CEO Nissan: Điều hành 3 công ty tại 3 nước, đem về doanh thu 140 tỷ USD

11/11/2014 11:00 AM | Nhân vật

Carlos Ghosn đang lèo lái 3 công ty xe hơi quốc tế với 3 thứ tiếng khác nhau, chiếm tổng cộng 10% thị phần xe trên thế giới và đem về tổng doanh thu lên đến hơn 140 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.

Một trong những kỳ tích người ta thường nhắc đi nhắc lại khi nói về Carlos Ghosn là việc ông đã “cứu” Nissan, trở thành người hùng của nước Nhật và được đưa vào làm nhân vật chính trong một bộ truyện tranh gồm 7 phần. Thậm chí bộ truyện tranh này còn bán rất chạy.

Có lẽ từ “người hùng” cũng không có gì quá khi nói về Carlos Ghosn, CEO của Renault - Nissan và AvtoVaz dưới góc độ một doanh nhân. Ông sinh ra tại Brazil, mang nửa dòng máu Pháp và nửa dòng máu Li Băng. Thời điểm mới đến Nhật nhận chức CEO Nissan, vốn ngoại ngữ của ông chỉ đủ giao tiếp vài câu đơn giản.

Ghosn đã đưa Nissan từ một công ty đang gánh món nợ lên đến hàng chục tỷ USD trở thành nhà sản xuất ô tô làm ăn phát đạt. Hiện ông còn là chủ tịch hãng sản xuất ô tô của Nga AvtoVaz – một thời nổi tiếng với dòng xe Lada.

Thành công nhiều năm trước khi cứu Nissan có lẽ chưa thấm vào đâu nếu đem so với những gì ông làm được trong thời điểm hiện tại. Carlos Ghosn đang lèo lái 3 công ty xe hơi quốc tế với 3 thứ tiếng khác nhau, chiếm tổng cộng 10% thị phần xe trên thế giới và đem về tổng doanh thu lên đến hơn 140 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.

Ông từng thừa nhận mình sống “gần như một thầy tu”: mọi thứ đều được lên kế hoạch và gửi bằng điện báo. Đó là kỷ luật cần thiết giúp ông có thể điều hành 3 công ty tại 3 quốc gia khác nhau.

Nếu bạn muốn biết ngay Ghosn có kế hoạch gì cho năm tới, chỉ cần hỏi các nhân viên của ông. Ghosn luôn soạn trước lịch trình cho 15 tháng và phân chia thời gian cặn kẽ. Những chuyến bay trở thành thời gian ngủ vì ông biết ngay khi đến nơi, mình sẽ phải giải quyết hàng tá vấn đề.

Một nguyên tắc khác của ông là khi ở nước nào, ông sẽ chỉ tập trung cho công ty tại nước đó mà thôi. Ghosn chia sẻ: “Nguyên tắc của tôi là khi ở Nhật, tôi sẽ điều hành Nissan. Khi ở Paris, tôi sẽ chăm sóc cho Renault và khi đến Nga thì quản lý AvtoVAZ. Tôi không trộn lẫn các nghĩa vụ lại vì tôi muốn đảm bảo tinh thần trách nhiệm và không muốn xảy ra bất cứ nhầm lẫn nào giữa những công ty khác nhau”.

Ông bổ sung thêm rằng đây không phải là con đường dành cho những kẻ mở mộng với tâm hồn tự do: “Nếu muốn không gian cho trí tưởng tượng bay bổng, bạn không nên làm công việc này”.

Điều đó không có nghĩa là Ghosn điều hành 3 công ty theo những hướng hoàn toàn khác biệt. Ông nỗ lực cải tiến các công ty không chỉ về mặt tài chính hay vật chất, mà còn cả văn hóa nữa. Một trong những quy định ông đặt ra ở 3 công ty này là yêu cầu nhân viên phải chủ động trong các cuộc tranh luận. Họ cần đưa ra ý kiến của mình, dù điều đó có thể khiến cuộc họp trở nên căng thẳng.

Ghosn thực hiện quy định trên đối với cả những nền văn hóa chuộng hình thức phê bình sau như Mỹ Latinh hay những nước kiêng kỵ việc đối đầu công khai như Nhật Bản.

Ghosn nhận định: “Tôi cho rằng nên tạo điều kiện để mọi người tranh luận, thuyết trình về các mặt lợi và hại của những lựa chọn khác nhau và cho phép nhân viên truyền đạt những gì muốn. Điều này rất quan trọng, kể cả khi bạn biết chính xác mình muốn làm gì đi chăng nữa”. Đó là vì mọi người đều có cơ hội được lắng nghe và tham gia thống nhất ý kiến. Một khi quyết định được đưa ra, cuộc tranh luận sẽ chấm dứt. Thời gian chính là yếu tố then chốt.

Có lẽ cuộc sống của Ghosn chỉ thích hợp với những “người khổng lồ” phải điều hành các công ty lớn. Tuy nhiên, dù quản lý 3 nhân viên hay 3 công ty thì bạn vẫn luôn cần nghiêm ngặt trong vấn đề phân bổ thời gian và sự tập trung.

Không phải ai cũng có cuộc sống giống như CEO Carlos Ghosn, nhưng ai cũng có thể học hỏi nhiều điều từ ông.

>> CEO Nissan: Đừng sợ nếu phải làm cách mạng

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM