Chủ tịch HĐQT Alphanam: Xây dựng "Nguồn lực quan hệ" là rất quan trọng

05/02/2011 12:57 PM |

Đầu xuân, chúng tôi đã có buổi trò chuyện khá cởi mở với ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam, về những trải nghiệm của 1 doanh nhân thành công.

Alphanam không phải là 1 cái tên xa lạ, tuy nhiên ông Hải lại rất ít xuất hiện trên truyền thông. Hỏi ông về điều này, ông dí dỏm nói "ăn thì không nói, nói thì không ăn, vừa ăn vừa nói là nghẹn".

Xin chào ông, đầu tiên xin ông cho biết tại sao ông chọn tên doanh nghiệp là Alphanam? Và cái tên đó liên quan gì tới triết lý điều hành doanh nghiệp của ông?

Khi xây dựng công ty, lúc đó trong suy nghĩ của tôi đã hình thành ra một số tiêu chí để xây dựng một thương hiệu không phải chỉ cho một đời mình mà còn phải tồn tại hàng trăm năm, giống như các thương hiệu ở Tây.

Chẳng hạn như đặt tên cho Công ty là phải không có dấu để bất kỳ nước nào cũng có thể đọc được và dưới 8 chữ cái (Theo một tiêu chí quốc tế)

Tôi đặt chữ A đầu là theo vần Anpha – hàm ý là luôn có tham vọng là người đứng đầu.

Bên cạnh đó, triết lý của tôi là xây dựng một chuỗi lợi ích đồng hành. Mối quan hệ là xây dựng theo nguyên tắc công bằng.

Tôi có công thức điều hành riêng trong vấn đề quản trị nhân sự 80% - 20%. Điều đó có nghĩa là 80% nhân sự cần ổn định, và 20% nhân sự là cần đào thải, thay thế liên tục.

Ông đánh giá thế nào về xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, và Alphanam phải chuẩn bị những gì cho xu thế đó?

Khi Việt nam gia nhập vào WTO, là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp chúng tôi càng thấm thía được thời cơ và thách thức của nó.

Thấy được đối thủ của mình giờ cũng đã mang tầm quốc tế, và bắt đầu phải đối mặt thực sự. Tôi luôn suy nghĩ trong mình khi hoạt động trên thương trường khi đối mặt với đối thủ là phải đánh thắng hoặc là cầu hòa chứ không để thua. Nếu đánh thắng được thì phải quyết tâm đánh thắng bằng được, nếu thấy không thể đánh thắng thì nhất định phải cầu hòa.

Cụ thể, với sản phẩm thang máy Fuji thì Anphanam hiện nay là đứng số 1 tại Việt Nam về doanh thu, sơn Anphanam thì vượt qua nhiều đối thủ nhưng còn rất nhiều khó khăn trước những đối thủ khác đến từ Nhật, và chúng tôi đang liên doanh với một công ty của Nhật Bản để gia tăng sức mạnh cho mình.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn nào đáng nhớ nhất của những ngày đầu khởi nghiệp của mình?

Tôi thì lại cho rằng, ngày đầu khởi nghiệp là quãng thời gian thuận lợi nhất. Lúc đó, tài sản của tôi bắt đầu từ con số 20.000 USD vào năm 1995. Tôi tiến hành thành lập công ty, những khoản chi phí lớn nhất lúc đó là thành lập doanh nghiệp, chi lương cho anh em, và mua tấm biển của Công ty hoành tráng (cười).

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh lại tốt, năm sau cao gấp nhiều lần năm trước. Tôi cho rằng, ngày đầu thành lập nghiệp của tôi rất là tốt, vào thời gian đó đất nước mới mở của nên thế hệ của chúng tôi có rất nhiều thuận lợi.

Bây giờ hoạt động kinh doanh mới thấy khó khăn hơn, và mức độ khó thì ngày càng tăng lên theo thời gian.

Kỷ niệm ấn tượng nhất là khi tôi định hướng chiến lược phát triển cho Công ty trong 5 năm đầu tiên thành lập, và đó là chiến lược tôi cho rằng rất đúng đắn. Từ bước đột phá đó, tôi mới có được thành công của Anphanam ngày hôm nay.

Lúc đó tôi thực hiện chiến lược với 3 tiêu chí:

- Đầu tiên là làm thương mại tốt, xây dựng mối quan hệ, khách hàng và lựa chọn sản phẩm

- Sau đó là đầu tư vào mảng dịch vụ

- Cuối cùng là hoạt động sản xuất

Với chiến lược phát triển công ty 5 năm đầu như vậy, chúng tôi đã gặt hái được rất nhiều thành công, chỉ trong 4 năm Công ty đã lọt vào top 10 doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất Việt Nam.

Khi những thuận lợi của cơ chế mở cửa ban đầu nhanh chóng qua đi, ông tiếp tục vận dụng những gì để xây dựng Alphanam thành công?

Mỗi một giai đoạn, Anphanam trải qua những khoảnh khắc khó khăn khác nhau, vượt qua cái “Nguy” rồi tiến tới cái “Cơ”. Những điều mà Alphanam có được như ngày hôm nay đều là quyết tâm xây dựng được đội ngũ trí thức trẻ ngay từ ngày đầu tiên của Ban lãnh đạo Công ty.

Trong hai nguồn lực mà bất kỳ CEO nào cũng quan tâm và chú trọng đó là tài chính và nhân lực. Thì còn một nguồn lực khác cũng rất quan trọng mà các sách lý thuyết bắt đầu phải nhắc đến đó là “nguồn lực quan hệ”.

Anphanam cũng không nằm ngoài mối quan tâm đó, và xây dựng "nguồn lực quan hệ" trên 3 tiêu chí:

- Tin cậy: Quan hệ bằng chữ “Tín”

- Hợp tác cùng có lợi – Chuỗi lợi ích đồng hành

- Vận dụng chính sách, cơ chế, thời cơ,…đây là mối quan hệ đặc thù của Việt Nam

Mỗi một cá nhân, tổ chức có những cách xây dựng các mối quan hệ bằng cách khác nhau, mục tiêu khác nhau. Alphanam có cách xây dựng riêng của mình, và trong tương lai việc xây dựng những mối quan hệ này ngày càng quan trọng hơn.

Quay trở lại với câu chuyện của Alphanam năm 2010, thương vụ phát hành cho đối tác chiến lược GEM và trái phiếu không chuyển đổi lợi tức 15% cho MB (NH Quân đội) đều có vẻ khá trục trặc, ông có thể nói rõ hơn?

GEM là trường hợp đáng tiếc khi cả hai bên đã đi đến thống nhất được rất nhiều việc, nhưng quả thực là khâu thủ tục hành chính tại Việt Nam đã làm cho đối tác Mỹ rất bức xúc.

Phía đối tác GEM của Mỹ cho rằng họ rất khó khăn khi vào thị trường Việt Nam. Phải mất 6 tháng họ mới có thể mở được tài khoản tại Việt Nam sau khi đã qua rất nhiều thủ tục. Và trong khoảng thời gian lập tài khoản đó, diễn biến thị trường đã có nhiều thay đổi, khi đó giá mua của GEM là giá 90% giá thị trường. Với 90% giá thị trường bây giờ thì HĐQT của Công ty không muốn bán cho GEM với mức giá đó nữa.

Về phía GEM thì họ đã ký một hợp đồng tổng thể 3 năm, trong bất kỳ thời điểm nào mà mình muốn bán thì chỉ cấn phát hành thư. Gói hợp đồng đó có giá trị 579 tỷ đồng (tương đương 30 triệu USD) trong vòng 3 năm.

Thương vụ này không phải là chấm dứt hẳn mà chỉ tạm thời dừng lại do giá cổ phiếu rẻ, nên chúng tôi chưa quyết định bán trong thời điểm này.

Về phát hành trái phiếu cho MB, câu chuyện này lại cũng bắt nguồn từ nguyên nhân thủ tục chính sách. Lúc mà làm thủ tục thì MB đồng ý mức 15%. Nhưng qua các lần đại hội, các thủ tục cần xin thì lại mất 3-4 tháng.

Tại thời điểm đó lãi suất 12-13% thì 15% có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay lãi suất là 19-20% là quá cao cho nên vụ phát hành đã không thành công.

Hiện nay, cả Alphanam và MB đang có những bước tiến quan trọng trong đàm phán lại lãi suất. Có thể thời điểm ra Tết Nguyên đán thì sẽ phát hành lại.

Năm 2010, Alphanam đã thực hiện 1 thương vụ M&A khá "lặng lẽ" với Công ty viễn thông Thăng long (TLC), ông đánh giá thương vụ này thế nào? và nhận xét của ông về xu hướng này trên thị trường trong thời gian tới?

Về TLC, nói thật đây là 1 sai lầm trong lĩnh vực đầu tư tài chính của tôi trong năm nay. Chúng tôi đã đánh giá sai về TLC, hiện nay công ty này không còn gì đáng giá. Lỗ lũy kế lên đến 100 tỷ, dây chuyền máy móc lạc hậu không đáng giá, đất cát thì đi thuê và giấy tờ pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Có thể nói là chúng tôi sẽ phải vực lại DN này từ con số âm.

Tuy nhiên, cái còn lại của TLC là có sự thuận lợi về ngành nghề mà chúng tôi có thế mạnh như cáp, sản xuất điện,…

Chúng tôi phải thay máu cho doanh nghiệp này, thay đổi lại nhân sự chủ chốt , đẩy doanh nghiệp hoạt động lành mạnh hơn, minh bạch hơn. Sau khoảng 3 năm thì TLC mới có thể hoạt động kinh doanh có hiệu quả lại được. Nhưng tôi tin là chỉ 3 năm TLC sẽ trở thành 1 công ty tốt.

Làn sóng M&A trên thị trường trong thời gian tới sẽ hết sức hấp dẫn. Thị trường chứng khoán chính niềm tin và sự sợ hãi, niềm tin của người này thì cũng là sợ hãi của người khác và ngược lại.

Khi niềm tin đầu tư lướt sóng trên thị trường chứng khoán không còn hấp dẫn, không thu lại được lợi ích gì như mong muốn. Người ta sẽ chú trọng đến việc đầu tư giá trị hơn. Lúc đó, M&A, thôn tính, sáp nhập sẽ diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, sẽ xảy ra hai loại sáp nhập và thôn tính.

Ông có thể cho biết thêm về kế hoạch tái cấu trúc Alphanam và tăng vốn điều lệ từ 438 tỷ lên 1979 tỷ? tại sao phải tái cấu trúc và việc đó sẽ gây ra ảnh hưởng gì tới công ty?

Thực chất Alphanam Group đang hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính (chủ yếu là M&A). Trong đó, khối sản xuất công nghiệp (hiện đang có 2 công ty niêm yết với mã chứng khoán là ALP và AME) của Alphanam được biết đến nhiều nhất với thương hiệu như thang máy Fuji, sơn Alphanam, còn hai khối không nằm trong khối niêm yết là lĩnh vực về đầu tư và bất động sản của Alphanam thì còn chưa được nhiều người biết đến.

Chính vì thế, năm 2011 là năm chúng tôi tái cấu trúc lại hệ thống của Alphanam, có thể sẽ có hai hoặc ba khối sáp nhập lại với nhau. Hiện chúng tôi đang thuê đơn vị tư vấn để thực hiện nhiệm vụ này.

Với việc tái cấu trúc này, thứ nhất là các mô hình công ty sẽ mang tính chuyên môn hóa cao. Các đơn vị sẽ chuyên biệt về các mảng của mình như đầu tư tài chính, bất động sản, sản xuất công nghiệp,…

Thứ hai là, trong quá trình mua bán công ty trong 4 năm vừa qua thì nhiều công ty có hai, ba chức năng trong cùng một công ty, bây giờ phải tái cơ cấu lại để những công ty này trở thành công ty chuyên môn hóa.

Các công ty con sẽ hoạt động chuyên môn hóa và sẽ niêm yết dần trên thị trường chứng khoán. Hệ thống Alphanam sẽ có thế mạnh hơn khi được tạo dựng với thế kiềng ba chân vững chắc.

Mong muốn của ông trong những năm tới với Alphanam?

Tôi cho rằng, cái được của Alphanam ngày hôm nay chưa nhiều nhưng cũng đã lớn hơn nhiều bản thân mình mơ ước.

Tham vọng của cá nhân tôi không quá lớn, chỉ cần Công ty phát triển ổn định và bền vững, tồn tại lâu dài là nguyện vọng số 1. Ước mơ chi tiết hơn là cái gì mà Alphanam đã làm là phải trở thành số 1 ở Việt Nam. Chẳng hạn như thang máy Fuji là số 1, sơn thì đang còn nhiều khó khăn trước đối thủ từ nước ngoài. Còn đối với bất động sản thì để trở thành số một là hơi khó, tuy nhiên, tôi cũng đang đi những bước đi đầu tiên để lọt vào Top đầu ở Việt Nam.

Xin hỏi ông 1 câu nữa, ngoài công việc ông có sở thích cá nhân gì? Ông thường làm gì khi không làm việc?

Khi tôi không làm việc, tôi thường dành thời gian cho gia đình, tôi có hai sở thích đó là Shoping (mua sắm cho mình và cho gia đình) và nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình. Hiện nay tôi đã bắt đầu dọn sang nơi ở mới sau 3 năm xây dựng. (1 tòa nhà biệt thự có phong cách khá độc đáo, nổi bật tại phố Mai Hắc Đế - PV)

Trường Giang - Kiều Thuật

(thực hiện)

tungdn2

Cùng chuyên mục
XEM