Chủ tịch Phú Thái Group: Xông lên dù cơ hội chiến thắng chỉ 1%

26/10/2012 10:41 AM | Nhân vật

"Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam có thể chiến thắng trong chiến tranh, nhưng lại chưa thể quật cường về kinh tế" - doanh nhân Phạm Đình Đoàn trăn trở.

- Nổi tiếng là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ nhưng ít ai biết ông từng là dân nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân nào dẫn tới sự chuyển hướng này?

- Tôi có may mắn được học hành, đào tạo bài bản, cả trong nước lẫn nước ngoài. Khi còn làm nghiên cứu, trong những lần đi xa, tôi thực sự ngạc nhiên trước tiềm lực của các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài.
 
Cả một hãng sản xuất ô tô, một bệnh viện, một nhà hàng, siêu thị lớn… đều thuộc quyền sở hữu của tư nhân, do tư nhân điều hành. Việc phân phối hàng hóa trong các siêu thị mặc dù của tư nhân, nhưng được vận hành, phân phối rất chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại sao nước mình lại không tổ chức được những hệ thống phân phối chuyên nghiệp như vậy, trong khi người cần bán không biết bán cho ai, người cần mua không có địa chỉ tin cậy để tìm tới? Thực sư lúc ấy tôi cũng thấy bức bối, cần phải thay đổi. Do vậy, khi về nước, tôi quyết định dừng việc làm cũ, bắt đầu kinh doanh. Ban đầu thực sự rất khó khăn, mình vừa phải quản lý, vừa làm nhân viên, tìm kiếm bạn hàng… Nhưng dù sao, đó cũng là một lựa chọn đúng đắn.

- Gần 20 năm trong nghề, ông thấy làm phân phối ở Việt Nam như thế nào?

- Phải nói là rất khó. Khi chúng ta tính được chuyện phải làm bán lẻ một cách chuyên nghiệp thì cũng là lúc phải mở cửa cho nước ngoài. Nay họ vào ngày một nhiều, áp lực càng ngày càng lớn. Kinh doanh ngành này có 3 yếu tố quan trọng: vốn, kinh nghiệm và thị trường. So cả 3 mặt này thì doanh nghiệp Việt hoàn toàn ở thế yếu.

Vốn mỏng, doanh nghiệp ta không thể đi “trồng cây”, 5 - 10 năm mới thu hoạch như nước ngoài được. Vì thế mà phải trồng “giống ngắn ngày”, nếu không khéo thì lại manh mún, khó phát triển. Doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam bây giờ, doanh thu một năm may ra được 50 - 100 triệu USD. Trong khi lợi nhuận quý của một tập đoàn như Walmart đã là 5 tỷ.

Rồi kinh nghiệm nữa. Anh không “chết” khi có 3 - 4 cửa hàng, siêu thị, mà chết khi có 30 - 40 cái bởi hàng hóa có thể mất cân đối rất nhanh. Quan trọng hơn là thị trường. Nguyên tắc “mua rẻ - bán rẻ” thì ai cũng biết. Nhưng thị trường của doanh nghiệp nước ngoài lớn, họ có thể mua giá rẻ hơn. Nhiều khi giá họ bán ra còn thấp hơn cả giá mình mua vào. Người lạc quan thì bảo mình am hiểu thị trường trong nước hơn, nhưng tôi nghĩ không hẳn đúng. Nhà đầu tư ngoại họ cũng nghiên cứu kỹ thị trường mãi rồi, có khi hiểu cả mình rồi họ mới vào.

Như tôi thấy ở Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc, muốn thành công phải có nỗ lực 50 : 50, tức là doanh nghiệp cố gắng một, nhà nước hỗ trợ một. Ở Việt Nam thì chưa được như vậy, hỗ trợ vẫn còn mờ nhạt lắm. Mà như thế thì doanh nghiệp Việt Nam khó thắng, dù có ở trên sân nhà..

- Vậy ông cũng như những doanh nghiệp bán lẻ khác tại Việt Nam đang phải làm gì để tồn tại và phát triển?

- Thẳng thắn mà nói nếu cạnh tranh sòng phẳng thì doanh nghiệp Việt chắc chắn thua. Nhưng chúng ta vẫn có cơ hội khi đi vào các thị trường ngách, những mặt hàng thiết yếu với đời sống của người tiêu dùng. Bản thân chúng tôi cũng đang đầu tư vào chuỗi cửa hàng phục vụ 24/7 trên toàn quốc. Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 cửa hàng nhỏ lẻ như vậy. Nếu tập hợp được một phần trong số họ, thống nhất thương hiệu, tôi tin có thể thành công, mặc dù chi phí ban đầu là không nhỏ.

Một cách khác là liên kết với nước ngoài vì xét về mọi mặt, họ đều hơn mình. Mà nếu muốn liên kết thì phải làm ngay, bởi chỉ vài năm nữa, khi các cam kết hội nhập được thực hiện đầy đủ, nhà đầu tư nước ngoài có thể tự do, “sống khỏe” mà không cần hợp tác với nhà phân phối Việt Nam.

- Từng nhiều năm là lãnh đạo Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, rồi toàn quốc, ông thấy tình hình doanh nghiệp hiện nay ra sao?

- Khó khăn thì có lẽ báo chí cũng nói nhiều rồi. Nhưng cảm nhận chung là nhiều doanh nhân cảm thấy bí bách. Giống như bác sĩ thấy bệnh nhân mà không thể chạy chữa. Tiếp xúc với nhiều bạn doanh nhân, tôi thấy phần đông họ đều mong muốn đột phá, cần có đất để phát huy. Tuy nhiên, khi gặp điều kiện kinh tế khó khăn, rồi cơ chế chậm thay đổi, nên có người sinh ra chán nản, chẳng muốn làm gì nữa.

Tôi và nhiều doanh nhân khác thực sự vấn muốn tiếp tục. Ngoài chuyện kinh doanh, còn muốn làm nhiều điều khác cho đất nước. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy đi kinh doanh không còn là lo kiếm tiền cho bản thân mình. Chúng tôi rất muốn tham gia những chương trình theo kiểu “từ thiện kiến thức, từ thiện kinh nghiệm” để giúp vực dậy tinh thần cho các bạn trẻ. Biết đâu trong số đó lại có không ít những người tiên phong sau này.

- Vậy theo ông, để giải quyết những vấn đề hiện nay của Việt Nam, hay cụ thể là nền kinh tế, cần bắt đầu từ đâu?

- Việt Nam có lẽ đang phải đối mặt với cả một núi khó khăn trước mắt. Sẽ cần rất nhiều đầu tàu để kéo nền kinh tế qua khỏi những trở ngại ấy. Do đó, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, cần rất nhiều những người tiên phong. Việt Nam có lẽ cần một chiến lược cụ thể, không phải là sử dụng nữa, mà là trọng dụng nhân tài. Người tài cần được tập hợp lại, được đào tạo, được trao cho cơ hội. Trong chuyện kinh doanh cũng vậy, dù là thành phần kinh tế nào cũng nên được đối xử một cách công bằng, có cơ hội phát triển như nhau.

Đôi lúc tôi tự hỏi tại sao Việt Nam có thể chiến thắng trong chiến tranh, nhưng lại chưa thể quật cường về kinh tế như nhiều nước khác. Hay có lẽ đã đến lúc người ta cần đưa phim chiến tranh vào các giáo trình kinh tế. Như vậy thế hệ trẻ có thể học được nhiều điều, dám xông lên cho dù cơ hội chiến thắng chỉ là 1%.

Theo Nhật Minh
Vnexpress

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM