Cô chủ nhỏ của Koh Samui: “Đừng ai bỏ học như tôi!”

28/01/2016 15:50 PM | Nhân vật

“Tôi không cổ súy cho phong trào bỏ học… Nếu được quay trở lại, tôi sẽ cố gắng hoàn thành bằng đại học của mình”, Nguyễn Hà Linh – founder của Trung tâm tiếng Anh IBEST và chuỗi nhà hàng Thái Koh Samui cho biết.

Cách đây 8 năm, cô sinh viên năm thứ 2 Nguyễn Hà Linh đã bỏ dở chuyện học hành tại Đại học Hà Nội để mở một trung tâm tiếng Anh, lấy tên gọi IBEST. Ý tưởng kinh doanh này đến từ việc yếu tiếng Anh của cô sinh viên này, trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ dạy chính tại Khoa quản trị Kinh doanh mà cô theo học lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, xác định điểm yếu là không được đi du học và có cơ hội cọ xát tại các nước tiên tiến, Linh đã đặt ra mục tiêu phải làm việc với người nước ngoài để nâng cao vốn tiếng Anh, học hỏi và tiếp cận phong cách làm việc của “Tây” từ năm 18 tuổi.

“Tôi làm không vì tiền, mà trước tiên là vì đam mê. Tôi yêu thích thời trang, ăn uống và tiếng Anh”, Linh thổ lộ.

Với niềm đam mê này, không ngạc nhiên khi cô là người đầu tiên khởi xướng mô hình franchise (kinh doanh nhượng quyền) với Cộng Cà phê của ca sỹ Linh Dung, và mở thêm chuỗi cửa hàng Koh Samui sau này.

Nhưng chính trên bước đường kinh doanh, cô gái thường được nhắc đến với câu chuyện “bỏ học kiếm tiền triệu” hay “khởi nghiệp không bằng đại học” đã khẳng định tầm quan trọng của những lý thuyết được giảng dạy trong trường học mà cô đã bỏ lỡ.

“Tôi không cổ súy cho phong trào bỏ học”, Linh nói.

“Hiệu trưởng vô học”

Khi còn làm chuỗi trung tâm tiếng Anh IBEST, Linh vẫn thường bị bạn bè gọi đùa là “hiệu trưởng vô học”.

““Hiệu trưởng vô học” chỉ là lời đùa vui giữa bạn bè thân thiết trên bàn ăn, nhưng câu đùa đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi không cổ súy cho phong trào bỏ học, nhất là khi ngành đầu tiên tôi tâm huyết và quyết tâm khởi nghiệp là ngành giáo dục”, Linh tâm sự.

Việc bỏ học khởi nghiệp khiến Linh mỗi khi làm việc với đối tác là hiệu trưởng, hay các cán bộ cấp cao của Sở giáo dục ngày trước phải nói dối mình là nhân viên chuyên chạy giấy tờ.

Cũng vì bỏ ngang chuyện học hành mà sau này, trong mỗi bước tiến của bản thân, Linh đều thấm thía giá trị của lý thuyết.

Đơn cử như thời điểm lấn sân sang lĩnh vực cà phê, Linh chọn việc mở các quán Cộng Cà phê theo hình thức nhượng quyền hơn là đầu tư riêng một thương hiệu của riêng mình, do cô chưa có kinh nghiệm lẫn nền tảng lý thuyết trong lĩnh vực này.

Việc mở quán theo hình thức nhượng quyền giúp Linh học hỏi khá nhiều từ kinh nghiệm mở quán đến kinh nghiệm quản lý từ ca sĩ Linh Dung – chủ sở hữu thương hiệu Cộng Cà phê.

Mở Cộng Cà phê hơn 1 năm, Linh đã học hỏi được những kinh nghiệm tối thiểu trong lĩnh vực này.


Nguyễn Hà Linh (thứ 2 từ trái sang) cùng các cộng sự.

Nguyễn Hà Linh (thứ 2 từ trái sang) cùng các cộng sự.

“Cộng Cà phê là đứa con tinh thần của chị Dung, nên tôi thấy sự tỉ mỉ và tâm huyết của chị. Tôi thường dõi theo xem chị làm gì, xây dựng một quán như thế này cần những gì, gây dựng như thế nào… Tôi luôn ghi nhớ tất cả trong đầu. Sau này với Koh Samui, tôi cũng may mắn được áp dụng bài học đó”, Linh nói.

“Tôi nghĩ làm thế nào thì làm, có thể phiêu lưu bay bổng nhưng cũng cần bám vào lý thuyết. Vì tôi có sự thực hành rồi nên nhìn lại lý thuyết luôn có sự trân trọng.Tuy không được học ở nhà trường nhưng tôi nghĩ trong sách vở sẽ có những thông tin này”.

Linh cũng khuyên nhủ các bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn hãy xây dựng nền tảng ý thuyết cho bản thân, có thể bằng cách mua các cuốn sách về nhà hàng, khách sạn, khởi nghiệp…

“Với nền tảng kiến thức đó, cộng thêm vốn vật chất và chất xám, các bạn sẽ thành công! Chúng ta không nên chủ quan”, Linh nói.

Nếu được quay trở lại, tôi sẽ học hết đại học

“Nếu được quay trở lại, tôi sẽ cố gắng hoàn thành và lấy tấm bằng đại học của mình. Tôi nghĩ lúc đó tôi mới chỉ cố gắng ở mức 60%, chứ chưa cố gắng hết 100%”, Linh tâm sự.

“Câu chuyện kinh doanh tốn nhiều thời gian, phải hy sinh cái này, cái khác… chỉ là câu chuyện trên mặt báo. Tôi vẫn có thời gian ăn uống với bạn bè, đi chơi, du lịch… Có thể tất cả chỉ là ngụy biện… Có thể nếu cố gắng hết sức, tôi có lẽ vẫn hoàn thành được hai việc cùng lúc”.

Linh cho rằng bản thân mỗi người đều có nội lực có thể làm việc tới 150-200% năng lực của bản thân.Cô gửi lời khuyên tới các bạn trẻ rằng: Việc gì cố gắng được hãy cố gắng hết sức nhất có thể, để sau nhìn lại không còn thấy mình thiếu hụt điều gì.Nếu làm thêm, hãy làm việc mình thích.Nhưng đừng để ảnh hưởng đến việc học.

“Tốt nhất là nên thu xếp làm sao làm được cả 2”, Linh nói.

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM