Bà Cao Thị Ngọc Dung: Bất trắc thì luôn ập đến, phải biết cách đi xuyên qua nó

17/08/2015 17:44 PM | Nhân vật

Đối với cả DongA Bank và PNJ, gia đình ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung đều có một vai trò hết sức đặc biệt. Với việc DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, khối tài sản đã tích lũy được sau hàng chục năm kinh doanh của cặp vợ chồng doanh nhân này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

(Xem thêm: Khối tài sản nghìn tỷ của gia đình Tổng giám đốc DongA Bank)

Nhà văn, nhà triết học Mỹ gốc Nga Ayn Rand từng nói: "Một vài người đầu hàng ngay lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực, một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào... Chỉ với một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên...".

Với những biến cố và sóng gió trong quá khứ, có cơ sở để tin tưởng rằng, vợ chồng ông Bình bà Dung thuộc nhóm những người đã lựa chọn không đầu hàng, đường hoàng đối diện với những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua.

Nội dung dưới đây được trích từ cuốn sách "Những người làm chủ số 1 Việt Nam" của tác giả Đàm Linh.


Cuộc đời không màu hồng

Kỷ niệm "khó khăn" đầu tiên của Cao Thị Ngọc Dung là lúc bà mới “chân ướt chân ráo” ra trường nhận nhiệm vụ.

Bà bảo, trong con mắt của cô nữ sinh Kinh tế khi ấy, cái gì cũng cao quý và đẹp đẽ, cái gì cũng được nhìn qua đôi mắt lý tưởng màu hồng. Nào ngờ, sự ti tiện của người đời ở đâu cũng có và thời nào cũng có. Khi đã ti tiện thì người ta có thể hại người bằng sự ganh ghét, đôi khi là với chính những người lãnh đạo của mình.

Năm 1989, giám đốc công ty Nông sản thực phẩm Phú Nhuận bị bắt vì lời tố cáo bâng quơ là tham nhũng, hối lộ. Bà bị kéo dính vào chiếc bẫy quay cuồng của phe cánh trong nội bộ triệt hại lẫn nhau. Không còn ngơ ngác nhìn đời với cặp mắt lý tưởng màu hồng, đối diện với những lần bị điều tra như tội phạm, Cao Thị Ngọc Dung đã rất bình tĩnh, tự tin trả lời với một niềm tin sắt đá vào chính mình.

“Tôi không có tội, tôi là người có học, tôi làm việc theo sự hiểu biết của chính mình. Ai cũng có lòng tự trọng, các anh với tôi là đồng chí, các anh không thể hành hạ tôi một cách vô cớ như thế”.

May mà sự việc được xem xét cụ thể, rõ ràng. Người giám đốc cũ của bà vô can. Lúc đó năm 1990, danh dự và uy tính của Cao Thị Ngọc Dung được phục hồi, dù kể ra cũng chua chát. Bà tự nhủ hãy chọn lấy hoa hồng và để nước mắt chảy vào trong. Bà đã hành động đúng như thế.

Bên bờ sinh tử

Có những câu chuyện khác mà hẳn bà Dung đã muốn “gió cuốn đi” theo thời gian, để ký ức về nó hoàn toàn thuộc về quá khứ, dù không dễ dàng. Có những nỗi đau bà đã định giấu kín, nhưng rồi chính thời gian đã giúp bà có thể nhìn lại tất cả một cách thanh thản hơn. Bà bảo: “Ngày trước tính tôi nóng nảy, cũng sân si như người ta thường tình. Nhưng khi đứng giữa ranh giới giữa sống – chết cách đây hơn 10 năm vì căn bệnh ung thư, tôi đã thay đổi nhân sinh quan rõ rệt, từ đó biết chấp nhận cuộc sống”.

Bên bờ sinh tử, bà bình tĩnh đối diện, sắp xếp mọi thứ kể cả công việc của công ty, để chấp nhận khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Nhưng may mắn trời thương, cái xấu không đến và bà đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo đó. Bà Dung không coi cuộc đời có điều gì là vĩnh viễn hay quá quan trọng. Thậm chí, nếu ngày mai, cái chết đến hay một điều khủng khiếp nào khác xảy ra, bà cũng thấy… bình thường.

Bà thường nói đùa rằng “trời kêu không dạ”, mình còn sống đến hôm nay là quá “lãi” rồi, phải biết làm việc gì tốt nhất cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Điều đó làm mình hạnh phúc.

Cuộc sống kinh doanh phức tạp, ngoài những kỷ niệm được bà coi như “cú sốc”, cũng không ít những kỷ niệm mà với Cao Thị Ngọc Dung, nó đem lại cho bà những trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá, dù đánh đổi không ít.

Câu chuyện dài Minh Phụng – Epco là một kỷ niệm như thế. Vụ vỡ nợ của Minh Phụng – Epco làm cho nhiều ngân hàng điêu đứng, thậm chí có những ngân hàng bên bờ vực phá sản. Đông Á cũng không là ngoại lệ.

Chống chọi với sự tác động dây chuyền này thật kinh khủng. Tỉnh táo không chưa đủ, còn phải có bản lĩnh thép mới có thể tìm cách đưa khách hàng và ngân hàng mình qua được “cơn sóng nhồi”. May mắn (bà Dung nghĩ vậy) là bà có đức tin. Quyền hành của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng rất lớn nhưng bà không hề có quan hệ gọi là “kinh tế ngầm” giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, không dây dưa quyền lợi riêng. Mặt khác, bà có ưu điểm là ứng phó nhanh, hiểu rõ những thủ đoạn thương trường, dự báo tốt và chính xác những biến cố có thể xảy ra.

Thời điểm đó, bà Dung cũng có sự trợ giúp hữu hiệu từ ông Trần Phương Bình - người chồng sát cánh cùng bà trong dự án lập Ngân hàng Đông Á. Ông Bình khi đó đang đi tu nghiệp về ngân hàng ở nước ngoài, dự tính 3 năm nhưng mới 6 tháng, sự cố xảy ra, ông bỏ học về giúp vợ lèo lái con thuyền Đông Á cho đến sau này.

Trước cú ngã tín dụng trên đây, Đông Á đã đi trước một bước, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể giúp các doanh nghiệp bán gấp phân bón và hàng tồn kho. Trong chỉ đạo của bà Dung lúc đó, chỉ có hai từ: “Thu hồi và thu hồi” nợ bằng mọi cách. Mọi việc của PNJ bà gác lại hết, tập trung thời gian xem xét hồ sơ từng khách hàng, đặc biệt là 10 khách hàng có dư nợ lớn. Có những trường hợp bà đến tận nơi cùng khách hàng giải quyết những vướng mắc cụ thể để cùng họ xoay sở ổn thỏa.

Tuy nhiên, cú sốc bạc đầu trong ngành tín dụng ngân hàng những năm đó đối với bà là một kỷ niệm, một dấu ấn khó quên.

“Đã có lúc tôi nghĩ, nếu không có ông xã giúp chắc tôi không được như ngày hôm nay. Ông ấy giúp tôi thêm tự tin, thực hiện những mục tiêu đề ra trong công việc”.

Sau tất cả những khắc nghiệt của cuộc sống, bà nhận ra, bất trắc thì luôn ập đến, nhưng nếu mình biết cách đi xuyên qua nó, biết chấp nhận nó, thì sẽ có thể tìm ra con đường mới. Trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay, để giữ được sự bình tĩnh quả là rất khó, phải thực tập mỗi ngày mới tạo được nội lực. Chiến thắng chính mình và vượt qua nỗi sợ bao giờ cũng là chiến thắng lớn nhất.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM