Chuyện đời người phụ nữ giúp Obama lên đỉnh vinh quang

09/11/2012 11:06 AM | Nhân vật

Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama viết trong một cuốn hồi ký “Bà là một phụ nữ kiên định và táo bạo. Với khao khát kiếm tìm cái mới, bà không chịu bó buộc mình trong những gì đã biết”.

Cuộc sống vốn là một chuỗi dài những mâu thuẫn. Và cuộc đời của thân mẫu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng là sự tổng hợp của rất nhiều điều trái ngược. Bà S. Ann Soetoro, người mẹ trẻ mang học vị tiến sĩ nhân chủng học, là một phụ nữ da trắng đến từ Mỹ nhưng lại yêu tha thiết cuộc sống ở Indonesia. Là con người thực tế nhưng lại đa sầu, đa cảm, ở bà người ta tìm thấy những điều khác biệt, một người mẹ đã nuôi dạy con trai, Tổng thống Mỹ Barak Obama, thành tài.

Cuộc đời bà tuy ngắn ngủi nhưng phải trải qua không ít sóng gió. Hai lần yêu, hai lần kết hôn là hai lần bà phải đau nỗi đau tan vỡ. Những người đàn ông đến nhưng không đem cho bà cuộc sống hạnh phúc không phải bởi họ không tốt mà do bà vốn là người phụ nữ nhiều tham vọng.

Với bà, cuộc sống không phải là mơ và nhiều lần bà phải tự đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới cả cuộc đời và không ít trong số đó thất bại. Là con người đa sầu đa cảm, tuy dễ dàng rơi lệ song người phụ nữ ấy lại cứng cỏi khác thường khi vượt qua bao giông tố cuộc đời, quyết đoán và táo bạo trong công việc.

Tổng thống Mỹ Obama khẳng định, ông ảnh hưởng rất nhiều từ người mẹ quá cố và bà thật sự là một người rất đặc biệt, đặc biệt tới mức khi con trai bà lên nhậm chức, có hẳn một bộ phim tái hiện lại cuộc đời của bà được dựng lên.

Obama và bố.

Có một điều thú vị là bà có tới 4 cái tên, mỗi tên gắn với một chặng cuộc đời bà.

Cô bé Stanley Ann Dunham

Cái tên Stanley, một cái tên đậm chất nam tính, đã phản ánh được ước vọng có được đứa con trai của cha mẹ bà. Cũng vì cái tên Stanley mà suốt thời thơ ấu bà bị bạn bè châm chọc rất nhiều.

Sinh ra trong một gia đình buôn bán nội thất, cha lại là người ưa dịch chuyển, lúc nhỏ bà chuyển nhà tận 5 lần, từ Kansas tới California, đến Texas và cả Washington và ở cho tới trước khi Stanley tròn 18 tuổi.

Sinh sống tại một hòn đảo nhỏ ở Washington suốt mấy năm trung học, từ nhỏ bà đã ham học hỏi và đặc biệt yêu triết học. Bà tham gia một khóa học cao cấp về triết học và thường xuyên lui tới quán cà phê Seattle để nghe luận bàn. “Stanley là một cô gái thông minh, nhưng có vẻ hơi trầm”, một người bạn trung học của bà nhận xét, tuy nhiên, bà rất quan tâm tới bạn bè và không bỏ qua bất cứ sự kiện nào thời đó.

Sau đó, dù bà đỗ vào Đại học Chicago nhưng cha đẻ bà lại không đồng ý vì lo bà còn quá trẻ để tự xoay sở cuộc sống tự lập. Khi bà tốt nghiệp cấp 3, một lần nữa bà phải miễn cưỡng theo gia đình tới lập nghiệp tại Honolulu, Hawaii, và ở đây, nhiều biến động mới xảy đến với cuộc đời bà.

Trở thành bà Barack H Obama

Gặp gỡ và yêu Barack Obama Sr., cha đẻ của Tổng thống Mỹ Obama, sau này là một bước ngoặt đối với bà Stanley. Chuyển tới nơi mới, bà cũng quyết định đổi tên thành Ann cho mềm mại và dễ nghe hơn. Cũng ở đó, bà gặp Obama Sr. trong một lớp học tiếng Nga. Người gốc Phi đầu tiên đi học ở đấy gây ấn tượng vô cùng đặc biệt đối với bà. Khác với bà khi đó, một thiếu nữ khá khép mình thì ông lại là một người vô cùng sôi nổi. Luôn là tâm điểm của đám đông, cậu học sinh da đen thường xuyên được phát biểu trong các cuộc tọa đàm tôn giáo, được một số tờ báo địa phương phỏng vấn và viết bài.

Bố mẹ Obama.

“Ở cậu ấy có một sức lôi cuốn kỳ lạ”, Neil Abercrombie, đại biểu quốc hội Hawaii, từng là bạn đại học của Obama (cha) kể lại “tài hùng biện của cậu ta thu phục được tất cả mọi người, kể cả những người kỹ tính nhất”.

Ông thường là tâm điểm trong những cuộc trò chuyện, luận bàn chính trị, bàn về chiến tranh, về vấn đề bình đẳng... Trong khi mọi người lắng nghe và rôm rả cùng cậu bạn Obama (cha) thì Ann lại chọn cho mình một góc khuất, lắng nghe những câu chuyện của họ từ xa. Hiếm khi Ann phát biểu, mà thường chỉ lặng im quan sát.

Mọi người biết Obama đang qua lại với một phụ nữ da trắng, nhưng họ không quá bận tâm hay soi sét điều đó. Bởi đây là Hawaii, một vùng đất “pha tạp”, có nghĩa là không có sự cấm đoán một người da trắng yêu một người da màu. Và nếu như ở các bang khác, việc kết hôn với người da màu khi đó là một điều cấm kị thì ở đây luật pháp hoàn toàn chấp thuận điều đó.

Và ngày 2/2/1961, vài tháng sau ngày quen nhau, cha mẹ Obama đã chính thức kết hôn tại Maui. Khi đó, Ann đã mang bầu Obama 3 tháng. Bạn bè không ai biết về đám cưới của họ cho đến tận sau này. Không ai hiểu vì sao hôn lễ lại được bí mật tổ chức như vậy, thậm chí cả Obama sau này cũng không được mẹ kể về điều đó. “Nếu bà chưa qua đời, có thể tôi sẽ hỏi rõ bà về điều này”, ông Obama từng chia sẻ.

Và cậu bé Obama ra đời, mang trong mình hai dòng máu Mỹ và Kenya. Khi con trai vừa tròn 1 năm tuổi, cha ông quyết định tới Harvard để tham gia khóa học tiến sĩ kinh tế. Và rồi, cha của Obama muốn quay trở lại Kenya để xây dựng quê hương và ông muốn đưa vợ con theo. Tuy nhiên, biết ông đã có một người vợ trước ở đó, bà Ann không theo ông. Bất đồng quan điểm đã khiến cuộc hôn nhân tan vỡ.

Điều mà bà làm là điều vô cùng mới mẻ thời đó, chưa có một phụ nữ da trắng nào kết hôn với một người da màu, sinh con và ly hôn như bà. Quyết định táo bạo khiến cuộc sống của Ann khó khăn hơn. Người phụ nữ thiệt thòi này phải gồng mình để trang trải tiền thuê nhà và nuôi con một mình. Đáng lẽ, cô gái trẻ ấy hoàn toàn có thể nhồi nhét vào đứa con trai đầu lòng là Obama lòng hận thù người cha. Nhưng không, Ann vẫn dạy con yêu người cha ở xa và thường xuyên giữ liên lạc với ông.

(Còn nữa)

Theo Trịnh Duy
Zing/Infonet

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM