Công ty Nhật Bản đang “khủng hoảng CEO”

20/07/2015 08:36 AM | Nhân vật

Hàng loạt câu chuyện từ phạt vạ, rời chức đến bệnh tật đã đẩy giám đốc điều hành (CEO) tại các công ty danh tiếng của Nhật Bản rời nhiệm vụ, để lại những khó khăn nhất định trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Ngày 22/6 vừa qua, Nissan Motors thông báo họ đã trả cho CEO Carlos Ghosn 1.035 tỷ yen (tương đương 8,4 triệu USD) trong năm tài chính 2014. Đó là mức thù lao đưa Ghosn trở thành một trong những CEO được trả cao nhất tại Nhật, theo Reuters. Tuy nhiên, Carlos Ghosn chỉ là một cá nhân khá may mắn trong bối cảnh những người đồng nghiệp của ông đều đang gặp vận hạn gần như cùng thời điểm.

Tháng 7 giông bão cho các giám đốc

Hôm 17/7, Toshiba cho biết họ đang đại tu khâu quản lý sau sự kiện CEO Hisao Tanaka từ chức với lý do khai báo gian lận.

Ông Hisao Tanaka sẽ rời ghế CEO của Toshiba vào tháng 9/2015

Ông Hisao Tanaka sẽ rời ghế CEO của Toshiba vào tháng 9/2015

Ông Hisao Tanaka, dự kiến sẽ rời chức tại cuộc họp cổ đông vào tháng 9 tới, đã bị cáo buộc phóng đại mức lợi nhuận của tập đoàn điện tử này trong thời gian đương nhiệm.

Vụ việc có thể khiến Toshiba bị phạt từ 300 tới 400 tỷ yen (2,4 đến 3,2 tỷ USD), theo Reuters. Nhưng đáng lo nhất là uy tín của tập đoàn đã bị ảnh hưởng lớn. Hôm 17/7, The Japan News cho hay Toshiba đang có kế hoạch bán cổ phiếu tại các công ty hợp tác để gây quỹ 200 tỷ yen nhằm đối phó với hoàn cảnh và các mức phạt sắp tới.

Trước đó vào đầu tháng, một thương hiệu khổng lồ của Nhật Bản là Toyota cũng nhận tin sốc khi nữ Giám đốc truyền thông Julie Hamp tuyên bố từ chức sau khi bị bắt do cáo buộc vận chuyển ma túy.

Bà Julie Hamp mới chỉ nhậm chức vài tháng trước, chắc chắn sẽ để lại những lỗ hổng lớn ở vị trí này.

Khủng hoảng ở vị trí lãnh đạo

CEO của Nintendo - ông Satoru Iwata vừa qua đời hôm 11/7

CEO của Nintendo - ông Satoru Iwata vừa qua đời hôm 11/7

Hai vụ lùm xùm của Toshiba và Toyota cũng phản ánh tình trạng trùng hợp khó hiểu tại các vị trí tương ứng trong các công ty lớn tại Nhật Bản gần đây. Các CEO vô tình "rủ nhau" gặp tai họa đã đưa lại rất nhiều khó khăn cho những công ty vốn phát triển bền vững của Nhật Bản.

Trong một trường hợp không mong muốn, CEO của hãng trò chơi điện tử lừng danh Nintendo, ông Satoru Iwata đã qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 55 vào ngày 11/7. Việc ông Iwata, người có công vực dậy Nintendo, qua đời đã khiến hãng game này đứng trước những nghi ngờ lớn trong bối cảnh họ sắp vào bước chuyển giao quan trọng: Từ dòng game điều khiển sang các thiết bị di động.

Hồi tháng 2 năm nay, hãng xe Honda cũng buộc phải có sự thay đổi khi Takahiro Hachigo lên thay Takanobu Ito ở vị trí CEO. Cũng như ông Satoru Iwata ở Nintendo, ông Ito đã gắn bó với Honda 6 năm trong giai đoạn quan trọng, một khoảng thời gian không ít. Một sự thay đổi đã khiến Honda gặp phải khó khăn trong khâu điều hành, khi họ phải thay đổi hướng đi trong lúc người kế nhiệm Hachigo bị đánh giá thấp.

Cùng chung sự khó khăn, hồi tháng 6 qua, CEO Kozo Takahashi của hãng điện tử Sharp cũng bị kêu gọi từ chức.

Các cổ đông của hãng điện tử Sharp đang đòi ông Kozo Takahashi từ chức CEO

Các cổ đông của hãng điện tử Sharp đang đòi ông Kozo Takahashi từ chức CEO

Sau khi gặp rất nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh TV màn hình tinh thể lỏng trước sự cạnh tranh của những đối thủ từ Hàn Quốc và Trung Quốc, Sharp đã tiến hành cải tổ, tái cấu trúc. Quyết định này buộc ông Takahashi phải cắt giảm việc làm, khiến các cổ đông giận dữ. Họ đòi Takahashi phải từ chức, vì dưới thời của ông từ 2013 tới nay, Sharp đã mất 4,3 tỷ USD trên giá trị thị trường, theo Bloomberg.

Trên thực tế, tình hình kinh tế ảm đạm của Nhật Bản đã góp phần không nhỏ đưa đến những tai họa nghiệt ngã rơi vào các CEO. Thậm chí, triết lý kinh tế "Abenomics" của Thủ tướng Shinzo Abe cũng đứng trước sức ép lớn.

Theo Giang Lang

Cùng chuyên mục
XEM