Chủ tịch Sơn Hà: 'Hội nhập AEC, Việt Nam chưa thể có ngay nhiều tỷ phú'

03/11/2014 15:18 PM | Nhân vật

“Chúng ta phải đợi nhiều năm sau. Nhiều doanh nhân, sao sáng khác sẽ sinh ra và đi lên từ khó khăn", ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ.

AEC – Cuộc chơi muộn và giấc mơ tỷ phú

- Theo các chuyên gia, năm 2015 có thể có những thỏa thuận đầu tiên về AEC. Vậy mà mới đây, theo một khảo sát, có tới 76% doanh nghiệp không biết gì về AEC. Bây giờ các doanh nghiệp nói trên mới tiếp cận AEC thì liệu có muộn quá không?

Ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc tế Sơn Hà: Trong sự hội nhập mà Việt Nam luôn ở thế yếu hơn thì bao giờ chúng ta cũng đối diện với các vấn đề thiệt thòi, thậm chí là tụt hậu so với các đối thủ. Nếu có sự chuẩn bị càng sớm càng làm cho mình đỡ vất vả hơn.

Câu chuyện hội nhập thì ngày mai chúng ta đã chính thức bước vào rồi. Việc hội nhập AEC như hiện nay là tình huống khá muộn. Hy vọng khi bước vào hội nhập, ta sẽ có những tháo gỡ nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại của mình, và làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam có được cơ hội để chia sẻ lợi ích. Khi hội nhập sẽ mở ra lợi ích chung, đất nước nào có hệ thống doanh nghiệp mạnh thì sẽ hưởng lợi được nhiều hơn. Còn nếu chúng ta yếu, cũng sẽ hưởng lợi, nhưng ít hơn, thậm chí có thể bị khai thác mất vùng tiềm năng, lẽ ra là của chúng ta.

Hôm nay không còn kịp để hoạch định một cái gì ghê gớm nữa, thì hãy bình tĩnh, hãy chấp nhận cuộc chơi và hãy chờ đợi. Bên cạnh những khó khăn đó thì môi trường phải thay đổi. Trong khó khăn sẽ sinh ra được cơ hội.

Hơi buồn là Việt Nam sẽ khó có thể là một nước có nhiều tỷ phú. Giấc mơ trở thành nền đại kinh tế nhảy vọt và có nhiều đại tỷ phú là không có.

- Ông nói Việt Nam khi hội nhập sẽ không có nhiều tỷ phú. Xin ông giải thích thêm.

Nếu chưa hội nhập, chúng ta có các chính sách bảo hộ. Nếu có chính sách bảo hộ hoặc các chính sách hỗ trợ cho doanh nhân, doanh nghiệp một cách thỏa đáng, sẽ tạo ra các trụ cột cho nền kinh tế.

Ví dụ, Hàn Quốc đã có những hoạch định rõ nét để xây dựng lên các tập đoàn kinh tế làm các cột đỡ cho cả nền kinh tế Hàn Quốc và họ cần khoảng 20 năm để chuẩn bị. Khi có kế hoạch rồi, họ sẽ dốc toàn lực để phát triển đội ngũ này. 

Đến khi hội nhập, các tập đoàn nước ngoài lớn đương nhiên sẽ chiếm ưu thế. Như thương vụ Metro bán cho tập đoàn Thái Lan vừa rồi chẳng hạn, Việt Nam không thể nằm mơ có được hệ thống bán lẻ như thế. Các lĩnh vực khác từ điện tử, cơ khí, ô tô hay thương mại... đều khó khăn. 

[Xem thêm: Thị trường bán lẻ Châu Á: hấp dẫn nhờ AEC]

- Sau khi hội nhập AEC, thị trường lao động sẽ dịch chuyển tự do. Theo ông, điều này tác động thế nào đến thị trường lao động Việt Nam – hiện đang có tỷ lệ thất nghiệp ở mức đáng báo động?

Thị trường lao động chia ra 2 loại: Một là lao động có tri thức, hàm lượng chất xám cao, kỹ thuật cao sẽ từ các nước đến. Số lượng này không có nhiều, chủ yếu ở cấp chuyên gia và quản lý. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thuê được nhân công dễ dàng và có thể rẻ hơn.

Hai là lao động giá rẻ - chiếm chủ yếu trong thị trường lao động Việt Nam. Khi hội nhập, chúng ta lại dễ dàng luân chuyển đội ngũ này ra các nước trong khối ASEAN. Tôi nghĩ đến một hy vọng vui vui là khi hội nhập vào các nhà máy, xí nghiệp, các công xưởng của các nước xung quanh, lao động của chúng ta có thể học được cái gì đó, quay trở lại hòa nhập với nền kinh tế của mình.

- Ông nói sau khi gia nhập AEC, doanh nghiệp chúng ta sẽ thuận lợi hơn trong việc thuê lao động kỹ thuật cao từ các nước khác. Sơn Hà thì sao? Hiện Sơn Hà đã tuyển nhân sự cấp cao từ nước ngoài?

Chúng tôi đã tuyển rồi. Trước khi hội nhập, chúng tôi đã tuyển những lao động từ Đài Loan, Trung Quốc và ở những cấp rất cao. Việc hội nhập này, tôi nhìn nhận với doanh nghiệp tôi là cơ hội. Còn nếu nhìn ra cả xã hội, cả thị trường lao động của mình nói chung thì câu chuyện hội nhập đan xen cả vui lẫn buồn.

Không có hội nhập, chúng ta sẽ mãi ứng xử theo văn hóa làng, xã

- Doanh nghiệp của ông đã có chuẩn bị nào cho AEC?

Sự chuẩn bị của chúng tôi đã có từ lâu. Chúng tôi có thị trường Âu Mỹ và thị trường các nước khác trên thế giới khá lớn.

Tại ASEAN, trước nay chúng tôi có xuất khẩu một ít vì thị trường ASEAN chủ yếu liên quan đến giá cả, và cũng cạnh tranh gay gắt, khốc liệt. Nếu ASEAN dỡ bỏ thuế quan thì cũng tạo thuận lợi một chút, giúp chúng tôi xuất khẩu được khả quan hơn. Nhưng chủ yếu chúng tôi vẫn trông đợi vào thị trường khác.

- Với Sơn Hà, liệu lợi nhuận từ thị trường ASEAN có bằng thị trường khác?

Thị trường này tiêu chuẩn không cao, dễ tính hơn, nhưng cạnh tranh khốc liệt hơn. Nhìn chung là tương quan 50 – 50. Chúng ta cứ hình dung nó giống như một quốc gia mở rộng và chúng ta sẽ kinh doanh cao hơn thị trường nội địa của mình một chút, nhưng sự cạnh tranh sẽ diễn ra hết sức sôi động. Chỉ có điều chúng ta có tâm thế sẵn sàng cho cạnh tranh hay không. Nếu chúng ta có tâm thế đó, chúng ta sẵn sàng bước vào cuộc chơi.

- Theo ông, AEC có tác động thế nào tới các doanh nghiệp?

Sẽ tạo ra xúc tác để cạnh tranh. Giờ mở ra, tất cả hội nhập vào với nhau thì sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đứng trước sự tồn vong ấy, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải vươn lên, phải tự nâng trình độ của mình lên. Trong sự cọ xát khủng khiếp ấy, ví như 5 năm sau, sự trưởng thành sẽ rất rõ rệt. Nhưng nếu không có sự hội nhập, cạnh tranh này, mãi mãi chúng ta sẽ ứng xử theo văn hóa làng, xã với nhau.

Chúng ta muốn thắng ngay trận đầu, nhưng điều đó không thể xảy ra nữa rồi, thì chúng ta đợi nhiều năm sau. Giống như thời Pháp thuộc ngày xưa, trong một thời kỳ bị kìm kẹp, phân biệt như thế, một đất nước như vậy vẫn còn sinh ra được những doanh nhân nổi tiếng như Bạch Thái Bưởi. Rất nhiều ngôi sao sáng khác sẽ sinh ra và đi lên từ khó khăn.

Việc chúng tôi chấp nhận đánh đổi ở đây là chúng tôi không kỳ vọng vào một sự toàn thắng cho trận đầu. Nhưng khi chúng ta hội nhập, chúng ta chấp nhận cuộc chơi này thì chúng ta phải thay đổi. Và cái người ta kỳ vọng nhất là sự thay đổi thể chế. Thể chế của chúng ta phải được tương thích, tương đồng với khối ASEAN, sẽ cởi mở hơn và được đối xử một cách công bằng và theo thông lệ hơn.

- Xin cảm ơn ông!

>> Ra biển rộng, doanh nghiệp chọn đối đầu hay đối tác?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM