9 nhân vật làm rung chuyển nước Mỹ

29/06/2013 09:10 AM | Nhân vật

Những bí mật bị họ phanh phui không chỉ khiến Chính phủ Mỹ xấu hổ mà còn làm rung chuyển cả một bộ máy chính quyền.

9. Phóng viên Gary Webb và cú sốc The Dark Alliance (Liên minh ngầm hay Liên minh của những bóng đen)

Không ai ngờ được rằng chính CIA, cơ quan tình báo Mỹ, đã ngầm buôn bán ma túy để lấy ngân sách trả lương cho bộ máy nhân viên khổng lồ đồng thời phục vụ cho những hoạt động bí mật tốn kém của mình.

Vụ việc này bị phanh phui vào tháng 8 năm 1996 bởi loạt bài báo của phóng viên Gary Webb được đăng tải trên tờ  San Jose Mercury News. Bài báo đã phản ánh chi tiết về tình hình buôn bán ma túy ở Nicarragua, về hệ thống phân phối cocaine ở Los Angeles trong suốt những năm 1980 và cả sự “khoanh tay đứng nhìn” của CIA. Thậm chí bài báo còn ngầm ám chỉ rằng chính CIA đã thông đồng với những kẻ buôn thuốc phiện nên chúng mới có thể “thuận buồm xuôi gió” như thế.

Các bài viết của Gary Webb đã gây nên cú sốc trên toàn nước Mỹ. Để chống lại điều này, CIA đã lập một nhóm phóng viên phản bác lại. Không lâu sau đó, tờ báo phải rút lại các bài viết còn Gary Webb bị buộc thôi việc.

Năm 2004, thi thể Gary Webb được tìm thấy với hai vết đạn bắn vào đầu. Nguyên nhân được báo cáo rằng ông tự sát.

Tuy nhiên về sau CIA đã phải thừa nhận rằng các bài báo của Webb là sự thật, đó là khi cơ quan này phải tiết lộ một sự dàn xếp “bí mật” với bộ Tư pháp Mỹ để những kẻ buôn ma túy (mà CIA gọi là nhân viên hợp đồng) không bị truy tố trước pháp luật.

8. Đặc vụ FBI Mark Felt với scandal Watergate

Mark Felt chính là người được mệnh danh “nguồn tin giấu tên nổi tiếng nhất lịch sử Hoa Kỳ” trong vụ bê bối Watergate. Ông là người đã tiết lộ các thông tin cho hai phóng viên tờ Washington Post điều tra và đưa ra ánh sáng vụ đột nhập gài máy nghe trộm ở khách sạn Watergate để đánh cắp tin tức về cuộc bầu cử sắp tới khiến tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon phải từ chức năm 1974.

Trong vụ bê bối này, Felt mang mật danh là “Deep Throat”. Năm 2008, ông qua đời một cách bình lặng tại nhà ở tuổi 95.

7. Daniel Ellsberg và Hồ sơ Lầu năm góc

Năm 1971, Daniel Ellsberg, chuyên viên phân tích của quân đội Hoa Kỳ từng phục vụ trong RAND corp, đã làm dấy lên một cuộc làn sóng chính trị toàn quốc khi tiết lộ tài liệu nghiên cứu tuyệt mật của bộ Quốc phòng Mỹ về các hoạt động của chính phủ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Những tài liệu này đã giải đáp được phần nào mối nghi ngờ của người dân Mỹ đối với cuộc chiến đầy tham vọng này.

Một số bằng chứng gây sốc nhất như là:

Chính phủ Mỹ cũng tiên đoán trước rằng họ không có cơ hội giành chiến thắng nhưng họ vẫn tham chiến.

Chính quyền Kennedy đã lập kế hoạch lật đổ lãnh đạo miền Nam Việt Nam.

Mỹ mở rộng chiến tranh, tiến hành đánh bom và các cuộc tấn công mà không thông báo cho người dân....

Ông gửi các tài liệu này cho nhiều tờ báo trong đó có New York Times khiến cuộc tranh cử của tổng thống Lyndon Johnson phải tử bỏ năm 1972.

Năm 2006, ông được trao giải thưởng Right Livelihood (Giải thưởng cho sinh kế chính đáng).

Ngày 13/5/2011 Mỹ đã chính thức công bố tài liệu này và cho phép công chúng tiếp cận hồ sơ tại thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California từ tháng 6/2011.

6. Thomas Drake và Trailblazer (Người tiên phong hoặc Người dẫn đường)

Điều gì đã khiến Thomas Drake một lãnh đạo cao cấp của cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) trở thành nhân viên  trong một cửa hàng Apple ở ngoại ô Maryland? Chính là bởi vì ông đã tiết lộ một bí mật mang tầm quốc gia, bị buộc tội vi phạm đạo luật gián điệp, một trọng tội có thể bị ở tù hơn 30 năm.

Sự việc bắt đầu sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, NSA bắt đầu thực hiện một chương trình giám sát bí mật nhằm tránh những vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra trong tương lai, dự án này mang tên Trailblazer cho phép NSA có thể thu thập những dữ liệu được chia sẻ từ điện thoại di động và hộp thư điện tử.

Thomas Drake đã cung cấp những tài liệu mật về dự án này cho phóng viên của tờ Baltimore Sun bởi ông cho rằng chương trình này là bất hợp pháp.

Tuy bị đối mặt với án 35 năm tù nhưng cuối cùng Drake chỉ bị kết tội “vượt quá thẩm quyền sử dụng máy tính”.

5. Coleen Rowley: Trách nhiệm của FBI trong vụ khủng bố 11/9

Ngay sau thảm kịch 11/9/2001 Mỹ chết lặng và tự hỏi tại sao những kẻ khủng bố có thể mở ra một cuộc tấn công ngay trên đất Mỹ mà không hề có một mẩu tin tức hay một mối nghi ngờ nào từ bất kỳ cơ quan bảo vệ, an ninh, tình báo của nước này. Đây là một điều tưởng chừng bất khả thi vậy mà nó đã xảy ra.

Trong khi các cơ quan “im lặng, giả vờ bất ngờ” thì đặc vụ FBI Coleen Rowley đã lên tiếng rằng văn phòng ở Minneapolis nhận được tin Zacarias Moussaoui (một trong những kẻ tham gia vụ khủng bố 11/9) đã trả 8 ngàn USD để học bay trên chiếc Boeing 747. Nghi ngờ hành động kỳ lạ này, Rowley lập tức xin lệnh tìm số phòng và đột nhập máy tính của Moussaoui để tra cứu nhưng đã bị cấp trên từ chối.

Thất vọng do xử lý sai thông tin trước và sau cuộc tấn công, Rowley đã viết một bản tường trình 13 trang gửi tận tay giám đốc FBI Robert Mueller và hai thành viên của Ủy ban tình báo thượng viện.

Ngày 3/6/ 2002, tạp chí Time đã cho đăng tải đầy đủ chi tiết bản tường trình đó với tựa đề The Bombshell Memo. Cũng năm đó, tạp chí Time bình chọn Rowley là nhân vật của năm.

4. Bradley Manning: Lục quân Hoa Kỳ

Là một quân nhân trẻ tuổi (sinh năm 1987), Manning khiến người ta băn khoăn rằng hành động làm “rò rỉ dữ liệu bí mật quân sự lớn nhất” của anh là sự trả thù những kẻ đã bắt nạt anh trong quân ngũ hay thực sự là thông báo cho công chúng mảng tối của chính phủ?

Bị cáo buộc cung cấp hàng ngàn bức điện tín ngoại giao cho WikiLeaks, Manning bị giam trong phòng biệt giam và bị đối xử thậm tệ. Điều này làm dấy lên một làn sóng phản đối từ các nhà hoạt động nhân quyền lên án chính phủ Mỹ có hành động khắc nghiệt bạo lực đối với những người tố cáo.

Một trong số những điều Manning tiết lộ là:

Hồ sơ chi tiết về số thường dân chết ở Iraq (trong khi quân đội nói không có hồ sơ)

Binh sĩ Mỹ đã thực hiện những hành vi khủng khiếp, tra tấn tù nhân Iraq (trong khi Mỹ tuyên bố với truyền thông rằng không hề tra tấn tù nhân)

Về các vụ buôn bán trẻ em...

 3. Russell Tice: Cơ quan An ninh quốc gia

Russell Tice, một nhân viên cũ của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) cho biết, NSA đã truy cập vào tất cả người Mỹ, từ thư tín, fax, điện thoại, máy tính... Không cần biết bạn đang ở đâu trên nước Mỹ, dù cho bạn không bao giờ gọi điện ra nước ngoài thì họ vẫn theo dõi tất cả các hoạt động liên lạc của bạn.

Bên cạnh việc nghe lén bất hợp pháp trên các công dân bình thường, các cơ quan tình báo Mỹ đặc biệt “tò mò” về thông tin liên lạc của các nhà báo. Tice  nói rằng ông đích thân chứng kiến các kênh thông tin liên lạc của các nhà báo được ghi lại 24/7, mặc dù ông cũng không biết chắc họ làm gì với những thông tin ấy nhưng ông đoán rằng các thông tin ấy đã được số hóa và nằm ở một cơ sở dữ liệu nào đó.

Russell Tice còn cho biết năm 2004, văn phòng của ông được giao nhiệm vụ nghe lén điện thoại của một vị thượng nghị sĩ từ Illinois.

Tice đã “được” NSA dán mác “hoang tưởng” và bị sa thải khỏi văn phòng. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục kể câu chuyện của mình trên các phương tiện truyền thông.

2. Peter Buxtun và cuộc thử nghiệm giang mai

Từ năm 1946 – 1948, các nhà khoa học chính phủ Mỹ đã tìm cách “cấy” bệnh giang mai cho hàng trăm tù nhân Guatemala, các bệnh nhân tâm thần và gái mại dâm để nghiên cứu xem liệu loại kháng sinh mới Penicillin có thể ngăn ngừa sự lây nghiễm bệnh này qua đường tình dục hay không.

Có khoảng 5000 người bị đưa vào nghiên cứu, khoảng 1.300 người bị cố tình cho lây nhiễm bệnh giang mai, lậu, và một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, trong đó chỉ khoảng 700 người được điều trị và có ít nhất 83 người Guatemala đã chết vì cuộc thử nghiệm. Tất cả các nạn nhân đều không hề hay biết gì về việc bị biến thành “chuột bạch” này.

Peter Buxon, một nhân viên trẻ tuổi công tác dịch vụ y tế cộng đồng Hoa Kỳ đã thu thập dữ liệu và tiết lộ thông tin với tờ Washington Star vào năm 1972. Tiếc rằng, đến thời điểm đó thì đã có quá nhiều người chết và bị nhiễm bệnh.

Năm 1997, tổng thống Bill Clinton đã đưa ra một lời xin lỗi chính thức cho việc nghiên cứu mang tính chất phân biệt chủng tộc và vô nhân đạo đó. Năm 2010,  Tổng thống Obama cũng đã gọi điện cho người đồng cấp Guatemala để xin lỗi về sự vụ.

1. Edward Snowden: Cơ quan An ninh quốc gia

Edward Snowden là cựu trợ lý kỹ thuật tại CIA, làm việc cho nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton. Theo các dữ liệu do Snowden tiết lộ thì cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập hàng triệu băng ghi âm điện thoại và kiểm soát dữ liệu internet. Về cơ bản, những điều này cũng tương tự với chuyện Russell Tice tiết lộ hồi 2005.

Tờ Guardia đưa tin rằng kho dữ liệu khổng lồ này chứng minh NSA đã thâm nhập vào các máy chủ của 9 hãng internet lớn gồm Facebook, Google, Microsoft và Yahoo để theo dõi các trao đổi trực tuyến trong chương trình Prism.

Hiện Snowden đang tìm một nơi tị nạn an toàn để tránh bị dẫn độ. Nếu trở lại Hoa Kỳ, ông phải đối mặt với nhiều cáo buộc trong đó có cáo buộc vi phạm đạo luật gián điệp, tiết lộ bí mật quốc phòng.

Mặc dù nhiều người chỉ trích ông là kẻ phản bội, song tiết lộ của Snowden có sức ảnh hưởng quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ.

Thường Ngọc

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM