10 nước nhiều tỷ phú nhất thế giới 2012

28/09/2012 07:02 AM | Nhân vật

2012 là một năm vô cùng biến động không chỉ với nền kinh tế toàn cầu mà khiến giới siêu giàu trên khắp thế giới phải lao đao. Khối tài sản của họ sụt giảm chóng mặt cùng với sự trồi sụt của thị trường. Nhiều tỷ phú, nhiều đại triệu phú của nhiều nước bị mất hút khỏi những bảng xếp hạng danh giá.

Và cũng không thể tránh khỏi sự xáo trộn về thứ hạng trong danh sách 10 quốc gia sở hữu nhiều tỷ phú nhất thế giới năm nay.

10. Canada
Số tỷ phú: 40
Tổng tài sản: 105 tỷ USD

Canada đứng thứ 8 thế giới về số lượng người siêu giàu- những người có tổng tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Số tỷ phú chỉ chiếm 0,8% giới siêu giàu nước này nhưng lại nắm giữ đến 18% trong tổng số tài sản trị giá 595 tỷ USD.

Tài sản cũng như số lượng người siêu giàu Canada giảm đồng thời 4% trong giai đoạn từ tháng 8/2011 đến ngày 31/7/2012. Theo hãng tin Wealth-X, nguyên nhân chủ yếu là thị trường tài sản toàn cầu suy yếu cộng với những lo ngại về sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ- đối tác thương mại lớn nhất của Canada.

Tỷ phú giàu nhất nước này là ông trùm truyền thông David Thomson (ảnh)- chủ nhân hãng tin Thomson Reuters. Theo tạp chí Forbes, tài sản ròng của ông và gia đình đã giảm 5,5 tỷ USD trong một năm tính đến tháng 3 vừa qua do cổ phiếu của công ty giảm gần 30%. Thompson, 55 tuổi, hiện là người giàu thứ 35 thế giới, tụt xuống từ vị trí 17 vào năm 2011.

9. Brazil

Số tỷ phú: 49
Tổng tài sản: 300 tỷ USD

Brazil là nước Mỹ La Tinh duy nhất lọt vào danh sách mặc dù số lượng người siêu giàu của khu vực tăng 3,5% trong năm nay.
Brazil xếp thứ 9 thế giới về số lượng người siêu giàu với 4.640 người. Tài sản của 49 tỷ phú chiếm hơn 1/3 tổng tài sản trị giá 865 tỷ USD của toàn khối siêu giàu. Năm nay số tỷ phú của nước này chỉ giảm đi 1 người nhưng tổng tài sản của họ lại giảm hơn 6%. Trung bình mỗi tỷ phú Brazil sở hữu 6,1 tỷ USD. Tuy nhiên theo Forbes, tỷ phú giàu nhất nước này, Eike Batista (ảnh), lại có khối tài sản trị giá 14,9 tỷ USD.

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu của Brazil. Tăng trưởng GDP giảm mạnh từ mức 7,5% năm 2010 xuống chỉ còn 2,7% năm 2011. Theo Wealth-X, thị trường tài sản của nước này giảm 10% trong 12 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái trong khi đó, đồng nội tệ lại giảm giá đến 31%.

8. Thụy Sĩ

Số tỷ phú:57
Tổng tài sản: 125 tỷ USD

Được biết đến là sân chơi lý tưởng của giới giàu có và nổi tiếng, Thụy Sĩ đứng thứ 7 thế giới về số lượng người siêu giàu với 5.597 người.

Số tỷ phú chỉ chiếm 1% nhưng nắm giữ hơn 19% tổng tài sản của nhóm người này. Trung bình mỗi tỷ phú sở hữu 2,2 tỷ USD.
Mặc dù châu Âu là khu vực có sự sụt giảm mạnh về số lượng người siêu giàu nhưng Thụy Sĩ lại tăng hơn 7%. Tổng tài sản của họ tăng hơn 3% trong năm qua. Chính sách thuế hấp dẫn đã thực sự thu hút một lượng lớn người giàu có từ thế giới đến nước này gửi gắm tài sản. Nhóm này chiếm đến hơn 18% tổng số người siêu giàu tại Thụy Sĩ.

Thị trường tài sản tăng 15% trong năm qua cũng là một trong những nguyên nhân giúp tổng tài sản của người giàu nước này gia tăng.

7. Hong Kong

Số tỷ phú:64
Tổng tài sản :190 tỷ USD

Là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á, Hong Kong cũng là ngôi nhà của một số nhân vật giàu nhất thế giới.
Chiếm 2% về số lượng thành viên trong giới siêu giàu nhưng tài sản của các tỷ phú Hong Kong lại chiếm đến hơn 40%.

Tăng trưởng kinh tế chậm chạp khắp khu vực Bắc Á đã ảnh hưởng trực tiếp đến 3.135 người siêu giàu Hong Kong. Tổng tài sản của nhóm người này đã giảm 11%.

Theo tạp chí Forbes, tài sản của tỷ phú Lý Gia Thành, 84 tuổi, người giàu nhất Hong Kong và châu Á và giàu thứ 9 thế giới, đã giảm xuống 22 tỷ USD vào tháng 5 từ 25,5 tỷ vào tháng 3 năm nay.

Phần lớn trong số 10 tỷ phú giàu nhất Hong Kong hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã thu lợi từ nhu cầu mua bất động sản của người Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, sự sụt giảm kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã ảnh hưởng đến nhu cầu và do vậy các công ty bất động sản của thành phố cũng “đói kém” theo.

6. Nga

Số tỷ phú:97
Tổng tài sản : 380 tỷ USD

Số lượng tỷ phú Nga tăng mạnh nhưng giảm về giá trị tài sản.
Số tỷ phú chiếm 8,5% trong giới siêu giàu Nga nhưng lại kiểm soát đến hơn 60% tài sản của nhóm người này. Tăng 17% về số lượng nhưng tổng tài sản của họ lại giảm gần 29% so với năm ngoái.

Trong khi đó, từ tháng 8/2011 đến 7/2012, tài sản của khối siêu giàu Nga giảm gần 15% xuống mức 605 tỷ USD trong khi số lượng thành viên giảm 145 người xuống còn 1.145 người (tương đương 11%).

Tài sản của người giàu nhất nước Nga, ông trùm sắt thép Vladimir Lisin đã giảm 8,1 tỷ USD chỉ trong 1 năm kể từ tháng 3/2012. Giá thép xuống dốc đã kéo theo giá cổ phiếu của tập đoàn Novolipetsk Steel giảm 45%.

5. Ấn Độ

Số tỷ phú: 109
Tổng tài sản: 190 tỷ USD

Ấn Độ cùng với các nước “đồng nghiệp” BRIC đã chiếm một tỷ trọng lớn trong danh sách. Điều này cho thấy quy mô tài sản đang được mở rộng tại các nền kinh tế mới nổi.  Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này cùng với Nhật Bản và Trung Quốc sở hữu đến 75% số lượng người siêu giàu của toàn khu vực.

Chiếm 1,4% về số lượng thành viên nhưng tài sản của các tỷ phú lại chiếm hơn 20% toàn bộ tài sản của giới siêu giàu nước này. Trung bình mỗi tỷ phú sở hữu 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, năm nay, tổng tài sản của họ giảm 7% và số lượng giảm hơn 5%.

Bên cạnh đó, với 485 người rời khỏi danh sách siêu giàu, tài sản của nhóm người này bốc hơi gần 6% so với năm ngoái. Sự bất ổn của thị trường chứng khoán và sự mất giá của đồng tiền Rup chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến tài sản của giới giàu Ấn Độ giảm mạnh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại cộng với sự sự tồi tàn về hệ thống cơ sở hạ tầng đã kìm hãm các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế nước này trong quý thứ II đứng ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

4. Đức

Số tỷ phú: 137
Tổng tài sản: 550 tỷ USD

Đức là quốc gia duy nhất trong khối đồng tiền chung có tên trong danh sách năm nay. Điều này cho thấy đang có một sự sụt giảm đáng kể về giá trị tài sản của phần lớn các nước trong khu vực.

Với 137 thành viên, nhóm tỷ phú chiếm chưa đầy 1% số lượng người siêu giàu nước này nhưng họ lại kiểm soát đến 27% tổng tài sản. Trung bình mỗi tỷ phú sở hữu 4 tỷ USD. Ba thành phố nổi tiếng là ngôi nhà của giới siêu giàu là Munich, Dusseldorf và Hamburg.

Thị trường tài sản giảm gần 3%, giá trị đồng Euro cũng giảm 13% từ táng 8/2011 đến tháng 7 năm nay nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc tạo tài sản của người giàu Đức- nền kinh tế lớn nhất khu vực. Tổng tài sản của nhóm siêu giàu nước ngày tăng 5,3% so với năm ngoái trong khi số lượng người giảm 1,4%.

3. Vương quốc Anh

Số tỷ phú:140
Tổng tài sản: 430 tỷ USD

Anh là quốc gia có số lượng tỷ phú lớn nhất châu Âu, nhiều hơn Đức 3 người nhưng tài sản thì lại kém họ đến 120 tỷ USD.
Chiếm 1,3% về số lượng nhưng tỷ phú nước này lại nắm giữ gần 33% tổng tài sản của nhóm siêu giàu. Trung bình mỗi người sở hữu 3,1 tỷ USD.

Tài sản của nhóm siêu giàu tăng gần 4% trong khi số lượng lại chỉ tăng 0,2%. Anh được biết đến là thiên đường an toàn cho người giàu trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế khu vực.  Hơn 1/3 trong số những người siêu giàu Anh không phải là dân cứ trú.

Bất động sản chính là một trong những khu vực hút tài sản nước ngoài nhiều nhất. 65% thị trường bất động sản văn phòng Central London năm 2011 do các nhà đầu tư nước ngoài mua.

Tuy nhiên, nguy cơ về tình hình suy thoái tại Anh trong năm nay cũng như cuộc khủng hoảng nợ khu vực động tiền chung với diễn biến xấu đi có thể khiến cho triển vọng không còn được sáng sủa như trước nữa.

2. Trung Quốc

Số tỷ phú:147
Tổng tài sản :380 tỷ USD

Xếp thứ 2 về số lượng nhưng tổng tài sản của các tỷ phú Trung Quốc lại khá khiêm tốn so với Đức và  Anh.

Số tỷ phú chiếm 1,3% trong giới siêu giàu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Họ nắm giữ 24% tổng tài sản trị giá 1,58 ngàn tỷ USD của nhóm siêu giàu. Trung bình mỗi tỷ phú sở hữu 2,6 tỷ USD. 5 tỉnh thành là nơi hội tụ nhiều người giàu có nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Đông và Hàng Châu.

Tuy nhiên, trong năm qua, tỷ phú Trung Quốc đã mất gần 1/3 tài sản, giảm xuống còn 380 tỷ USD từ mức 540 tỷ USD hồi năm ngoái. Đây là mức giảm khủng nhất trên toàn thế giới.

Thị trường tài sản lao dốc là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra thực trạng này. Những doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản tại các tỉnh ven biển chịu thiệt hại nhiều nhất do xu hướng chuyển nhà máy vào đại lục để giảm chi phí lao động.

1. Mỹ

Số tỷ phú: 480
Tổng tài sản : 2,05 ngàn tỷ USD

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số lượng tỷ phú cũng như giá trị tài sản của họ, vượt xa đối thủ Trung Quốc.

Mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm qua, số lượng tỷ phú của Mỹ gia tăng thêm 25 người. Tổng tài sản của họ cũng tăng gần 8% so với năm trước. Số tỷ phú Mỹ chỉ chiếm chưa đầy 1% nhưng lại kiểm soát đến gần ¼ tổng tài sản trị giá 8,28 ngàn tỷ USD của nhóm siêu giàu nước này. Trung bình mỗi tỷ phú sở hữu 4,3 tỷ USD.

Tài sản của giới siêu giàu tăng hơn 3% trong trong khi số lượng cũng tăng gần 4% so với năm trước đó, vượt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.

California là bang sở hữu nhiều người siêu giàu nhất nước Mỹ, tiếp theo là  New York, Texas, Florida và Illinois.  Năm vừa qua có 2.250 người gia nhập vào danh sách siêu giàu. Biểu hiện tích cực này bắt nguồn sự sự tăng trưởng của thị trường tài sản.
 
Chỉ số S&P 500 tăng 7% kể từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 7 năm nay. Mặc dù vậy, Wealth-X vẫn dự đoán số người siêu giàu châu Á sẽ vượt Mỹ vào năm 2025 và tài sản của họ cũng sẽ vượt Mỹ vào năm 2020.
 
Theo Thái Anh
VEF/CNBC

duchai

Cùng chuyên mục
XEM