Nhân chuyến thăm của ông Obama nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ: Từ số 0 đến thị trường xuất khẩu số 1 và nhà đầu tư hàng đầu

23/05/2016 07:32 AM | Kinh tế vĩ mô

22h ngày 22/5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đặt chân đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến công du Việt Nam kéo dài đến ngày 25/5.

Trước Tổng thống Obama, 2 người tiền nhiệm của ông đều đã có chuyến viếng thăm Việt Nam vào các thời điểm khá quan trọng, đó là vào các năm 2000 (Tổng thống Bill Clinton) khi Hiệp định BTA được ký và năm 2006 (Tổng thống Geogre W. Bush) khi Việt Nam gia nhập WTO.

Sự có mặt của ông Obama tại Việt Nam lần này được mong chờ đặc biệt.

Nếu Bill Clinton xóa bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1995, Geogre W. Bush giúp Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, thì Barack Obama là người khởi xướng chính sách xoay trục sang Châu Á của Mỹ. Dưới thời ông, quan hệ Mỹ-Việt đã được cải thiện trên tất cả mọi lĩnh vực – từ chính trị, quốc phòng đến kinh tế, giáo dục.

Trong chuyến thăm này, dự kiến Tổng thống Obama sẽ thảo luận một loạt vấn đề với lãnh đạo Việt Nam, như tăng cường hợp tác song phương, hợp tác an ninh, TPP, giáo dục...

Cùng điểm lại một số giá trị trong lĩnh vực kinh tế hai nước thay đổi ra sao sau hơn 2 thập kỷ qua.

Quan hệ thương mại: Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1

Kể từ năm 1995 khi Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến quan trọng trong các lĩnh vực đầu tư - thương mại.

Một trong những dấu mốc hội nhập quan trọng nhất trong quan hệ 2 bên là việc Việt Nam ký kết hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA) vào năm 2000. Hiệp định này là bước tập dượt cho Việt Nam sau đó gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2006.

Trong quan hệ thương mại, sự tăng trưởng vượt bậc về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước là minh chứng rõ nét cho việc cải thiện và nâng tầm phát triển quan hệ kinh tế hai bên.

Xét về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị đã tăng từ 200 triệu USD năm 1995 lên hơn 40 tỷ USD năm 2015.

Riêng xuất khẩu sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất, nếu năm 2000 (năm ký kết BTA với Mỹ), xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ đạt con số hơn 700 triệu USD, thì 5 năm sau, năm 2005 con số này đã lên tới gần 6 tỷ USD. Đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 33,5 tỷ USD.

Gần nhất, số liệu xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2016 cho thấy, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 11,45 tỷ USD, chiếm đến hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Quan hệ đầu tư: Mỹ hứa hẹn là "nhà đầu tư số 1"

Mặc dù kỳ vọng là "Nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam" hiện vẫn chưa thành hiện thực nhưng Mỹ cũng luôn nằm trong top các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Mỹ đang đứng thứ 8 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 806 dự án và 11,7 tỷ USD.

Về quy mô vốn, bình quân một dự án của Mỹ vào khoảng 15,42 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án.

Xét về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành kinh tế, trong đó vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, số vốn đến từ Mỹ vẫn chưa xứng với tiềm năng khi chỉ bằng 1/4 hoặc 1/3 nếu so với nhiều nước đứng đầu như Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản.

So sánh với các nước trong ASEAN, nếu như các nhà đầu tư Mỹ rót khá nhiều vốn vào các nước trong khu vực, thì dòng vốn đổ vào Việt Nam lại khá khiêm tốn. Dẫn chứng, trong năm 2014 dòng vốn FDI của Mỹ vào Indonesia là 2,58 tỷ USD, Thailand là 1,97 tỷ USD, Malaysia là 1,72 tỷ USD và Philippines là 1,016 tỷ USD, nhưng số vốn rót vào Việt Nam chưa tới 300 triệu USD.

Chuyến thăm của tổng thống Obama lần này đến Việt Nam sẽ thiết lập các cuộc gặp gỡ và trao đổi cấp cao giữa lãnh đạo hai nước với các nhà đầu tư Mỹ - Việt. Các cuộc gặp này hứa hẹn sẽ cải thiện và thúc đẩy mạnh hơn việc đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo và giới doanh nhân - đầu tư hai nước.

Đổ hàng ngàn tỷ USD đầu tư mỗi năm ra nước ngoài, Mỹ là quốc gia rót nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất hiện nay. Trong khi quan hệ Việt – Mỹ đang ngày càng được củng cố, Hiệp định TPP và chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thu hút được nhiều hơn nữa dòng vốn chất lượng cao từ quốc gia này.

Châu Anh

Cùng chuyên mục
XEM