Bí quyết làm giàu từ bán những thứ không ai đo được giá trị của ông Hải "đồ cổ"

05/11/2013 13:40 PM | Nhân vật

Khi mua một chiếc bình, người ta có thể tính trong đó có bao nhiều đất sét, bao nhiêu men để ước giá. Nhưng không ai đong đếm với một chiếc bình được dát những hoa văn bằng vàng.

Nội dung nổi bật:

- Doanh nhân Bùi Xuân Hải, Tổng giám đốc công ty Haidoco cho rằng: Sáng tạo là tạo ra những sản phầm không thể đo được giá trị theo cách thông thường. 

- Gốm dát vàng là sản phẩm bước đầu của Hải đồ cổ. Tham vọng sắp tới đây của ông là sẽ dát vàng lên mọi sản phẩm, từ ô tô, điện thoại, cho tới quần áo.

- Công nghiệp sáng tạo là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, khái niệm về công nghiệp sáng tạo vẫn còn rất mơ hồ, chứ chưa nói đến việc xây dựng hạ tầng cho ngành công nghiệp này phát triển.



Trong cuộc Hội thảo về ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam diễn ra ngày 29/10, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, giám đốc chiến lược của tập đoàn FPT định nghĩa sáng tạo với doanh nhân là "hoạt động tạo ra bất kỳ cái gì đồng thời có TÍNH MỚI và ÍCH LỢI".

"Làm sao với một cái giá vừa phải, những đại gia trung bình của Việt Nam, vốn liếng vài chục tỉ đồng cũng có thể sống trong cung vàng điện ngọc thật sự".  

Còn với doanh nhân Bùi Xuân Hải, Tổng giám đốc công ty Haidoco sáng tạo chỉ cần định nghĩa đơn giản: Tạo ra những sản phầm không thể đo được giá trị theo cách thông thường.

Nổi tiếng đất Hải Phòng, doanh nhân được biết đến với cái tên Hải đồ cổ không tao những sản phẩm bình dân. Thay vào đó ông hướng tới phân khúc hàng xa xỉ, bán những sản phẩm gốm dát vàng. Tất cả những sản phẩm của ông, từ bình, lọ, bộ ấm chén,… đều được dát lên những họa tiết bằng vàng 24k.

Lý giải hướng kinh doanh của mình, ông Hải trả lời đơn giản: “Khi mua một chiếc bình, người ta có thể tính trong đó có bao nhiều đất sét, bao nhiêu men để ước giá. Nhưng không ai đong đếm với một chiếc bình được dát những hoa văn bằng vàng”.

Gốm dát vàng cũng mới chỉ là bước đầu của Hải đồ cổ. Tham vọng sắp tới đây của ông là sẽ dát vàng lên mọi sản phẩm, từ ô tô, điện thoại, cho tới quần áo. Đặc biệt với kiến trúc, ông Hải cho biết công ty ông sẽ dát một lớp vàng cực mỏng trong nhà, để nó tồn tại hàng trăm năm. Việc dát vàng các công trình kiến trúc cao cấp và siêu cấp tại Việt Nam sẽ được tiến hành trong vài năm tới.

“Sắp tới Hà Nội có 2 công trình: Pallais De luis của Tân Hoàng Minh và Trung tâm văn hóa số 5 Lê Duẩn của tập đoàn DOJI sẽ dát vàng của chúng tôi”, ông Hải chia sẻ.

Một yếu tố quan trọng nữa là mức giá. Theo ông Hải, mức giá cho việc dát vàng toàn bộ nơi ở sẽ không quá đắt. Dưới góc độ một người làm kinh doanh, mục tiêu của ông Hải là làm sao với một cái giá vừa phải, những đại gia trung bình của Việt Nam, vốn liếng vài chục tỉ đồng cũng có thể sống trong cung vàng điện ngọc thật sự, điều mà các vị vua chúa ngày xưa cũng không làm nổi. 

"Đó là Sáng tạo", ông Hải nói.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo, giám đốc công ty truyền thông LeBros, công nghiệp sáng tạo có thể là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu thay vì trông vào công nghiệp truyền thống như giai đoạn lịch sử trước đây. Chẳng hạn tại nước Anh, công nghiệp sáng tạo đang chiếm 10% giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề của ngành này là cần nguồn đầu tư rất lớn. Tại Việt Nam, khái niệm về công nghiệp sáng tạo vẫn còn rất mơ hồ, chứ chưa nói đến việc xây dựng hạ tầng cho ngành công nghiệp này phát triển.

Đấy là chưa kể, nhiều nghịch lý trong bộ máy quản lý đang cản trở sự phát triển của ngành này. Có thể thấy rõ nhất là trong khi Ngân sách thì ngày càng hạn hẹp, khoản đầu tư ngày càng ít nhưng năm nào Bộ Khoa học công nghệ cũng trả lại tiền cho Nhà nước vì ... tiêu không hết.

"Muốn sáng tạo trở thành một ngành công nghiệp đúng nghĩa ở Việt Nam đòi hỏi sự thay đổi lớn, hay một sự "Đột phá trong tư duy đổi mới" như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu", ông Hải nhận định.
Hoàng Vân

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM