người sống ở Sài Gòn, yêu Sài Gòn. Ít ai biết, viết lách là công việc tay trái của anh, với hàng tá việc tay trái khác, bao gồm câu cá, phượt, làm thơ…

Anh  vẫn tự ví von mình là “uống rượu, làm thơ, giang hồ nửa buổi”.

Đàm Hà Phú là người sáng lập, đồng thời là Tổng giám đốc của công ty Không Gian đẹp – một doanh nghiệp chuyên thiết kế, xây dựng nhà cửa dân dụng, các công trình…

Đi nhiều, quan sát và viết lách nhiều, cây bút nghiệp dư Đàm Hà Phú có thể khiến độc giả cảm thấy ngạc nhiên lẫn thích thú. Trong thời đại internet, những thông tin giật gân đầy rẫy trên mạng phần nào khiến nhiều người mất niềm tin vào cuộc sống.

Thế nhưng, đọc Chuyện nhỏ Sài Gòn, người ta thấy cuộc sống thật đẹp. Ngay cả câu chuyện giang hồ chém giết nhau, cũng có một cái kết đầy tình người, đầy bao dung. Cứ ngỡ như, ở tất cả các ngõ ngách Sài Gòn, đều đang len lỏi những mầm sống nhỏ bé và đáng yêu đến vậy.

Ở Đàm Hà Phú không toát lên cái vẻ đạo mạo và trịnh trọng thường thấy của các doanh nhân. Anh giống một người lao động bình thường mà ta có thể gặp ở bất kỳ đâu. Hàng sáng vẫn gặm bánh mỳ, thứ bánh mà anh cho rằng “ngon nhứt thế giới”, uống café vỉa hè…  Có lẽ bởi anh sống quá gần gũi với những người lao động, những người cứ hồn nhiên sống, hồn nhiên làm người tốt mà không cần một chút màu mè nào.

Là doanh nhân, Đàm Hà Phú lại có quan hệ khá thân thiết với nhiều người thuộc nhiều giới. Đó có thể là anh xe ôm, chị bán vé số, thằng bé bán hàng rong, những tay đại ca chốn giang hồ… Và anh nhận ra, ở bất kỳ đâu, vẫn luôn có những người tốt, những chuyện tử tế đáng để kể lại.

Nói như vậy, không có nghĩa là Sài Gòn hay những nơi anh qua, cuộc đời anh không có những phong ba bão táp, những nghiệt ngã, buồn lòng. Tuy nhiên, những thứ đó, mọi người đã thấy nhiều rồi, đã trải qua nhiều rồi, nếu chia sẻ thêm cũng không thay đổi được điều gì nữa. Vậy tại sao không nhìn cuộc đời bao dung hơn, nhìn Sài Gòn bằng góc nhìn tuyến tính với tính cách của mình, một Sài Gòn đầy hào hiệp và tình nghĩa.

Sài Gòn là một thành phố lớn, được lập nên và lớn mạnh bởi di dân từ tứ xứ, qua nhiều biến cố có phần đau thương của lịch sử. Không thể so sánh tình người ở Sài Gòn với tình yêu, tình bằng hữu thuần khiết và trong trẻo trong truyện kiếm hiệp, trong điều kiện hoang sơ, không bị chi phối bởi những áp lực ngoài đời. Thế nhưng, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, Sài Gòn vẫn ẩn trong lòng nó bản chất đó, có thể im lìm dưới dòng chảy cuồn cuộn của kinh tế thị trường, vẫn luôn ấm áp thứ tình cảm hoang sơ ban đầu. Sài Gòn đẹp, là vì vậy.

Thương trường cũng có nhiều câu chuyện đẹp

Khi được đặt câu hỏi, liệu trên thương trường, nơi anh mới thực sự “sống” phần lớn thời gian của mình, liệu có những câu chuyện đáng yêu như ở những con ngách, những xóm nhỏ Sài Gòn, Đàm Hà Phú khẳng định “Một người xe ôm Sài Gòn có thể kể một câu chuyện hay thì một doanh nhân chắc chắn có nhiều câu chuyện hay hơn, chỉ là người ta có muốn nghe, muốn tin hay không mà thôi”.

Trên thương trường cũng có rất nhiều chuyện tương tự, thậm chí là hay hơn, đẹp hơn nhiều. Nhưng vì nó là câu chuyện của thương trường, của doanh nhân, hoặc ít nhiều liên quan đến thị trường thì dễ bị cho là ẩn chứa một lợi ích nào đó, quảng bá cho một doanh nghiệp, một sản phẩm nào đó, nên anh “ngại” kể lại, và chia sẻ.

Cũng như một lần, Đàm Hà Phú nhìn thấy hình ảnh một chiến sĩ Cảnh sát giao thông đội mưa giúp một cụ già qua đường, anh đã không kịp lấy máy ảnh để chụp lại. Thế nhưng, anh lại nghĩ, nếu chụp và chia sẻ, lại nhận được những nhận định trái chiều. Chỉ giữ riêng cho mình những câu chuyện như vậy là lựa chọn của anh. Những câu chuyện được coi là của giới bình dân, thậm chí của giới giang hồ, ở Sài Gòn vẫn được yêu thích nhiều hơn, do nó thực, nó vô tư, gần gũi và ấm áp – Đàm Hà Phú chia sẻ.

Đơn cử một câu chuyện của 1 bà chủ tiệm bánh lớn ở Sài Gòn. Ít ai biết phần lớn lợi nhuận thu được, hàng tỷ đồng mỗi năm, đều được bà dùng để xây cầu, xóa cầu tạm ở các vùng quê hẻo lánh, giúp người nghèo, trao học bổng cho học sinh. Bà cứ lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến như vậy mà không cần một ai biết đến, ngợi ca.

Nói là Chuyện nhỏ Sài Gòn, đọc tạp văn, độc giả đều tin rằng, không riêng gì Sài Gòn hay miền Tây – địa danh chính của những câu chuyện - ở đâu trên đất nước này, trên thế giới này đều ẩn chứa những điều tốt đẹp, những con người dễ thương và hào hiệp. Chỉ là nhiều khi ở đâu đó thiếu người kể chuyện mà lại dư ra lắm kẻ ưa chỉ trích. Đối với những kẻ ưa chỉ trích thì thế giới luôn xấu đi, hôm nay tệ hơn hôm qua, và ngày mai sẽ tệ hơn nữa, người ta không nhìn ra những thay đổi, những điều tốt đẹp của cuộc sống xung quanh. “Bình minh của mỗi ngày đều mang đến những điều mới mẻ và tốt đẹp chứ không phải đơn giản chỉ là kéo dài cuộc sống” – Vị giám đốc Không Gian Đẹp nhận định.

>> Doanh nhân Lê Phước Vũ: “Những mánh khóe làm ăn sẽ giết chết doanh nghiệp về lâu về dài”

Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM