CEO Thiên Minh Group: 99% các bạn khởi nghiệp sẽ thất bại

27/01/2015 09:00 AM | Nhân vật

Đây là chia sẻ thẳng thắn của doanh nhân Trần Trọng Kiên – Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Group) - người từng gây shock khi mua lại hãng hàng không Hải Âu và bỏ trăm tỷ nhập 2 chiếc thủy phi cơ đầu tiên về Việt Nam.

Nội dung nổi bật

- Dù đã có một ý tưởng khởi nghiệp tốt, phần lớn những người khởi nghiệp không có cơ hội “kiếm tiền” từ ngân hàng hay những nhà đầu tư.

- Bạn chỉ có thể vay được tiền từ ngân hàng nếu có nhà hoặc ô tô để thế chấp. Bạn chỉ có thể kiếm vốn từ nhà đầu tư khi ý tưởng khởi nghiệp của bạn đã kiếm ra tiền, tức có khả năng thành công cao.

- Khởi nghiệp tại Việt Nam dễ dàng hơn rất nhiều khởi nghiệp tại Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore... dù môi trường cạnh tranh chưa hoàn toàn minh bạch, công khai.


Chia sẻ tại diễn đàn LifeB: Thách thức 2015, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh – nhìn nhận: “Các bạn có một ý tưởng, muốn bắt đầu làm, muốn kinh doanh, khởi nghiệp, hy vọng có một tương lai tươi sáng? Tôi nói thật, 99% các bạn sẽ thất bại”.

Lý do ông Kiên đưa ra là dù cho đã có một ý tưởng khởi nghiệp tốt, phần lớn những người khởi nghiệp không có cơ hội “kiếm tiền” từ những nhà đầu tư.

Đừng mơ vay ngân hàng hay kiếm vốn từ nhà đầu tư

“Giá vốn rẻ nhất là tiền của bạn. Giá vốn này sẽ đắt hơn một chút khi bạn vay ngân hàng và đắt nhất khi kiếm vốn từ các nhà đầu tư khác. Khi nhà đầu tư khác đầu tư vào bạn, người ta kỳ vọng sẽ kiếm được số tiền cao hơn rất nhiều so với ngân hàng kiếm được” – ông Kiên phân tích.

“Cho nên, lựa chọn tốt nhất trong việc tìm nguồn vốn là từ tiền của bạn”.

Kể lại giai đoạn khởi nghiệp của mình, ông Kiên cho biết, kể từ thời điểm khởi nghiệp vào cuối những năm 90s tới năm 2008, ông không hề vay ngân hàng một đồng nào.

Với số vốn ban đầu là 2.000 USD – số tiền tiết kiệm sau cả một mùa hè lao động vất vả, ông đã dồn cả vào việc xây dựng Buffalo Tour – với mũi nhọn là sản phẩm du lịch mạo hiểm kết hợp với trải nghiệm văn hóa, du lịch cộng đồng.

“Tôi hoàn toàn không vay tí nào. Kiếm được bao nhiêu tiền tôi lại đầu tư tiếp, đầu tư tiếp...” – ông kể lại. “Đến tận năm 2008, lần đầu tiên tôi vay ngân hàng là khi mua chuỗi khách sạn Victoria”.

Với thương vụ nói trên, 6 khách sạn và resort Victoria tọa lạc tại những thành phố du lịch nổi tiếng gồm Sapa, Hội An, Phan Thiết, Cần Thơ và Châu Đốc và tại Angkor Wat tỉnh Siem Riep, Campuchia đã về tay Thiên Minh Group với trị giá thương vụ là 45 triệu USD.

“Bạn cần tin rằng tiền của bạn là quan trọng nhất” – ông Kiên khuyên nhủ. “Đừng mơ vay được ngân hàng nếu bạn chỉ có ý tưởng tốt. Bạn chỉ có thể vay được khi bạn mang nhà, ô tô, xe máy đi thế chấp”.

Còn về phía nhà đầu tư, ông nhắn nhủ rằng chỉ khi ý tưởng khởi nghiệp làm ra được một số tiền, tức là khi khả năng thành công rất cao rồi, thì may ra những người khởi nghiệp mới kiếm được tiền từ nhà đầu tư.

“Quan trọng nhất là lấy tiền của mình ở đâu? Các bạn có thể lấy tiền của bố mẹ, vay bạn bè, người thân... Và hãy tin tưởng chắc chắn rằng mình sẽ mất hết số tiền đó, vì xác suất 99% là mất. Đó là vấn đề tài chính của khởi nghiệp” – ông thẳng thắn.

Khởi nghiệp tại Việt Nam dễ hơn nhiều khởi nghiệp tại Mỹ

Chia sẻ về câu chuyện lập công ty tại các nước, doanh nhân Trần Trọng Kiên cho rằng, khởi nghiệp ở Việt Nam có một chút khác biệt.

“Khởi nghiệp ở một số nước khác có thể sẽ dễ dàng hơn về thủ tục. Nhưng ở Việt Nam cần quan hệ, biết người này người kia... Nếu bạn thực sự không có nhiều quan hệ thì rất khó để khởi nghiệp trong nước, hay thành lập được công ty. Có nhiều quy định không rõ ràng về việc người ra quyết định các việc làm sai, làm đúng của các bạn. Đó là vấn đề ở Việt Nam mà các bạn cần cân nhắc khi khởi nghiệp” – ông Kiên nhắc nhở.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, với kinh nghiệm thành lập công ty ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, thì ở Việt Nam khởi nghiệp dễ hơn rất nhiều.

“Chúng ta là nền kinh tế nhỏ, còn nhiều khó khăn, nhất là khi chúng ta chưa hoàn thiện cơ chế thị trường. Luật pháp, chính sách còn phải thay đổi tiếp mới có thể định hình được một môi trường cạnh tranh minh bạch, công khai. Sống trong đất nước này mình phải chấp nhận như vậy. Nhưng trong điều kiện như vậy lại có những cái rất dễ. Còn ở nước khác, khi mọi thứ đã rõ ràng thì cứ theo luật mà làm. Thứ nữa là tại các nước khác, thị trường đã hình thành đầy đủ rồi, việc cạnh tranh rất khó khăn”.

>> Ông Trần Trọng Kiên: Mọi người trong Thiên Minh Group đều bình đẳng với CEO

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM