Á hậu từ bỏ showbiz làm chăm sóc khách hàng

21/07/2011 16:41 PM |

Đoạt ngôi Á hậu, Vũ Minh Thúy chẳng ham gắn bó với sàn diễn mà chuyển qua làm bán hàng. Và ở lĩnh vực này, cô trở thành phó GĐ trung tâm chăm sóc khách hàng với 7.000 nhân viên.

Vũ Minh Thúy là một cô gái bộc trực, không khéo ăn nói. Thế nên sau khi tham gia thi Hoa hậu rồi đoạt ngôi Á hậu, cô chẳng ham gắn bó với sàn diễn mà chuyển qua làm bán hàng.

Và rồi ở lĩnh vực này Vũ Minh Thúy đã thành đạt, trở thành phó giám đốc một trung tâm chăm sóc khách hàng với 7.000 nhân viên.

Không muốn trí tuệ tỷ lệ nghịch sắc đẹp

Trong thời gian Vũ Minh Thúy ở nhà chờ kết quả thi đại học, chị Bí thư Đoàn phường đã đến tận nhà động viên cô đi dự thi Hoa hậu. Muốn thử sức nên cô cũng đăng ký thi và trở thành Hoa khôi các tỉnh phía Bắc. Sau đó, Thúy đoạt ngôi Á hậu thứ nhất cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 1996 do báo Tiền Phong tổ chức. Những công việc gắn với sàn diễn thời trang mở ra trước mắt cô gái đất Hải Phòng.

Trúng tuyển và theo học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nên ngay sau cuộc thi Hoa hậu, Minh Thúy lại bận rộn với kỳ thi học kỳ của sinh viên năm thứ nhất. Không giữ được thành tích như hồi là học sinh chuyên toán ở Hải Phòng, Thúy liên tục bị điểm trung bình và phải thi lại 2 môn. Giật mình với kết quả thi, cô nói lời từ biệt với sàn diễn thời trang và tập trung cho việc học. Cũng nhờ thế, sau 4 năm học, Thúy tốt nghiệp khoa Kinh tế Quốc tế loại khá.

Cô tâm sự: “Đi thi và trở thành Á hậu Việt Nam là một kỷ niệm đẹp với tôi, nhưng chỉ là quãng thời gian rất ngắn. Khi ngồi ở giảng đường đại học và bước vào đời, tôi không muốn bị coi là một người có trí tuệ tỷ lệ nghịch sắc đẹp. Thêm vào đó, tôi thấy mình không hợp với ngành thời trang hoặc tham gia vào ngành văn hóa - nghệ thuật, nên dừng lại sẽ tốt hơn”. Ra trường, cánh cửa của ngành thời trang một lần nữa mở ra với Vũ Minh Thúy. Cô được mời làm việc tại hãng mỹ phẩm LG-Vina. Thế nhưng cô chỉ làm một thời gian ngắn; sau khi lập gia đình, cô xin nghỉ việc tại đây.

Á hậu trở về đời thường

Sau hơn 2 năm ở nhà trông con, Thúy đi tìm việc làm, nộp đơn vào Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở vị trí cửa hàng trưởng và được tuyển dụng. Vào làm việc, thu nhập khởi điểm của Thúy khoảng 2,5 triệu đồng, chỉ bằng một nửa lương tại LG-Vina 2 năm trước đó.

Giải thích về lý do chấp nhận mức lương thấp hơn rất nhiều so với công việc trước đây, dù đã có kinh nghiệm làm việc ở công ty nước ngoài cộng với danh hiệu Á hậu Việt Nam, Thúy trả lời đơn giản: “Phải nhìn vào thực tế. Sau thời gian nghỉ làm để chăm con, việc được nhận vào làm ở một công ty mình thấy thích đã là tốt rồi. Thêm nữa, Viettel lúc đó mới mở rộng hoạt động tại TPHCM, yêu cầu một mức lương cao hơn mặt bằng chung của đơn vị là không hợp lý. Danh hiệu Á hậu chẳng liên quan gì đến mức lương hay vị trí, bởi thời điểm đó tôi đơn giản là một người đang cần tìm việc làm, mong muốn được cống hiến và có thêm kinh nghiệm. Lấy “mác” Á hậu để đòi hỏi nọ kia là không phù hợp và cũng không phải cách lâu bền. Thực tế, tôi xác định mình ít kinh nghiệm nên nhìn thấy ở công ty mới những cơ hội để phát triển, chứng tỏ năng lực và phát huy những gì mình học. Ngoài ra, tôi thích công ty có liên quan đến quân đội bởi bố tôi từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những kỷ niệm, chiến tích và vinh quang của ông có ảnh hưởng tới quyết định của tôi”.

Phó Giám đốc Vũ Minh Thúy (đứng thứ 5 từ trái sang) và các nhân viên

Trở thành một cửa hàng trưởng của Viettel vào thời điểm công ty này mới khai trương mạng di động tại TPHCM, Thúy phải làm đủ mọi việc của cả người quản lý lẫn nhân viên: từ thu cước, bán hàng, kế toán, trả lời khiếu nại… đến lau cửa kính, hút bụi và cả cọ rửa nhà vệ sinh cho cửa hàng. Thúy chia sẻ: “Dù làm ở đâu, người đứng đầu cũng phải làm gương.

Cửa hàng mới, công việc bộn bề, nhân viên ai cũng mới, trong hoàn cảnh khó khăn, nếu mình không chủ động chia sẻ công việc với đồng nghiệp, nhiệm vụ chung sẽ khó hoàn thành. Thời gian làm việc ở công sở rất nhiều, ở nhà mình tự dọn vệ sinh nhà cửa được, công ty là ngôi nhà thứ hai của mình, mình đến đó hàng ngày, sao không chung tay giữ cho sạch sẽ, ngăn nắp. Do vậy, chúng tôi làm mọi việc từ chuyên môn nghiệp vụ đến việc dọn vệ sinh là chuyện rất bình thường và mọi người đều thoải mái”.

Cuối năm 2004, Vũ Minh Thúy tình cờ gặp lại một người quen trong lần đi thi Hoa hậu, khi chị này đến hòa mạng di động Viettel. Hôm đó, cửa hàng mất điện, khách lại quá đông, Thúy phải tất bật với đủ thứ việc. Thấy Thúy trong bộ đồng phục công sở váy đen, áo vàng đất, mồ hôi nhễ nhại, khó ai có thể nhận ra người phụ nữ từng là Á hậu Việt Nam. Chị bạn nhìn Thúy với vẻ ái ngại: “Chị không hiểu sao em lại vào đây làm việc”. Thúy cười và trả lời: “Em thích công việc tại đây”.

Lúc đó, Vũ Minh Thúy cũng chẳng thể hiểu rõ vì sao lại yêu thích công việc tại Viettel đến vậy. Bởi lúc đầu vào làm, lương rất thấp, công việc lại vất vả. Thêm vào đó, thời gian làm việc thường kéo dài, với mức độ kỷ luật rất nghiêm ngặt. Ở nhà trông con hơn 2 năm, khi trước đó vốn quen với môi trường làm việc của công ty nước ngoài, cô đã gặp phải những cú sốc lớn về văn hóa làm việc. Chẳng hạn tại Công ty mỹ phẩm LG-Vina, Thúy chưa từng bị mắng lần nào.

Trong khi đó, về làm việc tại Viettel, nhiều lần cô bị mắng rất nặng nề, đến mức từng muốn xin nghỉ việc. Thế nhưng sau khi cân nhắc, Thúy cho rằng mình bị mắng vì có lỗi nên điều quan trọng là phải sửa và làm mọi việc tốt hơn chứ không phải quyết định “đầu hàng”. Sau này, Thúy phát hiện ra rằng mình yêu thích công việc ở Viettel bởi áp lực tại đây giúp cô rèn luyện bản lĩnh, sự kiên nhẫn, tự tìm tòi, chịu khó để giải quyết công việc nhanh nhất.

Thêm vào đó, ở đây cá nhân được tự do sáng tạo cả trong những việc nhỏ nhất, được trao quyền tự quyết cao và luôn phải đương đầu với những thách thức lớn hơn. Mỗi cá nhân luôn phải tự hoàn thiện mình để đáp ứng cho công việc, với sự phát triển của tổ chức.

Hạnh phúc với nghề chăm sóc khách hàng

Trước đây, nếu gặp chuyện không như ý, tôi hay nổi cáu, nay đã biết tìm ra điểm tích cực trong bất đồng. Với những chuyện khó khăn, tôi cố gắng tìm được sự cảm thông, chia sẻ cũng như nỗ lực cùng các đồng nghiệp để cùng nhau vượt qua.

Làm quản lý ở Trung tâm Chăm sóc khách hàng Viettel khu vực phía Nam, tôi đúc kết 3 kinh nghiệm: Thứ nhất, để quản lý tốt mình phải công bằng, công tư phân minh. Thứ hai, phải đánh giá công việc của mọi người đúng mức. Thứ ba, phải chân thành quan tâm đến cộng sự và đồng nghiệp của mình. Những điều này tạo ra một môi trường tốt và giúp mình quản lý nhân viên hiệu quả hơn.

VŨ MINH THÚY

Cửa hàng 90 Hai Bà Trưng do Thúy phụ trách luôn là nơi có mật độ khách hàng đến đăng ký đông nhất tại TPHCM. Đi kèm với những kết quả đạt được ở vị trí cửa hàng trưởng, năm 2006 Thúy được đề bạt phụ trách Trung tâm Giải đáp khách hàng phía Nam và sau đó là Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Viettel, quản lý trực tiếp 7.000 nhân viên trên toàn quốc, cô luôn phải đương đầu với những thách thức mới, lớn hơn trong công việc.

Việc bán hàng và nghe trực tiếp phản hồi từ khách hàng khác hoàn toàn với phụ trách một trung tâm chăm sóc khách hàng. Tại trung tâm chăm sóc khách hàng, cùng một thời điểm phải xử lý rất nhiều cuộc gọi của khách hàng: tư vấn, hỗ trợ, tiếp nhận xử lý khiếu nại của người dùng di động. Bên cạnh đó, áp lực khi làm quản lý với số nhân viên đông đảo với 80% là nữ cũng là bài toán khó.

Ngày mới về phụ trách, Thúy bị “choáng” và gặp cấp trên trực tiếp để xin từ chức vì áp lực quá lớn. Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo thuyết phục, với suy nghĩ đơn giản là “người khác làm được, tại sao mình không làm được”, cộng thêm bản tính bướng bỉnh bẩm sinh nên cô quyết tâm ở lại.

Một cấp trên của Thúy tại trung tâm này cho biết: “Thúy rất nhiệt tình nhưng quá thẳng thắn và không khéo ăn nói. Điều này cộng với môi trường toàn phụ nữ khiến Thúy gặp áp lực lớn. Tuy nhiên, tính cách đó lại hợp với văn hóa thẳng thắn tại Viettel, cộng với sự chân thành trong ứng xử và nỗ lực lớn trong công việc đã giúp Thúy vượt qua khó khăn”. Vị lãnh đạo này cũng cười và bổ sung: “Bây giờ, người có tính cách như cô này mà đi thi Hoa hậu chắc bị trượt ngay”.

Áp lực trong công việc và sự giúp đỡ, chia sẻ của đồng nghiệp tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Viettel giúp Vũ Minh Thúy trưởng thành nhanh hơn, tính tình cũng mềm mỏng hơn trước.

Trong số Hoa hậu, Á hậu Việt Nam từ trước đến nay, Thúy là người duy nhất từ bỏ hoàn toàn sàn diễn và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Thúy tâm sự: “Tôi yêu thích công việc chăm sóc khách hàng tại Viettel, một công việc thầm lặng, ở phía sau và không giống với sự ồn ào của giới showbiz. Một số người nghĩ rằng là Á hậu có thể có nhiều cơ hội tốt hơn, sao lại phải làm cái nghề suốt ngày đi xử lý sự cố và nghe người ta la mắng làm gì. Thực tế Á hậu chỉ là một danh hiệu trong quá khứ, nó qua lâu rồi và không liên quan gì đến sự lựa chọn công việc của tôi. Còn về nghề chăm sóc khách hàng, đó là sự lựa chọn của tôi và tôi hạnh phúc vì điều đó”.

Theo Thùy Chi

Sài Gòn đầu tư

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM