Bài học hội nhập cho Việt Nam từ câu chuyện của Canada 30 năm trước (P.2)

09/07/2015 15:13 PM | Nhân vật

Chủ tịch CanChamVietnam Antony Nezic nói về những hoạt động của CanCham tại Việt Nam, về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và câu chuyện hội nhập của Việt Nam.

Việt Nam đang đàm phán và đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do lớn và đang thực hiện nhiều cải cách quan trọng. Ông có khuyến nghị nào dành cho Việt Nam trước bối cảnh hội nhập?

Ông Antony Nezic, Chủ tịch CanChamVietnam: Phải nói rằng đây là một chủ đề rất thú vị, và khá dài. Tôi cho rằng có nhiều bài học sâu sắc mà Canada có thể chia sẻ với Việt Nam.

Tháng 12 năm ngoái tôi có vinh dự trình bày bài phát biểu của mình tại hội nghị diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) trước Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng bộ Kế Hoạch và Đầu Tư. Bài phát biểu của tôi có đôi chút khác biệt với những bài phát biểu trước đó.

Thay vì trình bày với Thủ Tướng và các Bộ trưởng về vấn đề cải cách thế nào, bắt đầu từ đâu, tôi đã trình bày về những gì Canada đã từng làm trong quá khứ khi chúng tôi đối diện với bối cảnh tương tự Việt Nam hiện nay.

Thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước, Canada và Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Thương Mại song phương đầu tiên và lớn nhất thời đó. Sau đó Hiệp định này được mở rộng thêm thành viên thứ ba là Mexico và có tên là NAFTA.

Canada là một quốc gia có diện tích rất lớn nhưng có dân số nhỏ và nền kinh tế có quy mô chỉ bằng 1/10 so với Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi chỉ là một quốc gia nhỏ đàm phán FTA với một siêu cường về kinh tế, quân sự với dân số lớn.

Thời điểm đó, tôi đang hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế học và tham gia rất nhiều những tranh luận giữa người Canada về những điều Canada phải lo ngại.

Những lo ngại đó là chúng tôi sẽ mất đi những doanh nghiệp nhà nước, mất tài nguyên, mất ngôn ngữ, mất nhân tài, mất quyền lợi và cả bản sắc. Thời điểm đó Canada cũng sở hữu rất nhiều DNNN như Việt Nam hiện nay, chúng tôi cũng có những Petro Canada, Air Canada....

Để đi đến việc ký kết Hiệp định thương mại rất lớn này, chúng tôi cần thực hiện cải cách, tư nhân hóa các DNNN và mở cửa nền kinh tế. Thực tế diễn ra là Canada đã trở nên mạnh mẽ hơn về kinh tế và nhờ đó trở nên độc lập hơn

Chúng tôi có thêm nhiều ngành kinh tế mới hiện nay đã có sức cạnh tranh toàn cầu, ví dụ như ngành nông nghiệp, sản xuất rượu, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bảo hiểm rất phát triển.

Có thể không phải tất cả những thành công này đều là kết quả của cải cách và các FTA, nhưng nó mang đến một thông điệp là Canada có thể vượt qua những nỗi sợ hãi và sau 20 năm, chúng tôi thật sự đã mạnh hơn.

Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có một cơ hội tương tự và Việt Nam có một vị thế đặc biệt để nắm bắt cơ hội này. Đây là lý do chúng tôi đặc biệt lạc quan về triển vọng của Việt Nam.

Một trong những động lực để Việt Nam quyết tâm hội nhập là mong muốn tăng trưởng xuất khẩu. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển xuất khẩu của Canada?

Mỗi quốc gia đều muốn tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Đây là lý do họ tham gia các Hiệp định thương mại và đối tác. Trước khi có NAFTA, kim ngạch xuất khẩu của Canada chiếm khoảng 30% GDP. Chỉ trong vòng 5 năm sau đó, xuất khẩu của Canada tăng trưởng hàng năm cho tới khi đạt mức 45% GDP.

Con số này đã giảm dần từ đó và trở về mức 30% GDP như hiện tại. Trong một hội nghị về thương mại ở Bangkok, một cựu quan chức của Quebec nói lên một vấn đề là Canada là đối tác thương mại lớn nhất của duy nhất Hoa Kỳ, trong khi đó Đức là đối tác thương mại số 1 của 18, 19 quốc gia.

Do đó có thể kết luận rằng Canada là một quốc gia xuất khẩu, nhưng các quốc gia khác đã tăng sức cạnh tranh đáng kể.

Với Việt Nam, điều quan trọng hơn cả xuất khẩu là cơ hội thu hút vốn đầu tư, đặc biệt đối với TPP. Định nghĩa của TPP là một hiệp định đối tác. Không giống như các hiệp định thương mại hướng tới loại bỏ các hàng rào thuế quan, TPP còn hướng tới việc kiến tạo một “sân chơi bằng phẳng” như một nền tảng cho cả thương mại và đầu tư. Do vậy, cơ hội thật sự đến từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và công nghệ đi cùng với các FDI.

Hãy nhìn vào nền nông nghiệp như một ví dụ. Việt Nam là một nhà xuất khẩu rất lớn nếu tính theo tổng giá trị xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên phần lớn các hàng hóa này đều có chất lượng thấp so với các đối thủ cạnh tranh, hoặc có giá trị gia tăng rất thấp.

Trong những năm vừa qua, đã có rất nhiều cuộc họp báo và hội thảo về chủ đề làm sao khuyến khích đầu tư và nâng tầm công nghệ cho nông nghiệp. Tôi cho rằng cách thức chủ yếu cho việc này là tạo ra một sân chơi bằng phẳng hơn cho khu vực nông nghiệp, đến mức thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Thông qua cải tạo giống và cây trồng sẽ tạo ra lợi thế cực lớn cho các loại hàng hóa nông sản cũng như ngành sơ chế và sản xuất. Việc này sẽ cần một khoảng thời gian chuyển tiếp để bảo vệ các công ty trong nước trước các sự áp đảo của các tập đoàn nước ngoài. Về vấn đề này, Canada cũng có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.

Việc áp dụng công nghệ cao sẽ mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn rất nhiều. Ví dụ như chiếc điện thoại Samsung tôi đang dùng được lắp ráp ở Việt Nam. Bước tiếp theo sẽ là sản xuất những linh kiện bên trong. Nếu Việt Nam có thể sản xuất được những linh kiện này, giá trị xuất khẩu có thể tăng lên nhiều lần.

Thu hút vốn đầu tư kiểu này còn một lợi ích nữa là nó tạo ra một văn hóa cải tiến. Một quy trình cải tiến có đạo đức sẽ kích thích tăng trưởng bền vững thay vì tăng trưởng chỉ dựa và lao động giá rẻ.

Liên quan tới hội nhập, một vấn đề khác là các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông có khuyến nghị nào dành cho Việt Nam?

Đây là một câu hỏi rất rộng, tôi không thể đưa ra một câu trả lời hoàn chỉnh. Tuy nhiên, câu chuyện của Canada một lần nữa có thể hữu ích cho Việt Nam.

Canada vô cùng rộng lớn với dân số nhỏ. Xét về diện tích Canada rộng gấp 30 lần Việt Nam nhưng dân số thì chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam. Với điều kiện địa lí như vậy, cơ sở hạ tầng là vấn đề quyết định.

Những nhà lãnh đạo của Canada đã nhận ra điều này từ năm 1867. Thời đó Canada đã lo ngại phần diện tích ở bờ Tây có thể bị mất về phía Hoa Kỳ. Các lãnh đạo của Canada đã quyết tâm xây dựng một tuyến đường sắt xuyên lục địa, nối bờ biển Thái Bình Dương với trung tâm Canada. Dự án này hoàn thành vào năm 1885. Đến năm 1962, một tuyến đường cao tốc xuyên lục địa cũng được hoàn thành, nối liền cả 10 bang của Canada.

Bạn có thể thấy sự trùng hợp thú vị ở đây. Canada kết nối phía đông và phía tây đất nước bằng cơ sở hạ tầng, bảo vệ được chủ quyền quốc gia đồng thời giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Điểm thú vị là đường sắt và đường cao tốc được xây dựng ở Canada hoàn toàn vì mục đích chính trị, vì độc lập và xây dựng đất nước. Nhưng lợi ích lớn nhất lại là tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên cơ sở hạ tầng đó, Canada xây dựng hệ thống cảng biển và các hạ tầng khác giúp cho việc vận chuyển hàng hóa từ Châu Á tới Chicago trở nên rẻ và hiệu quả hơn vận chuyển từ các cảng khác.

Những lãnh đạo này đã có tầm nhìn xa trông rộng đáng nể và chúng tôi luôn dành đến họ sự kinh trọng và biết ơn sâu sắc.

Ông có khuyến nghị nào dành cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh hiện tại?

Tôi cho rằng có hai điều: các luật lệ và quy định đã có, việc cần làm là tăng cường khả năng thực thi chính sách và giảm những trở ngại không đáng có.

Con người Việt Nam rất có khả năng, kiên cường và chân thật. Cấu trúc sở hữu gia đình trị trong các công ty rất mạnh và là một lợi thế. Người Việt Nam rất cầu thị và ham học hỏi. Còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết và tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam giành được vị thế xứng đáng của mình. Điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng của những người lãnh đạo.

Cảm ơn ông rất nhiều về buổi phỏng vấn!

Sơn Đức

Cùng chuyên mục
XEM