90 phút với Bầu Thắng (P2)

22/04/2013 19:19 PM | Nhân vật

Chuyện của Thắng cũng là chuyện các doanh nghiệp Việt đang đối mặt.

Chuyện không của riêng Thắng

Đồng Tâm là một trong những doanh nghiệp thuê CEO ngọai đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 8.2008, ông Etienne Lucien Laude, người Pháp chính thức về làm Tổng Giám đốc của Đồng Tâm. Ông Laude trước đó là Giám đốc Chất lượng Hệ thống Tiêu chuẩn Kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric. 

Ngoài Tổng Giám đốc người Pháp, năm 2008 một Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực bất động sản người nước ngoài cũng đã cập bến Đồng Tâm: kiến trúc sư người Nhật Seiji Suzuki, có 30 năm làm quản lý tại Nhật và Mỹ. Tuy nhiên, năm 2010, 2 lãnh đạo người nước ngoài này đều đã thôi việc ở Đồng Tâm.

Câu chuyện của Đồng Tâm này đặt ra một vấn đề giữa ông chủ và người điều hành tại các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là việc can thiệp quá sâu vào công việc điều hành của các CEO.

Nhiều người nói rằng ông Thắng chỉ hợp với vai trò là ông chủ chứ không hợp với việc điều hành, anh nghĩ sao về ý kiến này?

Thực ra nói thì ai nói cũng nói được. Tuy nhiên đi vào công việc là không đơn giản chút nào. Ở Việt Nam kiếm CEO phù hợp văn hóa doanh nghiệp và tập quán kinh doanh của người Việt là hơi khó nên nhiều ông chủ thường kiêm luôn chức này. Tôi đã thay đổi tư tưởng và là một trong những người tiên phong trong việc thuê CEO và cả CEO ngoại. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không như các công ty nước ngoài, nên CEO phải hiểu cả văn hóa của doanh nghiệp, không thể sử dụng kiểu quyết liệt, chặt chém như ở doanh nghiệp nước ngoài mà phải rỉ rả, tỉ tê, dùng tình mà thu thập nhân tâm. CEO cũng phải cần đắc nhân tâm chứ không chỉ là ông chủ. Một CEO giỏi phải là người biết nghĩ vì cái chung, làm được việc, mang lại hiệu quả.

Vậy có nghĩa là vị CEO ngoại mà Đồng Tâm thuê không làm được việc?

Nói chung là phương pháp điều hành không thích nghi với văn hóa Công ty. Đương nhiên mình cũng học được một số cái được, nhưng cái được này so với chi phí bỏ ra thì không xứng đáng.

Tại Việt Nam, đâu là đối thủ cạnh tranh của Đồng Tâm?

Đồng Tâm có rất nhiều dòng sản phẩm nên tìm ra một đối thủ thì rất khó. Ngay như sản phẩm gạch, đối thủ của Đồng Tâm cũng rất nhiều và không chỉ là các doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của tôi, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Đồng Tâm chính là chúng tôi. 

Tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, mẫu mã đẹp nhất và giá cả hợp lý phù hợp túi tiền người tiêu dùng, mang lại dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước là mục tiêu Đồng Tâm luôn hướng tới. Tuy thời gian qua, tình hình thị trường nhà đất gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh số ngành hàng vật liệu xây dựng của Đồng Tâm giảm không đáng kể. Tuy nhiên, nếu 3 năm liên tục không phát triển đồng nghĩa với không đạt yêu cầu.

Theo cách tư duy đối thủ cạnh tranh của Đồng Tâm chính là Đồng Tâm, trong thời gian qua, chúng tôi đã cho ra đời những sản phẩm mà đồng nghiệp trong và ngoài nước chưa làm được.

Nhưng cạnh tranh từ bên ngoài cũng rất căng thẳng. Ví dụ, gạch Trung Quốc khi vào Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu rất cao (20-40%) nhưng các công ty gạch của Việt Nam vẫn cạnh tranh không lại?

Thực ra môi trường kinh doanh của Việt Nam gây bất lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng của Việt Nam, mà hiện nay chính là sản phẩm từ Trung Quốc. Tôi đã đi tham quan và tìm hiểu rất sâu về sản phẩm của Trung Quốc. Cũng có nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng như của chúng tôi, giá cũng bằng hoặc cao hơn nhiều lần. 

Sản phẩm từ Trung Quốc nhiều giá, nhiều chất lượng, không rõ nguồn gốc, giá muốn loại nào cũng có. Việc sản phẩm Trung Quốc hiện nhập khẩu qua Việt Nam ào ạt như hiện nay, trong khi chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật cần thiết để hạn chế những sản phẩm kém chất lượng. 

Người tiêu dùng nhận thấy giá rẻ, hợp túi tiền nhưng không thể kiểm định chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm không có địa chỉ bảo hành trong và ngoài nước, chưa kể đến yếu tố hàng nhập lậu, hàng nhái.


 Doanh thu của Đồng Tâm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng chủ yếu tới từ bán lẻ.

Có vẻ như Đồng Tâm đang bị kẹt khi không thể trở thành nhà sản xuất có chi phí thấp so với hàng Trung Quốc trong khi cũng không đủ tiềm lực đầu tư để cung cấp sản phẩm cao cấp khi so sánh với các sản phẩm ngoại nhập từ Ý hoặc Tây Ban Nha?

Thực ra, định vị của Đồng Tâm là sản phẩm đi theo hướng chất lượng cao, giá cả hợp lý. Việc có những dòng sản phẩm giá thấp chỉ để làm phong phú hơn, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu khách hàng. Việc nói sản phẩm của Đồng Tâm không bằng sản phẩm của Ý hay Tây Ban Nha là tôi không đồng ý. Nếu nhận định này cách đây 20 năm thì có thể, chứ 15 năm trở lại đây hàng hóa của chúng tôi so với hàng của Tây Ban Nha, Ý chẳng có khác biệt gì.

Gạch bông vẫn được duy trì vì là sản phẩm truyền thống của Đồng Tâm. Khá bất ngờ thị trường trong nước không chuộng lắm vì cho rằng chỉ có những ngôi nhà cổ sử dụng thì thị trường châu Âu lại rất hút. Dòng sản phẩm này là lao động thủ công, cần sự tỉ mỉ, chi tiết và người thợ có chuyên môn tay nghề cao, được đào tạo ít nhất từ 6-12 tháng. Do đó, giá cả cũng tương xứng với giá trị.

Bài toán nợ vay và lãi vay đang khiến rất nhiều doanh nghiệp đau đầu, anh giải quyết vấn đề này như thế nào?

(Trầm ngâm giây lát). Đúng là trong thời gian qua Đồng Tâm cũng như nhiều doanh nghiệp khác đã phải xoay xở vất vả, một mặt trả lãi suất ngân hàng, mặt khác phải tìm cách giải phóng hàng tồn kho, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Liên tiếp 3 năm (2010-2012) doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm ơn Chính phủ đã có những giải pháp giải cứu doanh nghiệp kịp thời, như giãn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và lãi vốn vay, gia hạn nợ... Nhờ đó, Đồng Tâm cũng như các doanh nghiệp khác đã kịp thời sắp xếp cơ cấu các khoản nợ vay với ngân hàng phù hợp từng dự án và kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Tại Việt Nam đang có xu hướng nhiều ông chủ bán doanh nghiệp của mình, anh quan niệm thế nào về việc này?

Tùy theo loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bán có lời thì bán thôi. Bán làm cái khác tốt hơn hoặc mua cái cũ rồi phát triển...

Nếu Đồng Tâm được một đối tác hỏi mua, anh sẽ ứng xử như thế nào với tình huống này?

Đồng Tâm không có nhu cầu này, Đồng Tâm xây dựng thương hiệu cho lâu dài chứ không dựng lên cho nổi rồi bán kiếm lời. Đồng Tâm là tài sản chung của tập thể cán bộ, công nhân viên, là niềm tự hào của thương hiệu Việt. Sau này, tôi lớn tuổi không còn làm nữa thì để lại cho thế hệ kế tiếp.

Nếu có đối tác muốn hợp tác, bắt tay cùng làm thì Đồng Tâm hoan nghênh, còn mua bán để đầu cơ hoặc muốn mua đứt Đồng Tâm thì câu trả lời luôn là “Không”.

Đồng Tâm có kế hoạch gọi vốn bằng kiểu hợp tác này không?

Gọi thì tất nhiên sẽ gọi. Hiện tại, chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều đối tác có uy tín trên thị trường nước ngoài, triển khai những dự án tại Long An, như Tập đoàn Kobelco, Tập đoàn Aso (Nhật). Sắp tới, chúng tôi sẽ ký tiếp nhiều hợp đồng với các lĩnh vực khác nhau nữa. Hợp tác hay liên doanh tất nhiên đều phải trên tinh thần cùng có lợi và cùng phát triển. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM