Chuyện chưa kể về “ông vua đồ chơi” của Việt Nam

26/10/2012 12:44 PM | Nhân vật

Ông là một trong số những người đầu tiên mang ý tưởng về Việt Nam sản xuất đồ chơi trẻ em và biến nó thành hiện thực.

Người đầu tiên mang đồ chơi về Việt Nam

Sinh năm 1946, từng có thời gian phục vụ trong quân đội từ năm 1979 đến những năm 2000, kỹ sư Hà Trọng Dũng (ngụ số 41, phố Hàng Đậu, Hà Nội) được mệnh danh là "ông vua đồ chơi của Việt Nam".

Cái duyên với đồ chơi của ông bắt nguồn từ những năm 1966 - 1967. Hồi ấy, ông đang là giáo viên dạy vẽ kỹ thuật thuộc loại giỏi của trường trung cấp Cơ khí 2 (Hà Nội). Năm 1988, ông rời quân ngũ và đi học tiếng Anh khi gần 40 tuổi. Lúc đó, phía Tổng cục Dạy nghề tuyển chuyên gia tiếng Anh. Hà Trọng Dũng tham gia thi rồi bắt đầu làm công tác phiên dịch tiếng Anh trong lĩnh vực y tế tại Irắc.

"Thời gian đầu sang Irắc, hễ có thời gian là tôi đi thăm thú các bảo tàng lịch sử, nhà thờ và la cà các cửa hàng đồ chơi trẻ em. Khi vào các cửa hàng đồ chơi, ban đầu chỉ là thích thú, càng xem tôi càng có suy nghĩ khi về Việt Nam nhất định sẽ phải sản xuất đồ chơi trẻ em", kỹ sư Hà Trọng Dũng chia sẻ.

Những năm 1984 - 1985, nhân có một sự tình cờ, người bạn, vợ của ông tên là Quang, công tác tại công ty Sách và Thiết bị trường học Hà Nội, biết ông từng là giáo viên dạy kỹ thuật và say mê đồ chơi nên đã ngỏ ý nhờ ông thiết kế một vài đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em. Ông bảo, lúc ấy, trẻ em Việt Nam hầu như không có đồ chơi. 

Thêm nữa, suy nghĩ cứ lởn vởn trong đầu ông, ám ảnh ông hàng tháng: Tại sao người ta lại phải nhờ kẻ ngoại đạo như ông thiết kế đồ chơi?. Theo ông biết, lúc đó công ty không hề có đồ chơi phục vụ các em học sinh. Kỹ sư Hà Trọng Dũng phân trần: "Tôi đau đáu với điều này lắm vì thấy ở Việt Nam không ai quan tâm tới nơi vui chơi cũng như đồ chơi cho trẻ em. Điều đó thôi thúc tôi phải sản xuất đồ chơi cho trẻ em".

Nói là làm, nhận nhiệm vụ làm đồ chơi, chỉ một thời gian ngắn sau, những đồ chơi bằng gỗ được phía công ty và các em học sinh rất chuộng và thích thú như la bàn, xích đu, bập bênh, cầu chui, xà đơn xà kép, con quay gió,... Ông đã tự bỏ tiền thuê thêm thợ hàn để hoàn thiện các mẫu đồ chơi phức tạp hơn. Ông kể: "Từ năm 1991 - 1994, tôi nuôi thêm hai thợ hàn, mỗi que hàn ngày ấy có giá 2.000 đồng. Ngày đó, tôi vận động gia đình mở nhà trẻ ngay tại gia, các em trực tiếp được chơi những đồ chơi mới sáng chế. Trẻ con chính là nguồn tạo cảm hứng trực tiếp cho tôi nên ít gặp thất bại trong mỗi sản phẩm. Ở các nơi khác, người ta thiết kế đồ chơi theo kiểu mô phỏng nên dễ thất bại".

Đồ chơi của kỹ sư Hà Trọng Dũng nổi tiếng từ đó, ông là một trong số những người đầu tiên có ý tưởng sản xuất đồ chơi ở Việt Nam. Sản phẩm của ông rất đa năng, tuy nhiên, ông luôn chú trọng đến hiệu quả rèn luyện sức khỏe của đồ chơi với trẻ em.

Có nhiều người cho ý tưởng thiết kế đồ chơi và mở nhà trẻ tại gia là gàn dở nhưng với ông, nó thỏa mãn niềm say mê và khả năng thiết kế đồ chơi tài tình của ông. Sau khi đồ chơi được tung ra thị trường và tiêu thụ tốt, đến năm 1998, kỹ sư Hà Trọng Dũng quyết định thuê đất ở khu Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội) để thành lập xưởng sản xuất đồ chơi. Cuối năm 1998, nhận lời thiết kế sân chơi Vườn cổ tích của Đài truyền hình Việt Nam, ông đã chế tạo đồ chơi, cây hạt dẻ, đồ dùng liên tiếp trong 5 buổi ghi hình đầu tiên và nhận được rất nhiều sự khen ngợi. Đây cũng là một trong những chương trình giúp kỹ sư Dũng hoàn thiện ý tưởng phát triển đồ chơi cho trẻ từ  tiểu học, THCS lên THPT.

Thành công với niềm đam mê của mình, nhưng trong ông lúc nào cũng  tiếc nuối về những điều chưa làm được. "Nếu cứ thuần túy làm đồ chơi vì lợi nhuận thì cứ bán đồ chơi cho hệ mầm non cũng đủ sống. Tuy nhiên, mình là người sáng chế, cung cấp ý tưởng, phải làm sao tạo ra được những đồ chơi đa năng", ông Dũng tâm sự. Theo đó, ông cũng là người thiết kế tổ hợp đồ chơi đa năng hỗ trợ vận động cho người cai nghiện ma túy. Hiện nay, khi đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông lại thiết kế thêm một sản phẩm ghế, giường đa năng mang ký hiệu HD 70 dành cho những người có tuổi ở cuối cuộc đời.

Hiện nay kỹ sư Hà Trọng Dũng có riêng một xưởng sản xuất đồ chơi với diện tích hơn 1.000m2 ở Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội). Có thể nói, danh hiệu "ông vua đồ chơi" ở Việt Nam mà nhiều người ngưỡng mộ gọi ông quả không sai. Khi đồ chơi còn xa lạ với trẻ em Việt Nam thì ông đã có ý định mở xưởng sản xuất, tự thiết kế. Tất cả đồ chơi do ông sáng tạo thì trẻ, già, người nghiện hay yếu đều có thể sử dụng được.

Thành công là vậy, nhưng ông kỹ sư già vẫn luôn băn khoăn không có người kế tục việc làm đồ chơi cho trẻ em. Ông cứ nhắc mãi về sự vô tâm của người lớn với trẻ em khi bắt các em học quá nhiều mà quên mất các em đang ở tuổi ăn, tuổi chơi.

Tổ hợp vận động đa năng dành cho mỗi người và mọi người

Vợ là hậu phương vững chắc

Đối với ông, nếu không có người vợ tần tảo cùng những đứa con ngoan ngoãn, ông sẽ không có ngày hôm nay. Ngày ấy, gần 40 tuổi ông mới đi học ngoại ngữ, ông vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của vợ. Bà còn tạo mọi điều kiện tốt nhất để chồng "thỏa chí đam mê, học hỏi". Học được một thời gian, Tổng cục Dạy nghề tổ chức thi tuyển người đi Irắc làm phiên dịch y tế, dù chưa thông thạo tiếng Anh, nhưng vợ ông vẫn động viên ông đi thi. Nghe vợ, ông đi thi và trúng tuyển trước sự vui mừng khôn xiết của cả gia đình.

Ngày ấy có một người trong Đà Nẵng đi cùng đoàn đi nước ngoài, đến gần ngày lên đường lại hủy bỏ nên người ta cho ông đi trước. Về nhà ông vui mừng thông báo với vợ. Nói đến đây, ông nở nụ cười rạng rỡ nhớ về một thời đã xa: "Nghe xong, gương mặt vợ tôi hơi tái, bà ấy bất ngờ vì không nghĩ ngày phải xa chồng lại nhanh đến vậy. Nỗi buồn chưa kịp tan, vợ tôi vừa làm việc nhà vừa hỏi khi nào anh đi, sau đó kéo tôi đi mua những vật dụng cần thiết cho chuyến đi xa vài năm ấy".

Mỗi khi nhắc tới vợ, ánh mắt ông luôn hiện rõ niềm hạnh phúc, mãn nguyện. Ở cái tuổi gần 70 nhưng ông luôn dành cho vợ mình những tình cảm thiết tha, trìu mến như thuở ban đầu mới quen biết. Bằng giọng vui vẻ, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện nên duyên vợ chồng: "Đó là năm 1972, lúc ấy, tôi đang là giáo viên của trường cơ khí, qua sự giới thiệu, rủ rê của bạn bè, tôi mới quen biết cô ấy. Đến nhà chơi bằng chiếc xe đạp Shanghai đi mượn, tôi ngoan cố, luôn ngồi lì ở nhà cô ấy đến cuối cùng. Ngoài tài trồng cây si, tôi tìm cách lấy lòng ông bố và cả nhà, thế là nên duyên vợ chồng".

Với bản tính hiền lành, chiều chồng con hết mực nên khi ông đi Irắc về, có một ít vốn bà không giục ông mua đất cát, nhà cửa ngay. Khi nghe ông nói về ý tưởng, kế hoạch sáng tạo đồ chơi cho trẻ em bà đã ủng hộ hết mình. Vì ngày ấy, ý tưởng và kế hoạch của ông nhiều người nghe đều cho rằng "hâm".
Thời điểm ấy, những người thức thời, có tiền người ta chỉ nghĩ đến việc mua đất, mua nhà... để được giàu thêm. 

Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, bà xin về nghỉ hưu non (khi ấy bà đang làm kế toán của nhà máy chế tạo điện cơ Hà Nội) để mở nhà trẻ tại gia. Mục đích mở chính là để ông có cơ hội quan sát thực tế, khơi gợi sự sáng tạo... Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, nhà trẻ của gia đình ông thu hút được tới 20 cháu.

Có nhiều gia đình, con mới được 1 tháng, nhưng nói dối là ba tháng để được gia đình ông trông coi, đó là bé Trà My. Khi bố mẹ Trà My mang em đến gửi ở nhà trẻ của ông, nhìn cô bé vẫn còn đỏ hỏn, bé xíu, ông biết bé chưa đủ tuổi nhưng vẫn nhận trông giúp. Trông được một thời gian, bố mẹ cô bé mới thú nhận sự thật Trà My mới được một tháng tuổi. Hay có gia đình vài tháng nữa con mới chào đời cũng đã đến đăng kí trước... Ngay cả các con ông, mỗi khi được nghỉ học cũng đều ở nhà phụ giúp gia đình trông nom trẻ nhỏ.

Tầng một là nhà trẻ, tầng 3 là nơi làm việc của ông. Mỗi lần quan sát các cháu nhỏ vận động, chợt nảy sinh ý tưởng gì, ông lại chạy về phòng làm việc thiết kế. Nhờ khả năng quan sát tinh tế cùng óc sáng tạo thiên tài, chỉ sau một thời gian ngắn, ông cho ra đời hàng loạt đồ chơi cho trẻ nhỏ: Mâm quay, đu quay, cầu trượt... rất phù hợp với lứa tuổi ấy. 

Từ đồ chơi cho lứa tuổi mẫu giáo, ông tiếp tục phát triển sáng tạo đồ chơi cho cấp tiểu học, cao dần lên trung học, phổ thông và đồ chơi cho người lớn... Với ông, việc học là quan trọng nhưng học không đi kèm với chơi thì không thể giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn học vấn được.   

Theo Dương Yến - Hồng Mây
Người đưa tin

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM