CEO 8X Nguyễn Hoài Phương: Tết mà không chuẩn bị gì thì vẫn cứ vui!

21/02/2015 11:05 AM | Nhân vật

Chị Nguyễn Hoài Phương, CFA, MBA, Giám đốc điều hành Công ty AFTC chuyên về Đào tạo và Dịch vụ Kế toán thuế, làm khơi dậy hình ảnh của một thế hệ đầu 8X dám nghĩ, dám làm và sống hết mình vì đam mê tuổi trẻ.

Có một công việc chuyên môn đáng mơ ước tại một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhưng lại chuyển qua làm giảng viên đại học. Nhận chức phó trưởng khoa chưa lâu thì lại từ bỏ công việc ổn định với tương lai đầy hứa hẹn để dấn thân vào vòng xoáy khởi nghiệp, bắt đầu lại từ con số 0. Chị Nguyễn Hoài Phương, CFA, MBA, Giám đốc điều hành Công ty AFTC chuyên về Đào tạo và Dịch vụ Kế toán thuế, làm khơi dậy hình ảnh của một thế hệ đầu 8X dám nghĩ, dám làm và sống hết mình vì đam mê tuổi trẻ.

Chị có thể chia sẻ thêm về AFTC không? Đối tượng học viên của AFTC là ai? Tỷ lệ CFA Việt Nam so với các nước trong khu vực như thế nào?

Đối tượng học viên của AFTC khá đa dạng, từ những bạn trẻ sinh viên năm thứ 2, thứ 3 mong muốn có được chứng chỉ quốc tế CFA làm hành trang đi xin việc cho tới những anh chị với nhiều năm kinh nghiệm mong muốn có thêm kiến thức tài chính hiện đại để quản lý nhân viên và công việc tốt hơn, theo chuẩn thế giới.

Hiện tại nếu so sánh số lượng CFA Charterholders tại Việt Nam còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực với khoảng 120 người, là những người đỗ cả ba kỳ thi CFA ba cấp độ và đạt tiêu chuẩn về kinh nghiệm làm việc cũng như đạo đức nghề nghiệp. Singapore và Hồng Kông có tới hàng nghìn Charterholders do thị trường tài chính rất phát triển tại đây. Trung Quốc cũng đang phát triển rất nhanh với tận 3 Hiệp hội tại 3 thành phố lớn. Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng thì Việt Nam lại xếp khá cao. Cách đây khoảng 5-6 năm, số lượng Charterholders ở Việt Nam chỉ dưới 10 người. Giờ thì số lượng thí sinh dự thi CFA của ta gấp nhiều lần so với Thái Lan, Malaysia.

Là một nữ CEO lại trong ngành tài chính, ngân hàng, chị cân bằng công việc và cuộc sống như thế nào?

Khái niệm thế nào là cân bằng cũng rất khó cân đo đong đếm, phụ thuộc vào quan điểm từng người. Theo tôi chúng ta đừng chủ tâm đặt quá cao chữ “cân bằng”. Với tôi, cân bằng và hạnh phúc đơn giản chỉ là mỗi sáng thức dậy háo hức được đến công ty để làm việc và khi kết thúc giờ làm thì lại háo hức được trở về với gia đình. Gia đình và công việc là hai tình yêu lớn của tôi và tôi sống vì cả hai.

Gia đình đã hỗ trợ chị ra sao trong sự nghiệp?

Có lẽ nhiều người nhìn lịch làm việc và công tác thường xuyên của tôi thì sẽ thấy chồng con tôi thiệt thòi lắm lắm, vì vào mùa bận thì số lần ăn cơm tối cùng gia đình của tôi mỗi tháng đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng bù lại những thời gian trống trong ngày, trong những mùa vắng, tôi dành hết để bù đắp cho gia đình, cho con. Được cái là nhờ internet và xã hội phát triển nên tôi thực hiện việc chăm lo cho gia đình khá hiệu quả. Những việc không làm được thì nhờ chồng và ông bà giúp. Được cái là mỗi lần đi công tác về, hoặc mỗi buổi tối dạy xong 9-10 giờ về đến nhà, là nhà tôi như có hội, vợ chồng con cái lại quây quần ăn uống nói chuyện vui như Tết, như mấy năm rồi mới gặp. Còn mỗi khi tôi đi thì chồng và con chỉ hơi buồn chút xíu chứ cũng không kêu ca, phàn nàn gì, vì biết mẹ sẽ sớm về, lúc mẹ về sẽ rất vui.

Người mà chị hâm mộ ai?

Người tôi hâm mộ nhất là ai? Kể cũng buồn cười, nhưng không như những bạn trẻ khác hâm mộ các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, từ bé tôi lại chẳng hâm mộ ai trong số đó. Nói cái này ra cũng hơi ngồ ngộ nhưng tôi hâm mộ chồng mình nhất về tính cách (cười).

Làm bạn của nhau 20 năm nay rồi nên chúng tôi rất hiểu nhau. Tất nhiên ông ấy có nhiều tính xấu (ai chẳng vậy), nhưng tôi nghĩ thời nay hiếm có người đàn ông nào có tài, ở độ tuổi còn trẻ nhưng không bao giờ sĩ diện, thể hiện mình hơn người khác, thể hiện mình phải thuộc đẳng cấp này nọ, trong gia đình và cả ngoài xã hội.

Là trụ cột, là bờ vai nương tựa cho cả ba người phụ nữ (vợ và hai con gái) nhưng cần là ông ấy cũng có thể xắn tay áo vào bếp luộc gà, rán nem (sau khi google cách luộc gà thế nào cho ngon), bón cho con ăn, tắm cho con, đổ rác, rửa bát, đi chợ mua rau… không ngần ngại, thậm chí làm rất khéo. Cho tới việc kiên trì dạy con học, và chịu khó lắng nghe vợ kể lể về việc điều hành công ty, đưa ra những lời khuyên chí lý.

Công việc của một CEO khá bận rộn, lại là người giữ lửa trong gia đình, công việc chuẩn bị cho những ngày Tết này như thế nào?

Thực ra Tết cũng không phải quá dài và bây giờ thì cũng không quá cầu kỳ như ngày xưa phải gói và luộc bánh chưng vất vả. Thức ăn nào mua không ngon, không khéo thì tôi “outsource” cho bà ngoại, bà nội mua hộ. Cây quất, cành đào thì chồng lo. Mà bước chân ra khỏi nhà là thấy người bán đủ các đồ cần cho Tết nên cũng dễ. Đối với gia đình tôi, Tết mà có không kịp chuẩn bị gì thì cũng vẫn cứ vui. Vì cả nhà được nghỉ, quây quần, ăn uống bên nhau, được ngủ nướng, được đi thăm họ hàng.

Xin trân trọng cảm ơn chị, chúc chị và gia đình năm mới An khang thịnh vượng!

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM