8 bí quyết lãnh đạo từ cựu binh Navy SEAL

05/10/2015 08:50 AM | Nhân vật

Brent Gleeson – cựu binh đội đặc nhiệm Hải quân Mỹ Navy SEAL, nhà đồng sáng lập, CMO của công ty hàng đầu về digital marketing Internet Marketing – cho biết: “Tôi đã học được nhiều bài học lãnh đạo hữu ích khi còn ở Navy SEAL và trong suốt hơn 10 năm làm việc tại Internet Marketing. Một trong những điều thú vị nhất mà tôi đã tiếp thu được là, hành vi của nhà lãnh đạo sẽ tác động trực tiếp đến yếu tố kinh tế của tổ chức mà họ điều hành”.

Theo Brent Gleeson, sau đây là các bí quyết giúp cho hành vi của nhà lãnh đạo tác động trực tiếp đến thành công của công ty hoặc tổ chức:

1. Điềm tĩnh trước mọi tình huống

Giữ bình tĩnh khi đối diện với áp lực là yêu cầu bắt buộc đối với nhà lãnh đạo, bởi vì nhân viên cấp dưới chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành vi của họ. Nếu người quản lý bị rối trí khi có sự cố xảy ra, những thuộc cấp của họ cũng sẽ như vậy.

“Nếu không giữ bình tĩnh, bạn sẽ không thể suy nghĩ hoặc giao tiếp rõ ràng, việc này dẫn đến sự sai lạc thông tin và khiến bạn cho ra những quyết định thiếu chính xác, từ đó tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Khi duy trì thái độ điềm tĩnh, bạn mới có thể nắm bắt thông tin tốt nhất và đưa ra những quyết định điều chỉnh hợp lý đối với từng tình huống”, Brent Gleeson nói.

2. Xem sự minh bạch là nguyên tắc làm việc

Việc xem sự minh bạch là giá trị cốt lõi và là nguyên tắc hoạt động khá phổ biến ở mọi công ty hoặc tổ chức. Tuy nhiên, việc thực hành nguyên tắc này mỗi ngày lại không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và tự kiểm điểm liên tục, đặc biệt là ở các cấp lãnh đạo.

Mọi giao dịch, quyết định, thông tin và chiến lược kinh doanh phải được thực hiện dựa trên sự minh bạch để tạo thành một nền tảng văn hóa. Khi nhà lãnh đạo không làm được điều này, không chỉ đội ngũ của họ bị ảnh hưởng mà cả công ty, tổ chức có thể gánh lấy nhiều rủi ro tài chính.

3. Hành xử nhất quán

Làm việc và ứng xử một cách nhất quán là đòi hỏi khó đối với nhà lãnh đạo, bởi vì gần như mọi hành động của họ đều được mọi người xung quanh “theo dõi”.

Các cấp lãnh đạo phải là những người tuân thủ các nguyên tắc, quy định của công ty hơn ai hết. Nếu họ cho ra những quyết định cảm tính một cách “bất quy tắc” thì cấu trúc vận hành của tổ chức/doanh nghiệp sẽ trở nên mong manh và rời rạc.

4. Niềm tin là yếu tố sống còn

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng suất, doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc vào mức độ tin tưởng lẫn nhau trong công ty. Các nghiên cứu này cũng cho thấy, chỉ có 49% nhân viên cho rằng người quản lý trực tiếp thực sự quan tâm đến quyền lợi của cấp dưới và chỉ 28% nhân viên tin rằng CEO của họ là nguồn thông tin đáng tin cậy.

Niềm tin thấp đồng nghĩa với rủi ro cao. Doanh nghiệp hoặc tổ chức muốn hoạt động hiệu quả thì phải có được niềm tin tuyệt đối từ nhân viên. Một cách gián tiếp, điều này còn giúp cho công việc được thực hiện với tốc độ nhanh hơn và chi phí thấp hơn.

5. Đồng cảm và công bằng

“Là lãnh đạo, bạn phải học cách kiểm soát và tiết chế cảm xúc nhưng vẫn phải thể hiện tình cảm một cách công bằng với nhân viên ở mọi cấp bậc. Điều này cho thấy khía cạnh “con người” của nhà lãnh đạo”, Brent Gleeson cho biết.

“Năng lực cảm xúc” không mang tính bẩm sinh mà bắt buộc người quản lý phải học hỏi, thực hành và phát triển từng ngày. Khi nhân viên cấp dưới cảm thấy được bảo vệ, họ sẽ trở nên tự giác, tự kỷ luật và phấn đấu làm việc để đạt được mục tiêu chung.

6. Trở thành một ví dụ

“Đừng lãnh đạo bằng cách nêu những ví dụ, mà bản thân người quản lý phải trở thành một ví dụ điển hình, dù là ở trong hay ngoài văn phòng làm việc, những nhà lãnh đạo giỏi luôn sống đúng với tầm nhìn và giá trị của công ty”, Brent Gleeson nói.

7. Bảo vệ đội ngũ của mình

Đôi khi những nhân viên cấp dưới cần sự dẫn dắt hơn là sự quản lý. Trách nhiệm của người lãnh đạo là phải giúp nhân viên của mình cảm thấy an tâm vì được hỗ trợ.

Muốn nhân viên toàn tâm toàn ý tập trung vào nhiệm vụ, nhà lãnh đạo phải luôn bình tĩnh khi đối diện với áp lực để cung cấp đầy đủ những điều kiện cần thiết và loại bỏ những thứ gây cản trở cho công việc của họ.

8. Chú trọng sự giao tiếp, trao đổi thông tin

"Những đội quân tinh nhuệ nhất ở Navy SEAL thường có được sự giao tiếp, trao đổi thông tin rõ ràng, hiệu quả từ tướng lĩnh đến các thuộc cấp. Sự truyền đạt – phản hồi tốt là nền tảng để phát triển lâu bền bất kỳ mối quan hệ nào. Đặc biệt là trong môi trường doanh nghiệp, truyền thông nội bộ kém hiệu quả sẽ gây xói mòn lòng tin và từ đó tác động đến hiệu quả làm việc của cả đội", Brent Gleeson cho hay.

Theo Bích Trâm

Cùng chuyên mục
XEM