Bầu cử tổng thống Mỹ: Một 9 - một 10

05/11/2012 09:42 AM | Nhân vật

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với hệ thống phiếu bầu phổ thông (trực tiếp từ các cử tri) và phiếu đại cử tri (đại diện cho từng bang) khiến ngay nhiều người Mỹ cũng khó hiểu.

Và điều này cũng có thể tái diễn trong cuộc đua ngày mai (6.11).

Sự phức tạp của nó đã được minh chứng, khi một ứng viên tổng thống Mỹ vẫn thua cuộc dù giành được đa số phiếu cử tri. Và ngày mai, cuộc đua giữa Tổng thống Barack Obama và đối thủ Mitt Romney sẽ ra sao?

Các bang ít người “thủ thế”

Cách người Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống - như được quy định trong hiến pháp - bao gồm một cơ chế có cái tên kỳ quặc là đại cử tri đoàn (Electoral College). Chẳng có ai theo học tại ngôi trường này (tác giả chơi chữ từ college, có nghĩa “trường học”) và thậm chí nó cũng chẳng hề tồn tại, ngoại trừ một ngày sau bầu cử. Đó là một hội đồng bao gồm các đại diện từ mỗi bang (do người dân tại bang đó trực tiếp bầu nên) sẽ bỏ lá phiếu quyết định lựa chọn tổng thống mới của nước Mỹ.

Cựu Tổng thống B.Clinton tham gia tranh cử cùng ông Obama tối 3.11.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao nước Mỹ cần đến phiếu đại cử tri khi đã tổ chức cả một cuộc bầu cử tốn kém để lấy lá phiếu của người dân? 

Nhìn lại lịch sử, Chính phủ Mỹ được thiết lập dựa trên một sự cân bằng giữa quyền lực của nhân dân và quyền lực của mỗi chính quyền từ 50 bang. Trong lịch sử dựng nước (và cho đến tận ngày nay) của nước Mỹ, các bang ít người luôn lo sợ “mất tiếng nói” trước những bang đông dân hơn. Người dân tại các bang ít người tranh cãi rằng liệu phải chăng họ trả thuế chỉ là để thấy sự tiến bộ dồn vào những bang đông dân hơn?

Để dẹp bỏ quan ngại này, các tác giả của Hiến pháp Mỹ đã tìm cách cân bằng quyền lực, theo đó Quốc hội được chia ra thành hạ viện - nơi đại diện cho tiếng nói của người dân, và thượng viện - đại diện cho tiếng nói của mỗi bang. Đó là lý do có sự phân chia số lượng 435 nghị sĩ tại hạ viện (1 hạ nghị sĩ đại diện cho 750.000 người dân Mỹ) và 100 tại thượng viện (2 thượng nghị sĩ cho mỗi bang).


Ông Romney vận động tranh cử tại Cincinnati.
Sự cân bằng quyền lực tương tự cũng được áp dụng với phiếu đại cử tri. Mỗi bang sẽ được quyền có số phiếu đại cử tri tương ứng với số lượng đại diện họ có tại cả hạ viện và thượng viện. Ví dụ, bang đông dân nhất là California nắm 55 phiếu đại cử tri vì có 53 hạ nghị sĩ và 2 thượng nghị sĩ.

Còn bang Colorado - nơi tôi sống - chỉ có 9 phiếu đại cử tri, vì chỉ có 7 đại diện tại hạ viện và 2 tại thượng viện.

Thủ đô Washington D.C, dù không hẳn được xem là một bang, cũng được trao 3 phiếu, khiến tổng cộng lá phiếu đại cử tri được nâng lên 538.

Như vậy, bất cứ ứng viên tổng thống nào - dù là ông Obama hay Romney - chỉ cần giành được đa số 270 phiếu đại cử tri sẽ là người thắng cuộc, bất chấp việc ai nhận được đa số phiếu của người dân Mỹ.

Vào năm 2000, ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Al-Gore giành đa số phiếu phổ thông, nhưng vẫn thua cuộc vì tổng thống đương nhiệm khi đó là George W.Bush nhận được 271 phiếu đại cử tri, so với 267 phiếu cho ông Gore.

“Người được ăn cả”

Theo các kết quả thăm dò mới nhất, tỉ lệ ủng hộ dành cho ứng viên Cộng hòa Romney nhiều khi vượt đương kim Tổng thống Obama. Nhưng ông Obama vẫn giành nhiều phiếu ủng hộ hơn từ đại cử tri đoàn. Nguyên nhân là bởi chiến dịch tranh cử của ông Obama hiệu quả hơn tại những bang có đông phiếu đại cử tri như California. Và nếu ông Obama giành đa số phiếu phổ thông ở một bang, ông cũng sẽ ẵm toàn bộ phiếu đại cử tri từ bang đó. Đây là quy tắc “người được ăn cả”.

Hai cử tri trẻ gốc Việt Kỳ Duyên Hoàng và Diệp Huỳnh.

Cho đến nay, ông Obama được dự đoán sẽ giành được 287 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, cử tri tại 5 bang -  bao gồm Colorado - vẫn dao động. Điều này khiến kết quả vẫn rất khó đoán trước, vì toàn bộ phiếu đại cử tri của 5 bang này vẫn có thể làm thay đổi hoàn toàn kết quả chung cuộc. Nhiều người Mỹ khuyến nghị nên dẹp bỏ cơ chế đại cử tri, vì công nghệ hiện đại sẽ giúp dễ dàng đếm và lưu phiếu bầu phổ thông với kết quả trung thực.

Tuy nhiên, đa số chần chừ vì chỉ có thể thực hiện việc này thông qua sửa đổi hiến pháp rất phức tạp. Vì vậy, các đại cử tri sẽ vẫn tiếp tục nắm giữ quyết định ai là lãnh đạo mới của nước Mỹ trong nhiều cuộc bầu cử tới.

Hàng nghìn luật sư sẽ “giám sát” bỏ phiếu 

Ba ngày trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, hàng nghìn luật sư đã đổ về tiểu bang Ohio và một số tiểu bang chủ chốt khác. 

Hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney có trong tay hàng nghìn luật sư. Những người này sẵn sàng phản đối mọi kết quả mà họ cảm thấy nghi ngờ. Các luật sư của hai ứng viên sẽ theo dõi quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu, kiểm tra xem các máy bỏ phiếu có vận hành tốt hay không, xem có gian lận không và để cho không có bất cứ cử tri hợp lệ nào bị gạt ra ngoài. Tiểu bang Ohio - nơi có thể trở thành điểm quyết định kết quả bầu cử - sẽ đón nhiều luật sư nhất. Êkíp tranh cử của ông Obama đã cử 600 trên tổng số 2.300 luật sư của mình đến Ohio. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đặc biệt sít sao, do vậy, theo các nhà quan sát, chắc chắn sẽ có rất nhiều khiếu nại. 

D.L

Theo Lao Động

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM