Chủ tịch FPT Capital: Tôi làm việc vì sự hoàn hảo chứ chưa bao giờ làm vì thăng tiến

16/02/2015 10:07 AM | Nhân vật

“Tôi nhận ra rằng, thành công không phải là làm những việc to lớn, mà là làm những việc nhỏ theo một cách rất hoàn hảo”

Tóm tắt:

- Chủ tịch HĐQT của CTCP Quản lý quỹ FPT chia sẻ quan điểm sống cho rằng thành công không phải là làm những việc to lớn, mà là làm những việc nhỏ theo một cách rất hoàn hảo

- Làm việc vì sự hoàn hảo chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thăng tiến lên vị trí lãnh đạo cao nhất

- Dưới sự lãnh đạo của vị Chủ tịch trẻ và đội ngũ nhân viên, FPT Capital đã vượt qua những lùm xùm của 2 năm trước, có lãi trở lại và là một trong số ít những công ty quản lý quỹ tại Việt Nam.


Năm 2011, CTCP quản lý quỹ FPT gây xôn xao dư luận khi dính vào những vụ lùm xùm quanh việc sử dụng vốn. Điều đó dẫn đến một kết quả kinh doanh không khả quan trong năm 2012 và gần như cả bộ máy điều hành đã bị miễn nhiệm. Sau vài năm im hơi lặng tiếng, gặp Chủ tịch mới của công ty – ông Ngô Thanh Hải, chúng tôi được biết, FPT Capital giờ đã ổn định và sắp sửa có những bước cất cánh mới.

Vị Chủ tịch hiện tại của FPT Capital sinh năm 1982 và được bổ nhiệm vào vị trí này từ 2 năm trước với vai trò là người đại diện cho 49% vốn cổ phần của cổ đông Nhật Bản SBI Holdings. In. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Thanh Hải cho hay, chìa khóa để tái cơ cấu thành công công ty này là sự tập trung, quy chuẩn.

“Thông minh là điều kiện cần thiết - chăm chỉ, chịu khó tìm tòi là chìa khóa dẫn đến thành công bền vững”

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, ông Hải sang Nhật Bản du học. Đó có thể nói là bước ngoặt trong cuộc đời người thanh niên 22 tuổi lúc đó khi được sống và làm việc cùng với những người Nhật Bản cần mẫn, cẩn trọng và tỉ mỉ. “Quy chuẩn” mà ông nói đến trên kia được đúc kết từ sự quan sát và học tập phong cách người Nhật Bản. Theo vị Chủ tịch của FPT Capital, một sản phẩm tốt không cần thiết phải xuất phát từ một ý tưởng tốt, mà từng bộ phận, từng chi tiết của sản phẩm đó phải tốt.

“Tôi phần nào hiểu được tại sao nước Nhật được như ngày nay. Họ rất chăm chỉ, chi tiết. Và tôi nhận ra rằng, thành công không phải là làm những việc to lớn, mà là làm những việc nhỏ theo một cách rất hoàn hảo. Họ luôn chịu khó lắng nghe, sẵn sàng xin lỗi, nhận lỗi về mình và luôn đặt địa vị của mình vào vị trí của người khác”

Quan điểm này đã trở thành tư tưởng lãnh đạo của ông Ngô Thanh Hải khi ông đặt yêu cầu về sự chăm chỉ, bền bỉ, gắn bó là cốt lõi lên trước sự thông minh trong khâu tuyển chọn nhân viên cho công ty.

“Tôi đánh giá rất cao những nhân viên chăm chỉ. Người lãnh đạo là người quan trọng vì họ tạo ra định hướng, vạch ra quy trình và công ty sẽ thành công khi những nhân viên chăm chỉ làm việc tuân thủ theo quy trình đó.”

Vậy có bao giờ ông sa thải một nhân viên khi họ không đạt được quy chuẩn của công ty? Hơi ngần ngừ nhưng ông Hải cho biết chưa từng sa thải nhân viên nào.

Tôi cho rằng nhân viên làm việc không tốt là do mình chưa sắp xếp họ ở đúng vị trí. Người lãnh đạo phải hiểu nhân viên, biết họ thích gì, hợp với công việc nào. Từ đó, mình xây dựng quy trình công việc và đặt họ ở vị trí hợp lý để có thể phát huy hết khả năng của họ”

Và như thế, ông Hải đã, đang và sẽ xây dựng nên một FPT Capital quy chuẩn, chuyên nghiệp nhưng đoàn kết gắn bó như một gia đình.

“Làm việc vì sự hoàn hảo chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thăng tiến lên vị trí lãnh đạo cao nhất”

Khi còn là sinh viên, ông Hải đã kinh doanh thiết bị học ngoại ngữ tại trường đại học của mình. Tiền thu được, ông tiếp tục “thử” đầu tư chứng khoán với một vài mã cổ phiếu cơ bản như VNM và VCB. Khoản đầu tư được ông nắm giữ suốt 2 năm ở nước ngoài và khi về Việt Nam, chúng đã đem lại cho ông một khoản lời đáng kể. Khởi nghiệp may mắn này khiến ông Hải quyết tâm đi theo ngành tài chính chứng khoán.

Rời khỏi vị trí trợ lý, trưởng phòng kinh doanh cho trưởng đại diện một công ty sản xuất của Nhật Bản, ông Hải bắt đầu làm quan hệ nhà đầu tư cho công ty quản lý quỹ, phân tích đầu tư tại công ty Bảo hiểm, rồi đến các công ty chứng khoán… Trong quá trình làm việc tại các công ty Việt Nam, mặc dù tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đầu tư nhưng ông Hải thấy rằng không thể tận dụng hết khả năng của bản thân, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ. Cuối cùng, ông đã chọn bến đỗ là tập đoàn SBI Holdings của Nhật Bản và sau một thời gian làm việc, ông được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch của FPT Capital, đại diện cho phần vốn của cổ đông SBI này.

Phải công nhận con đường công danh của mình rất “thênh thang” và suôn sẻ nhưng ông Ngô Thanh Hải thành thật chia sẻ:

“Tôi không bao giờ nghĩ mình làm việc để thăng tiến. Tôi chỉ đơn thuần là làm những việc mà mình yêu thích, và khi làm, phải làm hết khả năng để hướng tới sự hoàn hảo.”

Cái sự “làm hết khả năng” ấy không những là tận tâm với công việc, chăm chỉ và tỉ mỉ như những người Nhật Bản mà ông Hải khâm phục mà còn là việc không ngừng đầu tư cho “nghề”. Cho đến nay, vị Chủ tịch này đã có tất cả các chứng chỉ cần thiết trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Không phải là người yêu thích nghiên cứu chuyên môn nhưng ông Hải tự buộc mình phải đạt đầy đủ các tiêu chuẩn cần có khi làm nghề.

Sự chuẩn bị về mặt kiến thức cùng kinh nghiệm làm việc đã đem lại quả ngọt cho ông Hải.

“2 năm trước, khi tròn 31 tuổi, tôi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT của FPT Capital. Đối diện với một công ty đang tồn tại nhiều vấn đề, tôi áp lực lắm. Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi quyết định nhìn nó theo một hướng khác. Nó là một thử thách mới mà tôi phải vượt qua để trưởng thành hơn trong con đường sự nghiệp.”

Vũ khí của ông khi đó là gì? Ông Hải cười nhớ lại, lợi thế lớn nhất lúc đó của Tân chủ tịch là ông không có gì cả, không có cả đường lùi. Bởi thế, động lực đối với bản thân càng lớn hơn, không còn cách nào khác là phải đối mặt với thử thách này.

“Mình biết tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt. Mình hiểu người Nhật thích gì, cần gì. Mình có thể xây dựng lại niềm tin đối với cổ đông Nhật Bản, làm cầu nối cho họ với doanh nghiệp Việt Nam – tôi đã nghĩ như vậy và bắt tay ngay vào việc đánh giá lại FPT Capital, giải quyết những việc cần thiết.” – ông Hải kể lại.

Và một FPT Capital mới mẻ sau cơ cấu

Sự nỗ lực của vị Chủ tịch trẻ cùng với đội ngũ nhân viên đã giúp công ty quản lý quỹ FPT lấy lại niềm tin của các cổ đông lớn.

“Sau 2 năm, SBI đã thấy tin tưởng và giao cho ban lãnh đạo hiện tại phát triển những kế hoạch dài hơi hơn. Họ cũng đã xin gia hạn đầu tư tại Việt Nam.” – ông Hải vui mừng cho biết.

Sau những năm thua lỗ, đầu tư dàn trải, kinh doanh lĩnh vực không có nghề, năm 2014, FPT Capital đã báo lãi trở lại và là một trong số ít những công ty quản lý quỹ có lãi trên thị trường.

Phát huy thế mạnh từ các cổ đông SBI Group và FPT – những tập đoàn tài chính, công nghệ lớn của Nhật Bản và Việt Nam, công ty đã tập trung đầu tư vào các công ty liên quan đến công nghệ. Ông Hải cho biết, FPT Capital đánh giá rất cao triển vọng phát triển của mảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Gần đây nhất, cổ đông lớn SBI đã trở thành cổ đông lớn của CTCP Công nghệ Sen Đỏ (Sendo) – một thành viên của FPT online. Trong thời gian tới, FPT Capital sẽ trở thành cầu nối cho các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đến với thị trường Việt Nam.

Đồng thời, công ty cũng sẽ phát triển mạnh về mảng quản lý tài sản ủy thác cho nhà đầu tư cá nhân. Loại hình này rất phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, việc quản lý tài sản ủy thác cá nhân tại các công ty quản lý quỹ nhiều khi chỉ phục vụ cho những người trong nội bộ. Đó không phải là sự phát triển có tính dài hạn.

“Tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều người có tài sản hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Với khối tài sản lớn như vậy, việc ủy thác quản lý cho một công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp là điều cần thiết và đem lại hiệu quả lớn hơn” – ông Hải đánh giá.

Tạm biệt chúng tôi khi ngày đã muộn, Chủ tịch của FPT Capital tiếp tục quay lại làm việc. Ông nhắn nhủ, “câu chuyện của mình không có gì hấp dẫn, mình chỉ muốn qua đó nói với các bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp rằng: không có gì quan trọng bằng sự chăm chỉ và toàn tâm với công việc. Đó là chìa khóa của sự thành công”.

>> Đừng lấy tiền bạc làm thước đo thành công

Bảo Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM