Chủ tịch Tập đoàn Việt Á: Doanh nghiệp chỉ bền vững trong môi trường minh bạch, công bằng

13/10/2012 21:33 PM | Nhân vật

Dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay đến đúng vào giai đoạn đầy khó khăn với giới doanh nhân Việt Nam. Không ít doanh nghiệp, doanh nhân đã "gục ngã" trước những con sóng liên hồi của "cơn bão" kinh tế.
 
Vậy doanh nhân Việt Nam cần làm gì để chứng minh giá trị của mình? Làm thế nào để doanh nghiệp trụ vững, gượng dậy và vươn lên trước những bão táp của thời cuộc?
 
Đó là những câu hỏi chúng tôi đã đặt ra với bà Phạm Thị Loan, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội.

Khám đúng "bệnh", uống đúng "thuốc"!

- Thưa bà, với góc nhìn của một doanh nhân, bà nghĩ thế nào về thời cuộc khó khăn hiện nay?                    

- Cơn khủng hoảng kinh tế trên bình diện toàn cầu hiện nay có tác động vô cùng nặng nề. Các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng trầm trọng, đang rất lao đao. Rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản, đình đốn sản xuất.
 
 Thế nhưng, khó khăn cũng có khía cạnh tích cực. Nó sẽ giúp chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, kiểm nghiệm lại mình. Đây là dịp "khám sức khỏe" và thử thách tiềm năng một cách tổng thể.
 
Doanh nghiệp Việt Nam, hay nói rộng hơn là nền kinh tế Việt Nam, sẽ nhìn ra được những căn bệnh, những điểm yếu của mình, để từ đó nếu có được những "liều thuốc" tốt, chúng ta sẽ sửa chữa, phục hồi và hoàn thiện mình hơn.
 
Tất nhiên, có nhiều doanh nghiệp đang bị "chết oan", bị phá sản không hẳn do họ yếu kém mà là do những khó khăn chung đã tác động quá mạnh, quá sức của họ.

-  Trước những khó khăn cho doanh nghiệp, vừa qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, về tiền thuê đất... Vậy hiệu quả của những chính sách ấy hiện nay ra sao, thưa bà?

-  Chính phủ đã nỗ lực đưa ra các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế còn nhiều vấn đề.
 
Thứ nhất, về vốn vay, Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, nhưng thực tế là ngân hàng vẫn phải áp dụng các quy tắc của mình, doanh nghiệp phải đủ các điều kiện thì ngân hàng mới cho vay.
 
Trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa khó mà đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.
 
Thứ hai, hiện nay nhìn chung các doanh nghiệp đều đang giảm sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, không có thu nhập, không có lãi, vì thế, việc được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 cũng khó mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
 
Thứ ba, mặc dù Chính phủ đã có chính sách giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2012, nhưng tôi được biết, đến tháng 9-2012, tại các địa phương, doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng chính sách này.
 
Ngoài tiền thuê đất ra, doanh nghiệp sẽ phải nộp cả tiền thuế đất phi nông nghiệp. Như thế, trên một mảnh đất được thuê, doanh nghiệp phải chịu hai loại chi phí.

Phải tạo ra môi trường lành mạnh để doanh nghiệp vươn lên bằng chất xám

- Theo bà, trở ngại lớn nhất đối với công việc kinh doanh của doanh nhân tại Việt Nam hiện nay là gì?

Đó là luật pháp của chúng ta còn chưa hoàn thiện, phong cách làm việc của bộ máy hành chính chưa thật chuyên nghiệp, chưa thật minh bạch, duy tình chứ không duy lý... Những yếu tố ấy tạo môi trường cho sự thiếu công bằng còn đất để tồn tại.
 
Doanh nhân còn phải dựa vào các mối quan hệ cá nhân để ganh đua. Thậm chí, có những doanh nhân chẳng lo tạo ra những cơ chế vận hành doanh nghiệp khoa học, hiệu quả, tạo ra các sản phẩm tốt, mà chỉ lo tác động chỗ này, chỗ kia để mưu lợi cho mình.

Khi nào, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam chính thức vươn lên bằng giá trị chất xám, bằng việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn với giá rẻ hơn, thì khi ấy nền kinh tế của chúng ta mới vững mạnh và có sức cạnh tranh tầm quốc tế.

- Bà nghĩ gì về lợi ích nhóm còn đang tồn tại trong giới doanh nhân Việt Nam?

- Nhìn trên diện rộng, chúng ta đã thấy những đóng góp ngày càng quan trọng, đầy trách nhiệm của doanh nhân cho đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có rất nhiều phong trào từ thiện, các nghĩa cử gây xúc động.

Nói tới lợi ích, phần lớn mọi người đều mong muốn lợi ích cho mình. Ví dụ như, nếu quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của chúng ta không được thực hiện một cách minh bạch, đúng đắn và cẩn trọng, thì sẽ có những doanh nhân chớp lấy cơ hội này để tự thoát hiểm cho riêng mình, đẩy khó khăn cho các doanh nhân khác, cho toàn xã hội.     

Yếu tố quan trọng nhất để tránh việc lợi ích của một cá nhân hay một nhóm người xâm hại tới lợi ích của cộng đồng hay toàn xã hội, chính là các công cụ luật pháp, các chính sách phải bảo đảm đúng đắn, minh bạch, công bằng và nghiêm minh.
 
Quá trình xây dựng luật và thực thi luật phải được thực hiện chuẩn mực.

 - Tính chủ động của doanh nhân Việt Nam để vượt khó trong cơn bĩ cực này là như thế nào, thưa bà?

- Doanh nhân Việt Nam cũng mang tinh thần vượt khó của người Việt Nam. Như đã nói ở trên, khó khăn cũng là cơ hội để mỗi doanh nhân tự nhìn lại mình, sửa chữa mình, cải thiện doanh nghiệp của mình.
 
Quan trọng nhất là phải thay đổi, chuyển hóa về tư duy, hướng đến những giá trị chất xám, cốt lõi, bền vững.
 
Tập đoàn Việt Á của chúng tôi cũng đang tái cơ cấu lại hoạt động. Trước đây, chúng tôi có 12 công ty, nay thu hẹp chỉ còn 7 công ty, trong đó có 3 nhà máy, tập trung vào mảng sản xuất, kinh doanh chính là vật liệu - thiết bị điện. Trước đây, chúng tôi có 2000 công nhân, giờ chỉ còn hơn 1000 công nhân.
 
Trong lúc khó khăn này, quan trọng nhất là phải khơi dậy được niềm tin. Mọi người phải sẵn lòng đồng cam, cộng khổ, nỗ lực lao động thì nhất định sẽ có tương lai tốt đẹp.
 
Có những thời điểm, chúng tôi tưởng mình không đứng vững, nhưng rồi cũng đã từng bước vượt qua. Hy vọng, tất cả doanh nghiệp của Việt Nam đều vượt qua được khó khăn này, để lại đưa kinh tế đất nước phục hồi nhịp độ phát triển.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

Theo Hồ Quang Phương
QĐND

duchai

Cùng chuyên mục
XEM