Nhắc đến FDI, đừng chê doanh nghiệp Việt “không làm nổi cái ốc vít”

10/10/2017 15:10 PM | Kinh doanh

Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã bắt đầu từ gần 30 năm trước. Câu chuyện doanh nghiệp Việt tham gia vào chuối cung ứng cho doanh nghiệp FDI cũng không còn mới, nhưng một lần nữa được làm nóng lên tại tọa đàm “30 năm lan tỏa vốn FDI” tổ chức tại Vĩnh Phúc cuối tuần trước.

Nhắc đến FDI, đừng chê doanh nghiệp Việt “không làm nổi ốc vít”

Đầu tư nước ngoài đã xuất hiện tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó nhiều nơi nhờ tận dụng tốt nguồn vốn này nên kinh tế đã có bước phát triển vượt bậc. Nếu ở miền Nam Bình Dương là cái tên tiểu biểu , thì ở miền Bắc chính là Vĩnh Phúc.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sau 20 năm, đến 2016, Vĩnh Phúc đã đạt thu ngân sách 33 ngàn tỷ, tăng 300 lần so với ban đầu. Thu nhập bình quân ở mức 70 triệu/người/năm (tương đương 3.200 USD/người/năm), cao ngưỡng bình quân của toàn quốc. Thu nội địa nhiều năm chỉ đứng sau Hà Nội.

“Trước tiên tôi xin khẳng định Vĩnh Phúc có được hôm nay nhờ đầu tư nước ngoài”, ông Thành thừa nhận.


Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quang Sơn

Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quang Sơn

Ông cho biết sản phẩm “Made in Việt Nam” sản xuất tại Vĩnh Phúc có mặt tại 20 nước trên thế giới. Ngay tại thị trường Mỹ, nhiều mẫu quần áo được sản xuất tại Vĩnh Phúc hay một sản phẩm khác là ghế ô tô cũng được sản xuất toàn bộ ở Vĩnh Phúc sau đó xuất khẩu sang Bắc Mỹ.

Trước đây cùng lắm chỉ có một vài nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI nhưng chỉ làm thùng bìa thôi. Đến giờ doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp 1 xuất hiện rất nhiều. Kinh nghiệm, công nghệ doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi”.

Một ví dụ tiêu biểu để thấy năng lực doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện rất nhiều so với trước đó là tại Vĩnh Phúc, có một chủ công ty khởi điểm ở vị trí công nhân tại nhà máy của Đài Loan chuyên cung cấp nguyên liệu cho Honda và Toyota. Với tư duy “người nước ngoài làm được thì người Việt Nam cũng làm được”, người này sau đó đã lập doanh nghiệp, cung cấp vật liệu cho chính Honda. Từ vị trí nhà cung ứng cấp 2 vươn lên trở thành cấp 1.

Hay như một chủ doanh nghiệp khác, đã tự tin khẳng định không có cái gì doanh nghiệp Đài Loan làm được, doanh nghiệp Trung Quốc làm được mà doanh nghiệp Việt không làm được.

“Khi tôi đến doanh nghiệp của anh này thì thấy có tới 20 người Nhật làm thuê cho anh ấy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được”, ông Thành nhớ lại. “Chủ doanh nghiệp đã khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể trở thành các nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI là còn thiếu tự tin, cứ nghĩ doanh nghiệp FDI là cái gì cao siêu lắm”.

Làm sao để doanh nghiệp Việt cởi bỏ tự ti, gia nhập chuỗi ưng ứng của doanh nghiệp FDI

Với tư cách là doanh nghiệp FDI đã rót vốn vào Việt Nam trong hơn 20 năm qua, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Vietnam cũng thừa nhận các doanh nghiệp Việt còn thiếu tự tin, ít chủ động.


Ông Bang Hyun Woo - Phó tổng giám đốc Samsung Vietnam. Ảnh: Quang Sơn

Ông Bang Hyun Woo - Phó tổng giám đốc Samsung Vietnam. Ảnh: Quang Sơn

"Samsung không phải lớn mà là rất lớn, đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đất nước. Muốn trở thành nhà cung cấp của chúng tôi phải đạt được một số điều kiện song chúng tôi vẫn luôn phải tự đi tìm các doanh nghiệp Việt để trở thành nhà cung cấp cho mình. Tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi giá trị của Samsung”.

Ông Bang nói để trở thành các nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung là bài toán không hề đơn giản bởi sản phẩm của Samsung xuất khẩu ra toàn cầu đòi hỏi sự tin tưởng và chất lượng cao. Ông khuyên các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không nên tham vọng làm nhà cung cấp cấp 1 của Samsung “mà trước tiên, hãy làm nhà cung cấp cấp cấp 2, cấp 3. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, chất lượng, thì doanh nghiệp sẽ có đủ tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cấp 1”.

Còn theo GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), ông đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều giám đốc làm cho doanh nghiệp Nhật, Mỹ, và Hàn Quốc. Những người này cho biết muốn thành công thì cần có 2 yếu tố, thứ nhất là tự tin.

Các doanh nghiệp Việt hay tự ti, mà muốn làm được thì cần phải tự tin. Thứ hai là phải chủ động, chủ động tìm kiếm đối tác để tham gia vào chuỗi toàn cầu”.

Ngoài ra chính phủ cũng cần phải chủ động điều chỉnh chính sách đầu tư. Từ đầu năm tới nay có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô rất nhỏ mà vẫn được cấp phép. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam cũng đảm đương được.

Tôi tin tưởng nếu chúng ta có chính sách đúng, có nhiều doanh nghiệp FDI như Samsung, thì Việt Nam không chỉ được đầu tư, có công nghệ mà còn có thể đạt được mục tiêu của Trung ương Đảng là có 2 triệu doanh nghiệp với phần lớn sẽ là các doanh nghiệp tư nhân”, giáo sư Mại kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM