Con lươn và mỏ dầu (Kỳ 2)

15/04/2014 15:38 PM | Nhân vật

Từ cậu học trò nghèo nổi tiếng hiếu học trong thôn, Chu Vĩnh Khang trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc trước khi nghỉ hưu vào năm 2012.

Báo Đông Phương Buổi Sáng (Thượng Hải) hôm 28-2 đăng tải bài viết hiếm hoi về xuất thân của Chu Vĩnh Khang: “Những chuyện trước đây của Chu Nguyên Căn - cha của Chu Bân”.Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, đây là bài báo đầu tiên của Trung Quốc đại lục hé lộ quá khứ ít được biết đến của nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực.

Cậu học trò nghèo

Chu Vĩnh Khang quê ở thôn Tây Tiền Đầu, nơi có hơn 500 năm lịch sử, cách Vô Tích khoảng 18km. Ngót 400 người trong thôn đều mang họ Chu. Tương truyền rằng người dân nơi đây là hậu duệ của nhà triết học nổi tiếng thời Bắc Tống Chu Đôn Di. Nhà nho Chu Đôn Di nổi tiếng với “Ái liên thuyết” (thuyết yêu hoa sen) ca ngợi sự thanh bạch, trong sáng của loài hoa xuất thân từ bùn đất

Theo báo Đông Phương Buổi Sáng, cha Chu Vĩnh Khang là ông Chu Nghĩa Sinh, người thôn Tung Sơn, thị trấn Hậu Kiều. Ngày ngày Chu Nghĩa Sinh thường làm công tại thôn Tây Tiền Đầu.Thấy Nghĩa Sinh vạm vỡ lại siêng năng, ông Chu A Học, một nông dân ở thôn Tây Tiền Đầu, tác hợp chàng trai này với con gái mình là Chu Tú Kim.

Năm 1942, Chu Nghĩa Sinh và Chu Tú Kim sinh con trai đầu lòng đặt tên Chu Nguyên Căn. Năm 7 tuổi, Chu Nguyên Căn vào tiểu học, do trùng tên với bạn nên đổi tên thành Chu Vĩnh Khang. Cha mẹ Vĩnh Khang tiếp tục sinh thêm hai con trai nữa là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh. Vốn nghèo lại đông con, cuộc sống gia đình càng thêm chật vật.

“Lúc ấy gia đình họ gần như là hộ nghèo nhất trong thôn. Vì khó khăn, quần áo của ba anh em họ Chu đứa lớn mặc không vừa lại nhường cho đứa nhỏ hơn” - Đông Phương Buổi Sáng dẫn lời một bạn học thuở nhỏ của Chu Vĩnh Khang cho biết.

Người trong thôn kể lại rằng Chu Vĩnh Khang có thể học hành đến nơi đến chốn là nhờ vào “tuyệt chiêu” câu lươn của cha. Mỗi ngày sau khi giúp vợ làm công việc đồng áng, Chu Nghĩa Sinh đem theo lương khô, dụng cụ câu lươn và chiếc giỏ trúc lên đường. Mỗi lần như vậy, ông đem về cả một giỏ lươn nặng khoảng 5kg. Số lươn trên có thể bán được đến vài nhân dân tệ.Vào thời điểm đó, vài nhân dân tệ cũng đủ cho cả gia đình trang trải qua ngày.

Từ nhỏ Chu Vĩnh Khang rất kiệm lời, hiếm khi chơi với các bạn cùng trang lứa nhưng lại rất siêng năng nhanh nhẹn, hiểu lễ nghĩa. Vĩnh Khang thường giúp cha mẹ làm nông mỗi khi tan lớp. Khi học xa nhà, Vĩnh Khang lúc về quê đều đến thăm hỏi họ hàng vào mỗi dịp nghỉ hè hoặc nghỉ đông. Lúc chuẩn bị trở lại trường nhập học, Chu cũng luôn đến chào họ hàng.

Sau sáu năm học tập tại thị trấn Hậu Kiều, năm 1955 Chu Vĩnh Khang (lúc ấy 13 tuổi) thi đậu vào Trường trung học thị trấn Đãng Khẩu và trở thành một trong những học sinh giỏi nhất trường. Năm 1958, Chu là một trong ba học sinh của Đãng Khẩu giành được suất vào Trường trung học Tô Châu. Hai em trai Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh nghỉ học khi vừa hết cấp II. Nguyên Hưng sống tại thôn Tây Tiền Đầu, lo việc hương hỏa cho gia tộc.

Năm 1961, Chu Vĩnh Khang lại một lần nữa làm rạng danh thôn Tây Tiền Đầu khi đỗ vào Học viện Dầu khí Bắc Kinh - một trong tám trường lớn nhất Trung Quốc (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc). Tại đây, ông quen biết và kết hôn với người vợ đầu tiên Vương Thục Hoa. Khi hai cậu con trai Chu Bân và Chu Hàm ra đời, Chu còn miệt mài làm việc tại mỏ dầu. Gia cảnh của Chu lúc đó vẫn nghèo. “Lúc ấy ông ta tuy làm việc tại mỏ dầu nhưng gia đình vẫn thiếu thốn, mua sữa cho con cũng là chuyện khó khăn” - bạn học thời thơ ấu của Chu Vĩnh Khang cho biết.

Nhưng dù sao cậu học trò nghèo lớn lên bằng những con lươn của cha nay đã lọt vào mỏ dầu. Và điều ít ai ngờ tới đã diễn ra...

Xem thêm: Thế lực gia tộc Chu Vĩnh Khang ở Giang Tô

Bành trướng thế lực

Trong suốt 31 năm hoạt động trong ngành dầu khí, Chu Vĩnh Khang dần gầy dựng một thế lực lớn mạnh, bám rễ vào từng ngóc ngách trong ngành. Năm 1996, Chu trở thành tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí CNPC. Bắt đầu từ đó con đường thăng tiến của Chu Vĩnh Khang rộng mở thênh thang. Cậu học trò nghèo ngày nào không thể tưởng tượng rằng mình có chân trong ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc - vị trí nắm giữ vận mệnh của hơn 1,3 tỉ người.

Theo Tân Hoa xã, Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, tốt nghiệp Học viện Dầu khí Bắc Kinh. Ông lãnh đạo công ty dầu khí quốc gia từ năm 1996-1998 rồi chuyển sang làm bộ trưởng đất đai và tài nguyên đến năm 1999. Sau đó ông trở thành bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên từ năm 1999-2002. Chu Vĩnh Khang vào Bộ Chính trị và giữ chức bộ trưởng công an đến năm 2007. Ông trở thành ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, nắm Ủy ban Chính pháp từ năm 2007 đến khi nghỉ hưu vào năm 2012.

Khi nấc thang quyền lực ngày càng cao, thế lực của Chu Vĩnh Khang ngày càng bành trướng. Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, mạng lưới của Chu bắt rễ sâu vào các lĩnh vực ông từng giữ vai trò lãnh đạo. Từ Tập đoàn Dầu khí CNPC, Bộ Tài nguyên đất đai, Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Bộ Công an hay Ủy ban Chính pháp trung ương, mọi thuộc cấp thân cận đều là những mắt xích trong hệ thống quyền lực do Chu Vĩnh Khang thiết lập.

Do an ninh và ổn định đóng vai trò trọng yếu trong chính sách của Bắc Kinh, quyền lực của bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương thời Chu Vĩnh Khang cao hơn phần lớn các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác. Trước khi về hưu, Chu là người nắm giữ các chức vụ trọng yếu nhất trong ban lãnh đạo Trung Quốc. Quyền lực của Chu bao trùm từ cơ quan giám sát cơ quan tư pháp, công an đến các cơ quan an ninh quốc gia.

Nhờ thế lực của Chu Vĩnh Khang, con trai Chu Bân, em trai Chu Nguyên Hưng, Chu Nguyên Thanh, các thuộc cấp Lý Hoa Lâm, Ký Văn Lâm, Quách Vĩnh Tường... đã tạo dựng được một đế chế kinh doanh đầy thế lực. Trong đó, “thái tử” Chu Bân là một mắt xích quan trọng trong “nhóm lợi ích” đó.

>> Một đám tang nhà họ Chu (Kỳ 1)

Truyền thông cẩn trọng khi đề cập đến Chu Vĩnh Khang

Cho đến hiện tại, truyền thông Trung Quốc vẫn rất thận trọng khi đề cập đến ba từ “Chu Vĩnh Khang”. Tờ báo Mỹ Los Angeles Times từng châm biếm rằng cách truyền thông Trung Quốc nhắc đến Chu Vĩnh Khang không khác gì việc nữ văn sĩ J.K. Rowling dùng cụm từ “kẻ mà ai cũng biết là ai đấy” khi đề cập đến chúa tể hắc ám Voldemort trong tác phẩm Harry Potter.

Khi vẫn chưa có thông tin chính thức về việc điều tra Chu Vĩnh Khang, các bài viết về quan chức cấp cao này vẫn dùng tên gọi “cha của thương gia bí ẩn Chu Bân” hoặc tên thuở nhỏ “Chu Nguyên Căn”. Đã có không ít tờ báo phải gỡ bỏ các bài viết về Chu Vĩnh Khang. Hồi đầu tháng 3-2014, tờ Tài Tân phải xóa bài viết về việc làm giàu bất chính của gia đình hai em trai Chu Vĩnh Khang, nhưng sau đó bài viết này lại được phục hồi.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng nhận định vụ án Chu Vĩnh Khang (khi được chính thức công bố) sẽ là bê bối chính trị lớn nhất tại Trung Quốc từ năm 1949.

Theo ĐÔNG PHƯƠNG

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM