Nhận đầu tư từ Seedcom, chuỗi bán giày nữ Juno tăng doanh số gấp 30 lần, tham vọng thành "TGDĐ của ngành giày"

07/06/2017 11:04 AM | Kinh doanh

Dưới sự điều hành của ông Đinh Anh Huân, người đồng sáng lập Thế Giới Di Động, thương hiệu giày Juno đang mở rộng với tốc độ chóng mặt nhắm đánh chiếm thị trường vốn đang chủ yếu dùng giày từ Trung Quốc.

Lột xác nhờ Seedcom

Juno là thương hiệu giày ra đời từ năm 2005, tuy nhiên, suốt 10 năm phát triển, cái tên này cũng như nhiều thương hiệu giày khác khá mờ nhạt trên thị trường và đến năm 2015 chỉ có khoảng 5 cửa hàng giày.

Thế nhưng, kể từ khi lọt vào mắt xanh của Seedcom, một công ty chuyên đầu tư vào các startup, Juno bỗng lột xác.

Nói thêm về Seedcom. Công ty này ra đời năm 2004, được sáng lập và điều hành bởi ông Đinh Anh Huân, người đồng sáng lập hệ thống bán lẻ lớn nhất hiện nay: Thế Giới Di Động. Ngoài Juno, Seedcom còn đầu tư vào nhiều tên tuổi khác như Tiki, Haravan, The Coffee House, Pizza 4P's...

Tháng 8/2015, Juno được tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 31,4 tỷ đồng. Đến tháng 5/2016, vốn điều lệ được tăng tiếp lên 37,4 tỷ đồng. Từ 5 cửa hàng Juno ban đầu, sau 2 năm nhận đầu tư từ Seedcom, hiện chuỗi Juno đã tăng 10 lần, lên tới hơn 50 cửa hàng. Kế hoạch đến cuối năm 2017 con số này sẽ tăng lên 90.

Đầu tư vào Juno, Seedcom không đóng vai trò của một quỹ đầu tư mà tham gia điều hành, sản xuất và cả bán hàng. Được biết, thời điểm Seedcom bắt tay với Juno, hãng giày này có công suất chỉ khoảng 3.000 đôi giày/tháng, tức khoảng 30-40 ngàn đôi/năm. Tuy nhiên, đến năm 2017 này, Juno dự kiến bán ra tới 1 triệu đôi giày, tức mỗi tháng bán hơn 80 ngàn đôi, gấp 30 lần trước đây.

Với kế hoạch tăng công suất nhà máy, trong vòng vài năm tới, nhà máy của Juno có thể cung cấp hàng triệu đôi giày mỗi tháng.

"Làm 5 năm chưa chắc đã hết"

Lý giải về việc đầu tư vào lĩnh vực giày dép cho nữ giới, ông Đinh Anh Huân đã trả lời trên báo Doanh Nhân trong một cuộc phỏng vấn mới đây: "Đối tượng khách hàng của Juno là từ 18-40 tuổi, tức khoảng 22 triệu dân, chia đôi ra là có khoảng 10 triệu phụ nữ. 10 triệu phụ nữ là một thị trường rất lớn, đặc biệt chị em phụ nữ mỗi năm thường mua 3-4 đôi giày, nên 1 năm thị trường phải cần mấy chục triệu đôi giày. Dù trong nước có một vài thương hiệu, nhưng chỉ chiếm rất nhỏ, chưa tới 1% thị trường, còn chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc không có thương hiệu".

Đầu tư vào lĩnh vực giày, Juno chọn phân khúc khách hàng trung bình, vốn là phân khúc khách hàng lớn nhất hiện nay. "Nhóm đối tượng khách hàng này vẫn còn rất lớn, làm 5 năm chưa chắc đã hết". Đó là nhóm đối tượng khách hàng có nhu cầu về đôi giày với giá khoảng 300.000 đồng và mua ít nhất vài đôi giày trong một năm.

Với phân khúc này, hiện nay trên thị trường chủ yếu là hàng Trung Quốc. Trong khi đó, người tiêu dùng đang rất khát những sản phẩm mang thương hiệu Việt, có giá cả phải chăng và chất lượng đảm bảo.

Ông Huân tính toán, trong tương lai, Juno sẽ không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn có thể gia công cho các thương hiệu giày nước ngoài hoặc bán giày thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài.

Việt Nam là nước có lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng về sản xuất giày. Có đến 40% giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam, Adidas cũng tương tự. Trong 1 năm, Việt Nam gia công cho thế giới hàng tỷ USD tiền giày. Tất cả các nguyên liệu làm giày thì ở Việt Nam cũng có hết, nhân công cũng sẵn. Thị trường giày có cơ hội cho mọi người.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM