Nhạc sĩ Dương Thụ: Nhiều người trẻ làm nghệ thuật kiểu "đi tắt đón đầu", không nắm vững căn bản nhưng nghĩ đó là cá tinh, muốn trở thành tinh hoa phải biết đọc, nghe và xem

15/09/2019 11:19 AM | Sống

Chia sẻ với các bạn trẻ tham dự Khóa học mùa hè 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, nhạc sĩ Dương Thụ đã chia sẻ về khả năng xây dựng lớp người trẻ tinh hoa, biết sử dụng "tiền tài và quyền lực" có văn hóa.

Nỗi trăn trở tinh hoa : Muốn thành người tinh hoa thì phải đọc, nghe và xem

Nhạc sĩ Dương Thụ kể lại những câu chuyện thực tế, rằng 10 năm trước, có người biết tiếng ông, họ đã rất niềm nở và rối rít đón tiếp. Nhưng 10 năm sau, khi người này có được địa vị thì họ trở nên lạnh nhạt, do "họ ý thức được họ có quyền".

"Ngay cả những ông bán đất xong, nghe nói khách sạn 5 sao oai thì đi ở khách sạn 5 sao và uống những chai rượu Tây đắt tiền xong nôn thốc nôn tháo. Đó là bi kịch của một xã hội không xây dựng được lớp người tinh hoa, biết sử dụng tiền tài và quyền lực có văn hóa", nhạc sĩ Dương Thụ nói.

Từ thực trạng trên, người nghệ sĩ 76 tuổi cũng mong muốn đóng góp những nỗ lực cá nhân để thay đổi con người và xã hội.

Hiện tại, ngoài những dự án như Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy, Cà phê thứ Bảy Trẻ đã có sức lan tỏa trong giới trí thức trẻ và giới trẻ sáng tạo, ông Dương Thụ còn cho biết đang xây dựng Cà phê thư viện Trẻ với bốn tủ sách Tinh hoa.

Tủ sách bao gồm: Tinh hoa Tri thức (sách tư tưởng có độ khó liên quan đến triết học, nghệ thuật, tâm lý, lý luận...), Tinh hoa Văn học (tác phẩm kinh điển trong và ngoài nước), Tinh hoa Nghề (sách về kiến trúc, nông nghiệp...), Tinh hoa Ngoại ngữ (các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật, Đức, Nga, Trung).

Đây là những cố gắng cá nhân, mà theo nhạc sĩ: "Chưa xét đến việc tiếp nhận đến đâu nhưng khi chúng ta có nhu cầu đọc thì sẽ có được nền tảng. Muốn trở thành tinh hoa (ngoài việc đọc-PV), còn phải nghe và xem".

Nhạc sĩ Dương Thụ: Nhiều người trẻ làm nghệ thuật kiểu đi tắt đón đầu, không nắm vững căn bản nhưng nghĩ đó là cá tinh, muốn trở thành tinh hoa phải biết đọc, nghe và xem - Ảnh 1.

Không gian Cà phê thứ Bảy Trẻ do nhạc sĩ Dương Thụ khởi xướng

Nghe nhạc để rèn luyện tư duy, học nhạc không phải học "ông Beethoven, ông Bach sinh năm bao nhiêu, mất năm bao nhiêu"

Nhạc sĩ Dương Thụ kể rằng, ông có một người bạn làm việc tại ngân hàng của Nhật Bản và nói tiếng Việt khá rành. Khi ông đem tặng cho cô này dĩa nhạc có bản "Trở về", cô ấy nghe xong và đánh giá việc sử dụng các quãng ngũ cung rất hay. Sau đó, nhạc sĩ Dương Thụ hỏi cô có phải học Nhạc viện hay không ? Nhưng không phải, bạn của ông biết về nhạc từ khi tốt nghiệp bậc trung học.

Ở Nhật, từ thời tiểu học, bạn của nhạc sĩ đã học piano. Trong suốt quá trình từ lớp 1 đến lớp 12, họ đuọc đào tạo tương đương với trung cấp âm nhạc ở ta về một số phương diện. 

Theo nhạc sĩ Dương Thụ, học nhạc phải gắn liền với nhạc cụ và nghe nhạc từ bé, chứ không phải học "ông Beethoven, ông Bach sinh năm bao nhiêu, mất năm bao nhiêu". Ở nước ngoài, không có kỹ sư - kiến trúc sư nào khi tốt nghiệp mà không có nền tảng âm nhạc tốt.

Quan điểm của nhạc sĩ Dương Thụ là nghe nhạc như học toán, tất nhiên nó hoàn toàn không dễ chịu. Nhưng nếu bạn nghe được nhạc cổ điển sẽ rất có lợi cho tư duy vì thể loại này có công thức hòa phối. Sự phức tạp sẽ trở thành hài hòa, mạch lạc khi dàn nhạc trình diễn. Đơn cử như sự điều chỉnh sắc thái trong các chương thuộc Bản giao hưởng của Beethoven phản ánh trình tự của tư duy.

Ở góc độ mỹ thuật, nhạc sĩ cho rằng người Việt còn kém về tư duy khái niệm (suy nghĩ trừu tượng - PV), nên tranh vẽ nhất thiết phải nhìn thấy con người, sự vật cụ thể.

"Khi tôi sang Pháp thăm quê của danh họa Henri Matisse (thủ lĩnh của trường phái Dã thú) và đến bảo tàng tranh của ông tại địa phương. Các em nhỏ vào bảo tàng sẽ được đeo sẵn máy headphone. Bảo tàng có chương trình thuyết trình mỗi khi các em bước tới xem tranh", ông  Thụ kể.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Nhiều người trẻ làm nghệ thuật kiểu đi tắt đón đầu, không nắm vững căn bản nhưng nghĩ đó là cá tinh, muốn trở thành tinh hoa phải biết đọc, nghe và xem - Ảnh 2.

Nhiều người trẻ làm nghệ thuật kiểu "đi tắt đón đầu"

Nhạc sĩ Dương Thụ khẳng định, khi làm nghệ thuật kiểu "đi tắt đón đầu" như kinh tế, nhiều người trẻ không nắm vững nền tảng căn bản, phóng tác không có cơ sở rồi cho rằng như vậy mới là cá tính.

"Sau đó họ lại nhảy sang sắp đặt (nghệ thuật sắp đặt - PV), sắp đặt được vài cái chai xong  tưởng mình là nghệ sĩ. Người phương Tây cũng thực hiện nghệ thuật sắp đặt, song ẩn đằng sau là cả một bề dày văn hóa", nhạc sĩ Dương Thụ nói.

Vì không am hiểu nội hàm của nghệ thuật, mới có câu chuyện tính giản biên chế của dàn nhạc giao hưởng, trong khi một dàn nhạc tối thiểu phải có 60 người, giảm một nửa thì "đánh cái gì, nó không phải là hành chính".

Mặc dù có những trăn trở về vấn đề xây dựng lớp người tinh hoa kế cận nhưng nhạc sĩ Dương  Thụ quan điểm không chống lại lối biểu hiện và thưởng thức văn hóa của số đông. Ông mong muốn hướng tới việc định hình số ít, xây dựng những con người tinh hoa thật sự theo cách kiên trì và bền bỉ.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM