Chân dung Tân Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc

15/11/2012 12:27 PM |

Tiểu sử của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Theo kết quả cuộc họp phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành TW khóa mới được tổ chức sáng nay (15/11), ông Tập Cận Bình chính thức được bầu vào vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay thế cho ông Hồ Cẩm Đào.  Ông Tập cũng được bầu làm chủ tịch Ủy ban quân ủy trung ương. 

59 tuổi, ông Tập sẽ kế thừa vị trí của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để lãnh đạo 82 triệu đảng viên trong nhiệm kỳ mới.

Xuất thân 

Ông Tập Cận Bình, sinh ngày 1 tháng 6 năm 1953 tại Bắc Kinh, là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, gia đình gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. 

Ông tốt nghiệp Cử nhân Chính trị Học viện Khoa học Xã hội, Đại học Thanh Hoa, Kỹ sư Hóa chất, Thạc sỹ, Tiến sỹ Luật. 

Gia nhập Đảng Cộng sản (1974-1983)

Tháng 1 năm 1974, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Tháng 1/1969-1975, ông Tập tham gia hoạt động tại đại đội Lương Gia Hà, xã Văn An Dịch, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, giữ cương vị Bí thư Chi bộ Đảng.

Từ năm 1975 đến 1979, ông là sinh viên học tập tại Trường Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh. 

Từ năm 1979 đến 1982, làm Thư ký Văn phòng Quốc vụ viện và Thư ký Văn phòng Quân ủy Trung ương. Năm 1982-1983, Phó Bí thư Huyện ủy huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc. 

Bước chân lên vũ đài chính trị (1983-2007)

Từ năm 1983 đến năm 2007, ông đã trải qua các chức vụ tại:

Tỉnh Hà Bắc: 2 năm (1983-1985)

- Bí thư Huyện ủy huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc (1983-1985); 

Tỉnh Phúc Kiến: 17 năm (1985-2002)

- Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (1985-1988); 

- Bí thư Thị ủy Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến (1988-1990); 

- Thường vụ Thành ủy thành phố Phúc Châu, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (1990-1993); 

- Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến, Bí thư thành phố Phúc Châu, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Phúc Châu (1993-1995); 

- Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Bí thư thành phố Phúc Châu, Chủ tịch HĐND Thành phố Phúc Châu (1995-1996); 

- Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến (1996-1999); 

- Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Kiến, Chủ tịch lâm thời tỉnh Phúc Kiến (1999-2000); 

- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Phúc Kiến (2000-2002); 

Tỉnh Triết Giang: 5 năm (2002-2007)

- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Triết Giang (2002-2003); 

- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Triết Giang (2003-2007); 

Thành phố Thượng Hải: 7 tháng (3/2007-10/2007)

- Bí thư Thành phố Thượng Hải (2007). 

Năm 1998-2002, tiếp tục học tại Đại học Thanh Hoa và lấy bằng Tiến sỹ Luật.

Hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc

-  Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (22/10/2007 – nay).

Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 15, Ủy viên Chính thức Trung ương Đảng các khoá 16, 17. Tháng 10 năm 2007, tại Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương; được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.

- Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (15/3/2008 – 15/11/2012).

Ngày 15 tháng 3 năm 2008, được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông được phân công làm Tổng Chỉ huy công tác tổ chức Olympic Bắc Kinh khai mạc lúc 8 giờ 8 phút tối ngày 8 tháng 8 năm 2008.

- Bí thư Thành ủy Thượng Hải (15/3/2007 – 27/10/2007).

- Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (18/10/2010 – 15/11/2012).

Ngày 18 tháng 10 năm 2010, Hội nghị Toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5, khóa 17, Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh đã bầu Tập Cận Bình giữ chức Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương - đây là cơ quan chỉ đạo và quyết định mọi hướng đi của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Quan điểm chính trị

Tập Cận Bình là người ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, nhưng khá thận trọng về cải cách chính trị; phát triển Trung Quốc với việc duy trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản và việc cần thiết duy trì ổn định xã hội. 

Quan điểm chung của Tập Cận Bình về người làm "quan" là: "Mỗi cán bộ chính quyền cần phải luôn luôn ghi nhớ: quyền lực của chính quyền nhân dân bắt nguồn từ nhân dân, phải đại biểu cho lợi ích của nhân dân, phải vì nhân dân mưu lợi ích". 

Về đối ngoại, khi sang thăm Mexico, ông có bình luận: "Có một số người nước ngoài buồn tẻ, với cái bụng căng tròn, những người chẳng có gì hay ho hơn là chỉ ngón tay vào chúng tôi Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu Cách mạng; thứ 2 Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo; và thứ 3, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?". 

Nhiều người đã nhận định, nếu ông trở thành người đứng đầu Trung Quốc, hẳn ông cũng sẽ cứng rắn trong các vấn đề quan hệ quốc tế không kém gì người tiền nhiệm. 

Cựu thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu từng đánh giá: "Ông Tập Cận Bình là một người thận trọng đã từng nếm trải rất nhiều gian nan, khổ cực"... "Tôi xếp ông ấy vào mẫu người như Nelson Mandela. Một người đàn ông với sự tiết chế cảm xúc đến kinh ngạc, một con người không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của mình tác động đến các quyết định đưa ra".

Nhà bình luận chính trị Cao Trí Khai (Bắc Kinh) nhận định: "Ấn tượng chung về Tập Cận Bình là, ông là một người rất thận trọng”, “Trước công chúng, ông ấy rất cẩn thận. Ông ấy không phải là người dễ thể hiện cảm xúc, ít nhất là trước công chúng”.

Gia đình


Tập tin:Tập Trọng Huân và vợ.gif
Cha và mẹ của Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình là con trai cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân (1913-2002), là hạt giống đỏ, được quy hoạch từ nhỏ. 

Phu nhân là ca sĩ Bành Lệ Viện, một ca sĩ, mang hàm thiếu tướng của lực lượng văn công Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. 

Hai ông bà còn có một con gái là Tập Minh Trạch. 

Khó khăn và thách thức trong nhiệm kỳ mới

Ông Tập Cận Bình là lãnh đạo thuộc thế hệ mới kế cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bổ nhiệm trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 1999 với sự trì tệ của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu – hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. 

Bộ máy lãnh đạo mới sẽ phải chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tập trung vào tiêu dùng và ổn định xã hội. 

Đất nước với 1,3 tỷ dân đang phải đối mặt với bất ổn xã hội liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai, tham nhũng và chênh lệch giàu nghèo.

Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM