Ăn trưa cùng Ben Bernanke

11/11/2015 14:52 PM | Nhân vật

Cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ trải lòng về những áp lực từ vị trí người đứng đầu cơ quan điều hành chính sách của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

2h chiều, tôi đang ngồi ở một cửa hàng nằm trong chuỗi nhà hàng hải sản của hãng McCormick & Schmick’s ở Chicago. Điện thoại di động đổ chuông. Người gọi là trợ lý của Ben Bernanke. Tôi phát hiện mình đã đến sai chỗ hẹn. Tuy nhiên, thật may mắn là chỉ mất thêm 5 phút để đến đúng địa điểm.

Nhà hàng khá vắng vẻ. Ngoại trừ tiếng nhạc nền, không khí khá im ắng. Nhà hàng được trang trí theo tông màu tối.

Bernenake, 61 tuổi, đang ngồi đợi tôi ở đó. Ông mặc bộ vest màu nâu, thắt cà vạt màu vàng. Tôi gặp Bernanke khá thường xuyên kể từ khi ông trở thành Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ năm 2002. Ông luôn tỏ ra là người rất thận trọng và khá hàn lâm.

Khá trùng hợp khi chính vị học giả nổi tiếng với công trình nghiên cứu về Đại khủng hoảng lại trở thành người cai quản hệ thống tài chính Mỹ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ đầu những năm 1930. Cuốn sách mới xuất bản mang tựa đề “The Courage to Act” của ông miêu tả khá rõ nét những nỗ lực cứu thế giới của Fed.

Tôi mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi ông chuyến đi quảng cáo sách sẽ kéo dài trong bao lâu. “Khoảng 1 tháng”, ông nói. “Sau đó thì ông sẽ làm gì?”. Bernanke chia sẻ ông sẽ quay cuồng với một danh sách dài những bài giảng. Ngoài ra, ông còn phải giành thời gian cho công tác tại Viện Brookings, cùng với một số vụ tư vấn và vài buổi diễn thuyết.

Cô phục vụ xuất hiện để ghi gọi món. Tôi chọn cá kiếm áp chảo với khoai tây, hành và cải Brussels. Bernanke chọn cá bơn nướng ăn kèm đậu xanh, phô mai và khoai tây nghiền.

“Mất bao lâu để ông hồi phục sau khi rời Fed năm ngoái?”, tôi hỏi.

“Khoảng 24 giờ đồng hồ. Khuây khỏa sẽ là một từ khá nặng, nhưng tôi rất vui mừng vì mình lại trở thành một người dân bình thường. Tôi vẫn theo dõi rất sát các diễn biến của nền kinh tế và những gì đang diễn ra ở Fed. Tuy nhiên trách nhiệm và gánh nặng trên vai không còn nữa.”

“Có khi nào ông muốn dành cho những người kế nhiệm một lời khuyên nào đó?”

Bernanke ngay lập tức lắc đầu. “Tôi rất tin vào họ và chắc chắn họ sẽ làm tốt. Tuy nhiên, dù sao tôi cũng làm công việc ấy tới 8 năm và đã phải đưa ra một vài quyết định rất khó khăn. Sự yêu thích đối với nó đã cạn rồi”.

Tôi hỏi Bernanke về những người đã lớn tiếng phản đối ông – thậm chí năm 2011 Thống đốc Rick Perry của bang Texas đã gọi ông là kẻ phản bội. “Cá nhân tôi không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Điều mà tôi để tâm đến là Fed có thể bị tấn công chính trị và mất đi sự độc lập. Cá nhân tôi không bao giờ cảm thấy bị đe dọa”.

Bernanke đã kết hôn và có 2 đứa con. Tôi băn khoăn liệu những lời cay nghiệt có ảnh hưởng đến họ hay không. Bernanke nói rằng họ có cuộc sống của riêng mình. Tuy nhiên, vợ ông đã cố gắng giúp ông giảm bớt áp lực và đảm bảo rằng ông luôn được chăm sóc.

Sự độc lập của Fed vẫn là điều mà Bernanke canh cánh trong lòng. “Không phải chỉ Fed bị phản đối. Ở Thụy Sĩ hay một vài nước khác, người ta cũng phản ứng thái quá với khủng hoảng. Cả Mỹ cũng đã trải qua những giai đoạn tương tự trong quá khứ mà gần đây nhất là đầu những năm 1980, khi Volcker tăng mạnh lãi suất và gây ra tình trạng giảm phát”.

“Một trong những chức năng quan trọng nhất của Fed là phản ứng nhanh và chủ động khi quá trình làm luật diễn ra quá chậm chạp. Ban đầu Fed được lập ra để giải quyết những cơn hoảng loạn trên thị trường tài chính, chứ không phải điều hành chính sách tiền tệ. Sau cùng thì những lời chỉ trích khiến tôi lo lắng nhất”.

Rất nhiều tiếng nói chỉ trích phàn nàn rằng Fed chỉ cứu giúp người giàu và giới ngân hàng và để dân thường “chết đuối”. Đáp lại câu chuyện này, Bernanke nói về vấn đề chênh lệch giàu nghèo. “Bất bình đẳng gia tăng là vấn đề quan trọng của nước Mỹ, nhưng đây là xu hướng dài hạn đã có từ những năm 1970. Thật mỉa mai khi chính những người phê phán Fed giúp đỡ giới nhà giàu lại là người phàn nàn rằng Fed đang làm tổn hại đến người gửi tiết kiệm. Điều Fed đang cố gắng chỉ là hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế mà thôi”.

“Nếu mọi người không hài lòng với những hiệu ứng từ mức lãi suất siêu thấp, họ nên gây sức ép buộc Quốc hội hành động nhiều hơn về mặt tài khóa, và như vậy chúng ta có một chính sách cân bằng hơn”.

Cuối cùng, tôi quay lại với câu hỏi lớn nhất về khủng hoảng. “Đáng lẽ họ đã có thể ngăn được sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008?” Không, Bernanke quả quyết. “Đó là điều hoàn toàn không thể ngăn cản được. Sẽ không có ai đảm bảo cho những nghĩa vụ của Lehman và như vậy không ai cho họ vay tiền. Tất cả đều chạy trốn khỏi Lehman, tất cả các chủ nợ, đối tác và khách hàng”.

Tôi bổ sung thêm rằng cũng chính vì thất bại của Lehman mà cuối cùng họ đã nhận được gói cứu trợ cần thiết của Chính phủ Mỹ. “Cuối cùng thì điều gì đó đã diễn ra”, ông đồng tình.

Tuy vậy, bất chấp những lầm lỗi trước khủng hoảng, dưới thời của Bernanke, Fed đã cứu được kinh tế Mỹ và cả thế giới thoát khỏi thảm họa.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM