Cẩm nang đầu tư của tỷ phú Ken Fisher

22/05/2015 15:10 PM | Nhân vật

Nếu phải đưa ra lời khuyên, Ken Fisher muốn nhà đầu tư trẻ đều đọc và áp dụng từ trong cuốn sách “Common Stocks and Uncommon Profits” ra ngoài thực tế, như mình đã làm khi trẻ.

Nội dung nổi bật:

- Ken Fisher là sáng lập, CEO của quỹ đầu tư Fisher Investments và cũng được biết đến qua vai trò phụ trách chuyên mục đầu tư của tạp chí Forbes danh tiếng.

- Cha ông là nhà đầu tư Phil Fisher, cha đẻ của học thuyết tăng trưởng, tác giả của tác phẩm đầu tư kinh điển: “Common Stocks and Uncommon Profits – Cổ phiều thường, lợi nhuận phi thường.”

- Tự hào về cha, Ken Fisher đã đọc cuốn sách này lần đầu tiên vào năm 8 tuổi và phải mất 15 năm sau, cuốn sách đã ảnh hưởng mạnh mẽ và là cẩm nang trong phương châm đầu tư của ông.


Đi theo con đường của người cha – Phil Fisher

Khi New York Times bình chọn cuốn sách “Common Stocks and Uncommon Profits” – Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường - của nhà đầu tư Phil Fisher là một trong những tác phẩm best-seller về đầu tư chứng khoán, với bản tính tò mò của một cậu bé 8 tuổi, Ken Fisher đã đọc nó.

Khi lần đầu tiên đọc cuốn sách, “Tôi đã nguyền rủa nó” Ken Fisher nói. Thật là một sự lãng phí lớn khi bắt đầu một kỳ nghỉ hè bằng việc đọc cuốn sách mà không hiểu gì. Và phải mất mười lăm năm sau để ông mới có thể hiểu nổi.

Có quá nhiều từ ngữ chuyên môn và khó hiểu, khiến ông phải tra từ điển liên tục. Nếu không vì mọi người đều đọc cuốn sách và niềm tự hào về người cha của mình thì có lẽ Ken Fisher đã không đọc tác phẩm này.

Cuốn sách như là một nghĩa vụ bắt buộc lúc ông mới 8 tuổi và khi hoàn thành, ông đã vui sướng để hưởng thụ nốt kỳ nghỉ hè. Nhưng đó lại chính là khởi nguồn cho thành công trên thị trường chứng khoán của Ken Fisher. Tất cả đều bắt nguồn từ sự kiện đọc cuốn sách dạy đầu tư của cha, mặc dù khi đó ông chẳng hiểu gì cả.

Lần thứ hai ông đọc cuốn sách là khi 20 tuổi và chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Và từ sau đó, mỗi khi gặp khó khăn trong việc đầu tư, giải pháp của ông là đọc lại cuốn sách và áp dụng lời khuyên của cha vào trong thực tế.

Nhưng trong khi, người cha luôn luôn là nhà đầu tư chứng khoán tăng trưởng, thì Ken Fisher, với nhiều lý do khác nhau lựa chọn đầu tư chứng khoán giá trị khi trẻ.

Khi đó, Ken Fisher luôn mong muốn mua được cổ phiếu giá hời của các doanh nghiệp quy mô lớn nhưng có một vài lý do gì đó, mà công ty lại không được ưa chuộng bởi Phố Wall. Vì thế, ông kỳ vọng loại cổ phiếu này có thể tăng trưởng bền vững và sẽ bán ra với mức giá đã tăng gấp nhiều lần.

Đơn cử một ví dụ vào năm 1976, ông đã phát hiện ra công ty Nucor, một hãng kinh doanh sắt thép. Ken Fisher đã mua cổ phiếu này và coi đó là khoản đầu tư giá trị. Ngược lại, Phil Fisher cũng kịp thời mua cổ phiếu đó như ông, nhưng lại coi nó là khoản đầu tư tăng trưởng.

Vài năm sau, Ken Fisher đã bán cổ phiếu này và thu được lợi nhuận kếch xù. Còn với Phil Fisher, cha đẻ học thuyết đầu tư tăng trưởng với tiêu chí sẽ không bán ra chỉ vì giá đã tăng quá cao, đã tiếp tục giữ chúng trong vài thập kỷ tới rồi mới bán ra và thu được lợi nhuận lớn hơn “ông con” rất nhiều.

Cho dù là một người hiểu rõ nhất về cha trong kinh doanh thì ông vẫn đọc cuốn sách này nhiều hơn bất kỳ ai. Thậm chí, ngay cả khi đã hiểu rõ về cuốn sách thì khi đọc lại, bạn vẫn có thể tìm thấy được những điều hữu ích.

“Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” giống như một cuốn Kinh Thánh nhỏ về đầu tư và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những nguyên tắc đầu tư tăng trưởng cơ bản. Không những thế, cuốn sách còn là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo các nhà đầu tư chứng khoán hàng đầu của tại Stanford Graduate School of Business.

Nếu muốn đầu tư thành công, hãy đọc cuốn sách này nhiều lần

Có một điều chắc chắn là khó có ai đọc nhiều lần tác phẩm “Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” như Ken Fisher. Ông đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần và nắm bắt tường tận những khái niệm trong cuốn sách.

Trong nhiều năm, ông đã áp dụng những lời hướng dẫn có trong sách với nhiều loại cổ phiếu khác nhau trên thị trường. Nhưng cổ phiếu mà Ken Fisher chọn có thể sẽ không giống và nằm trong danh mục đầu tư của người cha. Vì ông đã vận dụng kiến thức của cha theo cách hoàn toàn riêng.

Từ đó, Ken Fisher đã đưa ra tác phẩm đầu tiên về đầu tư có tên – Super Stocks. Cuốn sách đã trở thành một trong những tác phẩm được bán chạy nhất về thị trường chứng khoán trong năm 1984-1985.

Theo Ken Fisher, cuốn sách của ông không thể so được với tác phẩm kinh điển của người cha. Cuốn sách của Ken Fisher viết về học đàn, còn của người cha là cả một nghệ thuật. Mặc dù, cả hai đều đưa ra những khái niệm mới, nhưng cuốn sách đầu mang ý nghĩa bao trùm hơn và có giá trị lâu dài hơn nhiều.

Trong nhiều năm qua, nhà đầu tư Ken Fisher cũng thường được hỏi rằng nếu có thể cô đọng lời khuyên của cha mình chỉ trong một câu, thì đó sẽ là gì? Câu trả lời của ông là: “Hãy đọc những gì Phil Fisher viết rồi áp dụng vào thực tế và thưởng thức chúng.”

>> Tỷ phú Ken Fisher: 8 điều chỉ những tỷ phú từ tay trắng mới hiểu

Đinh Lộc

Thúy- CTV Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM